Ngộ độc botulinum nguy hiểm như thế nào?

NDO -

Tình trạng liệt, suy hô hấp diễn ra rất nhanh chỉ sau 1-2 ngày có triệu chứng tiêu hóa khi ngộ độc botulinum. Rất nhiều ca bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch chỉ sau khi ăn phải thực phẩm Pate Minh Chay có vi khuẩn botulinum trong những ngày qua. 

TS, BS Lê Quốc Hùng – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
TS, BS Lê Quốc Hùng – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ghi nhận chùm ca ngộ độc hiếm trong khoảng 40 năm qua

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong khoảng thời gian từ 24-7 đến 30-7, Đơn vị Chống độc khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy đã lần lượt tiếp nhận và điều trị cho năm bệnh nhân bị sụp mi, liệt cơ hô hấp sau khi ăn cùng một loại thực phẩm pate chay đóng hộp.

Dựa theo mối quan hệ và thời gian khởi phát bệnh, năm bệnh nhân nêu trên được chia ra làm 2 nhóm.

Nhóm đầu tiên là hai vợ chồng tại Nha Trang, Khánh Hòa. Khoảng 2 giờ ngày 19-7, hai vợ chồng cùng ăn pate Minh Chay, đến khoảng 9 giờ  ngày 20-7, bệnh nhân nam (người chồng) đột ngột buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, sụp mi mắt, không sốt và nhập Bệnh viện Khánh Hòa.

Sau bốn ngày điều trị tại Bệnh viện Khánh Hòa tình trạng bệnh nặng hơn, nên được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24-7. Hiện tại, cả hai bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, sức cơ từ 2-4/5, khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy vào ngày 27-7.

Nhóm bệnh nhân thứ hai là bạn bè gồm hai người tại Đồng Nai và một người ở Vũng Tàu. Ba người cùng nhau ăn pate Minh Chay ngày 24-7. Sau đó một ngày, cả ba nhập bệnh viện địa phương với triệu chứng nói khó, sụp mi mắt, khó nuốt, khó thở, yếu tứ chi với sức cơ từ 2/5 đến 3/5. 

Các bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt vào các ngày 27, 29 và 30-7. Tình trạng lúc nhập Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh nhân tỉnh, không sốt, sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, thở máy, sức cơ tứ chi 2-3/5.

Hiện tại, cả năm bệnh nhân được điều trị hỗ trợ thở máy, thay huyết tương (năm lần, cách nhật), bổ sung Vitamin nhóm B, dinh dưỡng, vật lý trị liệu… Kết quả điều trị tới ngày 25-8 cho thấy tình trạng của bốn bệnh nhân đang cải thiện khá, riêng bệnh nhân N.T.T tái liệt sau hai ngày cải thiện khá.

TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kết quả cấy vi sinh của sản phẩm Pate Minh Chay tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP Hồ Chí Minh phát hiện có vi khuẩn Clostridium botulinum.

Cách đây khoảng hơn 40 năm, Việt Nam cũng có ghi nhận rải rác vài ca bệnh ngộ độc botulinum do người dân sử dụng đồ hộp bị quá hạn. Thời điểm đó, kết quả điều trị không tốt vì không có thuốc đặc hiệu. “Trong 30 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ gặp ca ngộ độc loại vi khuẩn này”, TS Hùng cho biết. 

Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).

Vi khuẩn C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử (tức vi khuẩn tự “đóng kén” để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát. 

Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, các bào tử này sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.

Trung bình từ 12 – 36 giờ (có thể vài ngày) sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng sau: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Mặc dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục. Điều đó cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.

Ngoài việc xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn C. botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí thì các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc botulinum dẫn tới ngộ độc.

Khác với người lớn, trong đường ruột của trẻ nhũ nhi, bào tử vi khuẩn này cũng có thể phát triển (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp) dẫn tới ngộ độc.

Ngộ độc botulinum nguy hiểm như thế nào? -0
 

Chuyên gia chỉ cách nhận biết ngộ độc botulinum

Theo TS Hùng, botulinum là độc tố không màu, không mùi không vị. Vì đây là loại ngộ độc cực hiếm nên các bác sĩ tuyến dưới khi tiếp nhận rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác như nhược cơ.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau 2-3 ngày sử dụng phương tiện chẩn đoán hiện đại, các bác sĩ mới phát hiện được loại ngộ độc này.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để người dân tự nhận biết ngộ độc này, TS Hùng cho biết không dễ dàng vì giai đoạn đầu của ngộ độc sẽ giống rối loạn tiêu hóa như nôn ói, đi ngoài, mệt mỏi. 

Tuy nhiên, có một số điểm khác mà người dân có thể lưu ý như ngộ độc do viêm nhiễm sẽ có sốt nhưng ngộ độc botulinum không sốt. Nếu người bệnh mắc các bệnh lý thần kinh khác thì có rối loạn tri giác nhưng ngộ độc botulinum này có liệt, không thở nhưng tỉnh táo hoàn toàn. 

“Các tỉnh trạng liệt diễn ra rất nhanh, không loại bệnh nào liệt nhanh tương tự như khó nói, khó nuốt, sụp mi, khó thở, và cuối cùng suy hô hấp chỉ 1-2 ngày sau có triệu chứng tiêu hóa xảy ra như ngộ độc botulinum. Nếu người dân sau khi thấy rối loạn tiêu hóa, thấy buồn ngủ, sụp mi mắt, khản giọng phải đến cơ sở y tế vì có thể liệt toàn thân, không thể thở được”, TS Hùng khuyến cáo. 

TS Hùng cho biết, vi khuẩn này không dễ diệt nhưng độc chất của nó không bền với nhiệt. Nếu được đung nóng trên nhiệt 80 độ, độc tố sẽ bị hủy hoại. Vì vậy, TS Hùng khuyến cáo, đầu tiên chúng ta phải giữ an toàn vệ sinh thực phẩm bằng ăn chín, uống sôi. 

“Trong quy trình sản xuất đồ hộp, các dây truyền làm công nghệ bảo đảm an toàn thực phẩm luôn có quá trình tiệt khuẩn sau khi đóng hộp, bảo đảm trong quá trình đóng hộp nếu bị nhiễm bất kỳ loại vi khuẩn, nấm, vi sinh vật có hại sẽ bị tiêu diệt hết trong môi trường hộp đồ ăn.

Tuy nhiên, với những đồ hộp đóng thủ công bằng tay thì phải hết sức cẩn thận vì sẽ tạo ra môi trường yếm khí cho vi khuẩn phát triển mạnh. Tôi khuyến cáo người dân không nên sử dụng sản phẩm đồ hộp đóng bằng tay. Trong trường hợp phải sử dụng nên nấu kỹ lại trước khi ăn để tránh ngộ độc”, BS Hùng nói.