Trẻ mắc viêm gan vi rút cần chế độ dinh dưỡng như thế nào?

NDO -

NDĐT - Hạn chế chất béo, nhất là chất béo bão hòa, hạn chế cholesterol… là lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng đối với trẻ mắc viêm gan vi rút.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao trên thế giới. Ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B, khoảng một triệu người nhiễm HCV. Tỷ lệ lưu hành HBsAg giảm đi theo thời gian do việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ hiện nhiễm vi rút viêm gan C trong quần thể chung ở phía Bắc là 0,38- 1,7% và ở phía Nam là 1,0- 4,3%. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C cao trên nhóm người nghiện chích ma túy khoảng 50- 70%.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, kết quả ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút B, C, đến năm 2030, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, C giảm, nhưng số tử vong liên quan đến ung thư gan và xơ gan sẽ tăng lên.

Theo ông Phạm Nhật An, Thư ký Hội Dinh dưỡng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi nhiễm vi rút viêm gan B, C có thể diễn biến viêm gan vi rút cấp tính hoặc tiến triển thành mạn tính. Ở trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B sinh ra từ mẹ không có biểu hiện lâm sàng, nhưng khoảng 90% trong số trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg và HBeAg dương tính sẽ trở thành viêm gan vi rút B mạn tính.

BS Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, suy dinh dưỡng thường xảy ra với bệnh gan tiến triển và đã được tìm thấy có tác động tiêu cực đáng kể đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở những bệnh nhân có viêm gan siêu vi rút.

Vì thế, bệnh nhân viêm gan vi rút cần cung cấp đủ năng lượng, duy trì đường huyết ổn định. Người bệnh mắc viêm gan vi rút cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó chú ý các thành phần protid, lipid trong khẩu phần. Các chế độ nghèo protein sẽ dễ đến thoái hóa mỡ ở gan. Người bệnh cũng không được bỏ qua các thành phần nước, vitamin, muối khoáng và chất xơ trong khẩu phần.

“Trẻ mắc viêm gan vi rút cần hạn chế chất béo, nhất là chất béo bão hòa, hạn chế cholesterol bởi nếu cholesterol cao có liên quan đến sự tiến triển của viêm gan vi rút. Trẻ nên sử dụng chất béo không bão hòa có trong các loại hạt, dầu ô liu, dầu cá; hạn chế chất béo bão hòa có trong thức ăn nhanh, bánh quy...”, BS Liên nói.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc viêm gan vi rút không nên sử dụng các sản phẩm có gluten cao vì việc không tiêu hóa và xử lý gluten đúng cách sẽ tạo ra tình trạng viêm mạn tính dẫn đến tổn thương ruột, cho phép độc tố và các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào máu, gây ra tình trạng quá tải độc hại mạn tính cho gan. Kết quả lâu dài của tình trạng này là việc mắc gan nhiễm mỡ.

BS Liên cũng khuyến cáo, người mắc viêm gan vi rút nên hạn chế thực phẩm giàu sắt vì thực phẩm này đẩy nhanh quá trình sẹo gan, đặc biệt khi dùng với liều lượng lớn. Tiến triển viêm gan C là kết quả của sự hấp thu sắt ở gan nhanh, chế độ ăn ít sắt giảm nguy cơ gây ung thư gan.

“Trẻ em bị mắc viêm gan siêu vi rút cần phải ăn chế độ cân bằng, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Bởi cân nặng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ bị viêm gan siêu vi rút. Trẻ thừa cân hoặc béo phì, mỡ tích tụ trong gan gây viêm gan nhiễm mỡ, có thể góp phần xơ hóa gan và tiến triển bệnh nhanh hơn”, BS Liên nói.

Mục tiêu điều trị viêm gan vi rút B, C là phòng ngừa xơ gan, bệnh gan giai đoạn cuối, ung thư gan, tử vong do bệnh gan và dự phòng lây truyền ra cộng đồng. Điều trị viêm gan vi rút B là điều trị lâu dài để ức chế lâu dài sao chép của vi rút viêm gan B, còn điều trị viêm gan vi rút C là loại bỏ vi rút ra khỏi cơ thể và có thể khỏi bệnh hoàn toàn với các thuốc mới hiện nay. Tuy nhiên, người bệnh nhiễm vi rút viêm gan B, C có thể lây truyền cho người khác và người đã nhiễm viêm gan C vẫn có thể bị tái nhiễm viêm gan C, sau khi đã được điều trị khỏi. Do vậy người nhiễm vi rút viêm gan B, C cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho cộng đồng.