Sớm xử lý việc chiếm đất rừng ở Lâm trường Đồng Hợp

Việc người dân ký hợp đồng liên doanh trồng rừng nguyên liệu rồi ngang nhiên không thực hiện đúng cam kết, tự ý lấn chiếm đất của Lâm trường Đồng Hợp đã gây mất an ninh - trật tự trên địa bàn. Song, đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) xử lý nghiêm.

Đất của Lâm trường Đồng Hợp bị lấn chiếm, đóng cọc, giăng dây thép gai.
Đất của Lâm trường Đồng Hợp bị lấn chiếm, đóng cọc, giăng dây thép gai.

Sau khi khai thác rừng 327, năm 2010, gia đình ông Hà Văn Ngoãn trú tại xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp làm đơn, ký hợp đồng xin trồng hơn 5 ha rừng (cây keo) với Lâm trường Ðồng Hợp, thuộc Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu tại lô d7 và d8, khoảnh 5, tiểu khu 278 thuộc xóm Long Thành, xã Tam Hợp với hình thức góp vốn liên doanh trồng rừng theo tỷ lệ 49/51. Trong đó, Lâm trường Ðồng Hợp góp vốn 51% (lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng; cấp cây giống, phân bón, tiền mặt)…; gia đình ông Ngoãn góp vốn 49%: nhân công trồng, chăm sóc rừng… Thời gian kết thúc hợp đồng là vào đầu năm 2019, sau khi thu hoạch keo xong. Ông Ngoãn đã tổ chức trồng rừng tại lô đất này theo đúng hợp đồng. Do phải thay đổi nơi ở cho nên ngày 26-7-2017, ông Ngoãn đã làm giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Tiến Cảnh, trú tại xóm Bắc Sơn, xã Tam Hợp tiếp tục thực hiện hợp đồng trồng rừng trên. Giấy ủy quyền đã làm đủ các thủ tục có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Phạm Văn Dũng và Trưởng xóm Long Thành Hồ Văn Kiệm. Nội dung giấy ủy quyền cũng đã nêu rõ: Gia đình ông Cảnh có trách nhiệm đến thời gian thu hoạch cùng lâm trường thanh lý hợp đồng. Ông Cảnh có trách nhiệm thực hiện đúng quy chế về quản lý đất lâm nghiệp của Lâm trường Ðồng Hợp...

Diện tích đất mà ông Ngoãn và một số hộ dân ở xóm Long Thành liên doanh trồng rừng là đất của Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu được Nhà nước giao quản lý từ năm 1965. Ðến năm 2003, thì được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.Ðầu năm 2019, gia đình ông Nguyễn Tiến Cảnh thu hoạch cây keo và thanh lý hợp đồng với Lâm trường Ðồng Hợp như cam kết. Ngoài ra, trong đơn khai thác rừng trồng (ngày 18-1-2019), ông Nguyễn Tiến Cảnh còn cam kết, xin trồng lại rừng theo chủ trương của công ty và lâm trường với hình thức liên doanh góp vốn 70/30 (hộ dân góp vốn 70% và lâm trường góp vốn 30%). Sau khi thu hoạch cây xong, kết thúc hợp đồng cũ, các hộ dân (trong đó có ông Cảnh) tiếp tục ký hợp đồng liên doanh mới với Lâm trường Ðồng Hợp, và nhận cây giống, vật tư, phân bón để trồng rừng theo chu kỳ mới. Nhưng sau khi thu hoạch cây keo xong, không những không ký hợp đồng liên doanh trồng rừng mới với Lâm trường Ðồng Hợp, ngày 2-8-2019, ông Cảnh ngang nhiên thuê khoảng 50 đến 60 người tổ chức trồng keo trái phép trên đất của Lâm trường Ðồng Hợp quản lý mà chưa có hợp đồng liên doanh mới đối với lâm trường như trước đây gia đình ông Ngoãn đã ký liên doanh và ông Cảnh được ủy quyền trước đó. Trước hành vi đó, cán bộ bảo vệ Lâm trường Ðồng Hợp có mặt tại hiện trường ngăn cản việc trồng cây trái phép trên đất của tập thể.

Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, xã Tam Hợp và các ngành chức năng có mặt kịp thời, giải thích, tuyên truyền, ngăn chặn việc làm trái với quy định pháp luật của gia đình ông Cảnh. UBND huyện Quỳ Hợp lập biên bản đình chỉ, yêu cầu lâm trường và ông Cảnh cùng người dân ngừng ngay hoạt động trồng cây, giữ nguyên hiện trường chờ các cấp xem xét, giải quyết. Tuy vậy, khi lực lượng chức năng ra về, ông Cảnh không những không chấp hành quy định của chính quyền địa phương mà vẫn ngang nhiên tiếp tục chở cây lên để trồng tiếp. Trước hành động đó, lực lượng bảo vệ lâm trường lại tiếp tục có mặt tại hiện trường để ngăn chặn. Giám đốc Lâm trường Ðồng Hợp Hồ Thanh Hùng cho biết rõ: "Khi lực lượng lâm trường vào đến chân lô để vận động mọi người ra về thì họ không chấp hành mà còn hò hét, kéo nhau xuống tập trung để đẩy đuổi lực lượng bảo vệ lâm trường. Rất tiếc, đã có xô xát làm một số cán bộ, công nhân lâm trường bị thương phải điều trị".

Lực lượng Công an huyện Quỳ Hợp có mặt kịp thời ngăn chặn. Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, ngay sau sự việc, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các ban, ngành từ huyện đến xã tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân dừng ngay việc trồng cây trái phép; các cơ quan chức năng đã lập biên bản, lập hồ sơ là cơ sở cho việc xử lý vi phạm hành chính nhưng ông Cảnh vẫn không chấp hành và tiếp tục trồng toàn bộ diện tích nói trên. Ngày 30-8, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Ðình Tùng đã ký Quyết định 1459/QÐ-UBND xử phạt hành chính đối với cá nhân ông Nguyễn Tiến Cảnh (sinh năm 1978), trú tại xóm Bắc Sơn, xã Tam Hợp đã có hành vi vi phạm "chiếm đất rừng sản xuất". Cụ thể ngày 2-8-2019, ông Nguyễn Tiến Cảnh đã có hành vi chiếm hơn 5 ha đất rừng sản xuất của Lâm trường Ðồng Hợp thuộc lô d7, d8, khoảnh 5, Tiểu khu 278, tại xóm Long Thành, xã Tam Hợp và trồng keo trong toàn bộ diện tích nêu trên. Theo đó, ông Nguyễn Tiến Cảnh chịu mức phạt bốn triệu đồng phải khôi phục thực trạng của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm cho Lâm trường Ðồng Hợp. Quyết định xử phạt cũng nêu rõ, thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày.

Tuy nhiên, trong suốt nhiều tháng qua, quyết định xử phạt của UBND huyện Quỳ Hợp vẫn chưa có hiệu lực. Ðầu tháng 12-2019, chúng tôi có mặt tại khoảnh d7, d8 nói trên, số cây keo giống do ông Cảnh tổ chức trồng trái phép đã mọc cao khoảng 30 đến 40 cm. Không những không trả lại đất đã chiếm mà chúng tôi còn thấy cọc bê-tông, dây thép gai, hố trồng tre được đào để bảo vệ như thách thức pháp luật.

Dư luận đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo huyện Quỳ Hợp sớm có giải pháp cương quyết xử lý nghiêm buộc ông Nguyễn Tiến Cảnh thực hiện đúng quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND huyện đã ban hành; buộc phải trả lại đất chiếm trái phép cho Lâm trường Ðồng Hợp. Nếu không được xử lý dứt điểm vụ việc này, không chỉ riêng ông Nguyễn Tiến Cảnh mà sẽ còn có một số đối tượng khác cũng bất chấp pháp luật tiếp tục chiếm trái phép đất rừng, tạo nên điểm nóng về an ninh - trật tự ở huyện Quỳ Hợp.