Vướng mắc trong bảo vệ quyền lợi người dân ở chung cư

NDO -

NDĐT - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), diễn ra sáng 24-4, tại Nhà QH, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giải trình nhiều vấn đề còn vướng mắc chung quanh việc thực hiện pháp luật về việc thực hiện pháp luật về quản lý phí bảo trì nhà chung cư (NCC) hiện nay.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

458 chung cư tồn tại tranh chấp

Sau khi có Luật Nhà ở năm 2005, loại hình NCC tại các đô thị phát triển tương đối mạnh mẽ và nhanh chóng. Trong đó, nhiều NCC cao tầng, hiện đại đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở, cải tạo, chỉnh trang đô thị. Theo các báo cáo của Ủy ban Pháp luật của QH, hiện nay cả nước có khoảng hơn 4.420 NCC cũ và mới được đưa vào vận hành, sử dụng.

Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, vận hành NCC đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng thời gian qua, tại một số địa phương mà chủ yếu là các đô thị lớn vẫn tồn tại tranh chấp, khiếu nại trong quá trình quản lý, sử dụng NCC. Cụ thể, đến hết tháng 3-2019, cả nước có 458 NCC còn tồn tại, tranh chấp.

Phần lớn các tồn tại, tranh chấp có liên quan đến việc chậm tổ chức hội nghị NCC và thành lập ban quản trị NCC (262 trường hợp, chiếm hơn 57% tổng số tồn tại, tranh chấp). Trong đó, tại Thủ đô Hà Nội, các tồn tại, tranh chấp về vấn đề này lên tới 255 trường hợp.

Những tồn tại, tranh chấp khác, gồm: đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành (68 trường hợp); xác định sở hữu chung - riêng (47 trường hợp); thu chi tài chính, quy chế hoạt động của ban quản trị (tám trường hợp); giá dịch vụ NCC (sáu trường hợp); không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành NCC (một trường hợp); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (chín trường hợp); chất lượng công trình (17 tranh chấp); chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch (một trường hợp).

Đối với công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì NCC, thống kê cho thấy, có 11 địa phương xảy ra tranh chấp, khiếu nại, trong đó chủ yếu là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các nội dung tranh chấp, khiếu nại được phản ánh, gồm: chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị; các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì chủ đầu tư phải bàn giao; chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì phần diện tích thuộc sở hữu riêng của mình, chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác, hoặc không công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Vướng mắc trong bảo vệ quyền lợi người dân ở chung cư ảnh 1

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày các báo cáo tại phiên họp.

Người dân chịu thiệt

Tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm vấn đề quản lý khoản phí người dân ở các NCC phải đóng để bảo trì phần sở hữu chung. Theo Nghị định số 90 do Chính phủ ban hành năm 2006, người mua căn hộ phải đóng 2% tiền mua căn hộ như kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của NCC, số tiền này được gửi vào ngân hàng thương mại, do ban quản trị NCC quản lý. Điều 108 của Luật Nhà ở năm 2014 cũng có quy định rõ về vấn đề này.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), nêu ý kiến: "Nếu muốn tiếp tục giữ nguyên quy định này, phải có báo cáo đầy đủ, nêu rõ việc sử dụng khoản kinh phí này thời gian qua có hiệu quả hay không, thừa thiếu ra sao, đã bảo đảm khoa học, đã được sử dụng tốt chưa?". Cũng theo đại biểu Bùi Văn Xuyến, đối với những trường hợp chủ đầu tư chưa nộp, nộp chưa đủ vào ngân hàng, hoặc ban quản trị NCC không tồn tại, thì khoản tiền này sẽ phải xử lý như thế nào để tránh bị chiếm đoạt?

Lấy kinh nghiệm cá nhân là một người dân ở NCC, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) khẳng định: "Tôi ở NCC cũng được vài năm mà chưa hề thấy bóng dáng ban quản trị tòa nhà. Chúng ta phải đặt vấn đề rằng, người dân đi mua nhà chỉ mong muốn có nơi an cư lạc nghiệp, chẳng mấy ai lại muốn tham gia vào một ban quản trị nào đó".

"Hiện nay, ban quản trị NCC với nhiều chủ sở hữu phải hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của hợp tác xã hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, các mô hình này hiện còn nhiều vấn đề cần xem xét, do đó cần có giải pháp cụ thể khi áp dụng với ban quản trị NCC. Trong khi đó, thực tế nếu xảy ra vụ việc gì thì vẫn không có sự can thiệp, quản lý từ nhà nước. Cuối cùng, người dân ở NCC vẫn thiệt thòi nhất vì dù có tham gia ban quản trị hay không cũng không giải quyết được vấn đề gì", đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.