Trừ điểm bằng lái xe sao cho hiệu quả?

NDO -

Nhiều ý kiến ủng hộ và đồng tình với quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX), coi đây là giải pháp giúp nâng cao việc chấp hành Luật Giao thông với chính người điều khiển phương tiện. Qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông (TNGT). Trừ điểm trên bằng lái là cách ứng xử văn minh, nếu cả cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông đều nghiêm túc thực hiện.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tuân thủ luật, lo gì trừ điểm?

Bộ Công an vừa chính thức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Một trong những điểm mới đáng chú ý được dư luận quan tâm là quy định về điểm đối với giấy phép lái xe (GPLX).

Theo đó, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm, khi người điều khiển phương tiện vi phạm về trật tự ATGT đường bộ sẽ bị trừ điểm. Nếu trừ hết điểm, GPLX sẽ hết hiệu lực và người điều khiển muốn được cấp GPLX mới, sẽ phải học và thi sát hạch trong vòng sáu tháng, như cấp GPLX lần đầu. Dữ liệu về điểm được cập nhật lên hệ thống ngay sau khi xử phạt có hiệu lực.

Giải thích về số điểm 12 được cấp cho bằng lái, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, con số này tương ứng với 12 tháng dựa theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng. Số điểm này không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu.

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất 28 nhóm hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm, như hành vi đi vào khu vực cấm, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; đi ngược chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên; không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc biển báo, đèn tín hiệu...

Bên cạnh đó, hành vi liên quan trực tiếp đến vụ TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; sử dụng điện thoại di động, sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính)… cũng được đề xuất.

Bộ Công an dự kiến quy định các nhóm hành vi tương ứng với số điểm bị trừ. Thí dụ, vượt đèn đỏ sẽ bị trừ sáu điểm, lấn làn đường trừ năm điểm... Trường hợp cảnh sát lập biên bản xử phạt hành chính, người vi phạm bị phạt tiền và bị trừ điểm tương ứng với lỗi ghi trên biên bản, số điểm bị trừ sẽ được cập nhật lên hệ thống dữ liệu bằng lái.

Nhiều lái xe khi được hỏi đều cho rằng, đây là một giải pháp xử lý vi phạm giao thông rất cần thiết và văn minh, nhưng còn băn khoăn là làm sao để việc áp dụng quy định này thật sự hiệu quả, tránh xảy ra sai sót. Bởi lâu nay, cùng với chuyện “bấm lỗ” bằng lái, xử phạt bằng cách trừ điểm này vẫn khá mới lạ. Khi mọi thứ thành khuôn khổ, con người có ý thức và hành động đúng pháp luật thì trật tự ATGT mới bảo đảm.

Theo anh Nguyễn Trọng Hoàn, một lái xe taxi công nghệ: “Nếu không đi sai, tuân thủ nghiêm quy định, chẳng có ai trừ được điểm của lái xe, đi an toàn, đúng luật, lo gì trừ điểm”.

Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng CSGT (Bộ Công an), quy định cấp điểm cho bằng lái là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện, giúp cơ quan Nhà nước giám sát toàn diện quá trình chấp hành luật của lái xe sau vi phạm. Đồng thời khi được thực thi sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Hiện nay, việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông theo từng hành vi đơn lẻ, trong khi các nước văn minh trên thế giới đều đã xây dựng hệ thống trừ điểm từ lâu. Tại Anh, áp dụng hệ thống 12 điểm trên bằng lái từ năm 1988, lái xe vi phạm luật giao thông sẽ bị phạt tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự và bị trừ điểm nghiêm minh, có tính răn đe rất cao khiến lái xe phải nghiêm túc chấp hành.

Cần giám sát chéo để tránh tiêu cực

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá, quy định trừ điểm bằng lái nếu được tham khảo, xây dựng phù hợp tình hình giao thông Việt Nam và thực hiện nghiêm chỉnh, có thể góp phần mang lại chuyển biến về trật tự ATGT. Trên cơ sở quy định này, các cơ quan liên quan có thể sử dụng dữ liệu được lưu trữ để tạo cơ chế khuyến khích người dân chấp hành tốt Luật Giao thông.

Trừ điểm bằng lái xe sao cho hiệu quả? -0
 (Ảnh minh họa)

Đưa ra dẫn chứng nhiều nước đã áp dụng thành công hình thức này, ông Quyền nhìn nhận, nếu thực hiện nghiêm chỉnh, công khai, minh bạch sẽ có tác dụng tốt góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người điều khiển phương tiện. Để việc này được công khai, minh bạch, đòi hỏi cơ quan thực thi phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung để các cơ quan quản lý, người dân cùng giám sát. Đơn vị chủ trì sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực.

Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam, lái xe bị hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, áp lực này có thể nảy sinh việc “hối lộ” lực lượng chức năng để không bị lập biên bản và trừ điểm. Do vậy, lực lượng chức năng cần phải làm đúng quy trình tuần tra kiểm soát.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc trừ điểm GPLX song song với tước bằng và phạt tiền là chưa phù hợp ở Việt Nam. Với hành vi vi phạm nghiêm trọng về bảo đảm trật tự ATGT, lái xe đã phải chịu mức phạt tiền rất nặng theo Nghị định 100, đồng thời bị tước GPLX cao nhất đến hai năm.

Tuy nhiên, với những hành vi vi phạm nhẹ hơn, nếu vừa bị phạt tiền, vừa bị trừ điểm GPLX, khiến lái xe phải chịu quá nhiều hình thức xử phạt. Đơn cử, lái xe nghe điện thoại, đi vào đường cấm; lái ô-tô kéo theo vật khác... theo quy định cũ bị phạt từ một đến hai triệu đồng, tước bằng một đến ba tháng. Trong khi đó, dự thảo luật mới tiếp tục đề xuất trừ điểm GPLX, như vậy lái xe vừa bị phạt tiền, vừa bị trừ điểm GPLX ở lỗi vi phạm nhẹ hơn.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều khu vực, tuyến đường biển báo giao thông bị che khuất, vạch kẻ đường mờ hoặc bất hợp lý, dẫn đến nhiều tình huống tranh cãi khi bị cảnh sát giao thông dừng xe, xử phạt.

“Bằng lái xe có 12 điểm, chỉ cần hai lần vi phạm vượt đèn đỏ là bằng hết hiệu lực, lái xe phải chờ rất lâu mới được thi sát hạch và cấp bằng mới, bị mất việc trong thời gian dài. Nếu đưa vào áp dụng, chắc chắn lái xe sẽ tìm mọi cách để không bị trừ điểm GPLX”, một lái xe taxi khẳng định.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, với các lỗi vi phạm đã áp dụng trừ điểm thì nên bỏ hình thức tước GPLX có thời hạn, tăng mức phạt hành chính để tránh tác động nhiều lần tới bằng lái của người vi phạm. Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm phải liên thông toàn quốc, dễ dàng kiểm tra, đối chiếu... và phải giám sát chéo để tránh nảy sinh tiêu cực.

TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trừ điểm bằng lái được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung, việc này giúp khắc phục được trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước. Vấn đề đặt ra là sau một thời gian, hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ sẽ rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư để lực lượng chức năng các địa phương có thể tra cứu cũng như lưu trữ trừ điểm người vi phạm.

Nhân tố quyết định thành công của quy định này xét cho cùng đều do con người, từ quy định đến chuyển biến về nhận thức trong thực tế mất bao lâu cũng đều do ý chí con người. Dư luận quan tâm chính là tính nghiêm túc trong thực thi pháp luật, muốn xử phạt văn minh phải có con người hành xử văn minh, trước tiên ở từng người lái xe. Đi xe tuân thủ đúng luật, đương nhiên không phải sợ bị trừ điểm, còn nếu vi phạm phải nghiêm túc chấp hành, thay vì xin xỏ, tranh cãi. Về phía lực lượng chức năng cũng phải thực hiện nghiêm minh, không thỏa hiệp, nhất là không tiêu cực để trục lợi.