Sớm khắc phục sụt lún nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít

Từ nhiều tháng qua, người dân và cán bộ huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) rất bất bình trước tình cảnh Bệnh viện đa khoa (thuộc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít) khang trang nằm cạnh ngã tư của huyện đã tổ chức lễ khánh thành nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chưa thể đưa bệnh viện vào hoạt động vì có đến 13 trong tổng số 16 hạng mục bị sụt lún, thậm chí nhiều hạng mục sụt lún hơn 37,9 cm, có khả năng ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình.

Công trình Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít được khánh thành từ tháng 9-2020 nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng vì sụt lún nghiêm trọng.
Công trình Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít được khánh thành từ tháng 9-2020 nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng vì sụt lún nghiêm trọng.

Nhiều hạng mục bị sụt lún

Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít - tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp Vĩnh Long (BQL dự án ÐTXD) làm chủ đầu tư. Công trình được khánh thành ngày 20-9-2020, có một trệt, hai lầu, quy mô 100 giường bệnh, với diện tích 21.500 m2, bao gồm nhiều hạng mục chuyên ngành… đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 234 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 125 tỷ đồng, chi phí thiết bị gần 40 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay đã hơn sáu tháng kể từ khi khánh thành, công trình vẫn chưa thể đi vào hoạt động do một số hạng mục bị sụt lún. Hiện các công nhân đang thực hiện việc dặm vá các chỗ bị lún, nứt và lát những chỗ gạch bị bong tróc, và đồng thời hoàn thiện một số hạng mục của các công trình... Ông M.V.D, một người dân ở gần bệnh viện, bức xúc: "Công trình làm lễ khánh thành hoành tráng, người dân rất mừng. Tuy nhiên đến nay, nhiều tháng trôi qua vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì các hạng mục bị sụt lún rất nghiêm trọng. Nhiều khối nhà bị lún hết các bậc tam cấp khiến nền nhà nằm sát mặt đất. Chúng tôi mong rằng, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm định chất lượng để bệnh viện sớm đưa vào sử dụng, góp phần khám, chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn".

Theo BQL dự án ÐTXD, trong số 16 hạng mục, 13 hạng mục có sự cố sụt lún. Các khối nhà có hiện tượng lún đều vượt mức cho phép như: Khối nhà dinh dưỡng, dịch vụ tổng hợp hai tầng; Khoa lây, truyền nhiễm hai tầng; nhà tang lễ, giải phẫu bệnh lý; Khoa chống nhiễm khuẩn; cổng, hàng rào; nhà bảo vệ; nhà để xe hai bánh; nhà đặt lò đốt rác y tế; bể lắng cặn; nhà đặt trạm hạ thế, máy phát điện dự phòng; nhà kỹ thuật hậu cần, để xe ô-tô; trạm biến áp, dây trung thế; sân đường hạ tầng kỹ thuật… Sau khi có hiện tượng sụt lún, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công đo quan trắc lún, báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Long, đồng thời phối hợp Sở Xây dựng khảo sát tìm nguyên nhân. Kết quả kiểm tra quan trắc cho thấy: Khối nhà dinh dưỡng - dịch vụ tổng hợp kiểm tra bốn chu kỳ (375 ngày, từ ngày 28-1-2019 đến 7-2-2020, tổng độ lún là 35,8 cm, lún bình quân 2,9 cm/tháng; khối nhà chống nhiễm khuẩn, khối nhà lây nhiễm, khối nhà tang lễ kiểm tra hai chu kỳ (197 ngày, từ ngày 31-3-2020 đến 14-10-2020), tổng độ lún bình quân là 37,9 cm, bình quân 5,8 cm/tháng…

Ngày 3-11-2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung chủ trì buổi làm việc với các ngành chức năng (gồm Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện Mang Thít, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công). Qua đánh giá sơ bộ của Sở Xây dựng Vĩnh Long, nguyên nhân chính là do nền đất tại khu vực dự án là đất yếu (địa chất bùn nhão), cho nên khi tôn nền lên cao khiến lớp đất yếu bị lún, mặt khác, các khối nhà gia cố bằng cừ tràm đều bị lún do cừ tràm 4,8 m chưa qua khỏi lớp đất yếu dưới nền. Theo Giám đốc BQL dự án ÐTXD Nguyễn Hồng Sơn, mặc dù nhiều hạng mục bị lún, tuy nhiên, các cơ quan chức năng đánh giá đây là hiện tượng lún đều, không nghiêng, không xuất hiện vết nứt của kết cấu khung và tường. Từ đó đánh giá nhà thầu xây dựng thi công đúng thiết kế bản vẽ thi công, chất lượng công trình được bảo đảm.

Cần sớm kiểm định chất lượng công trình

Bệnh viện mới chưa thể đưa vào hoạt động, trong khi Bệnh viện cũ đang sử dụng lại xuống cấp khá trầm trọng, nhưng không được sửa chữa, gây lãng phí, bức xúc với người dân. Chị Nguyễn Thị Mẫn (thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít), cho biết: "Tôi nuôi cha ở bệnh viện cũ bị xuống cấp trầm trọng, nhà vệ sinh thường xuyên bị ứ nước gây hôi thối cả phòng. Phòng bệnh ở đây rất chật hẹp, người nhà bệnh nhân cũng không có chỗ để chăm sóc tốt hơn. Người dân chúng tôi mong muốn bệnh viện mới sớm đưa vào sử dụng, có môi trường chăm sóc người bệnh được tốt hơn". Bác sĩ Nguyễn Tấn Ðồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít, cho biết: Bệnh viện cũ xây dựng năm 1997 và đưa vào sử dụng năm 2000 với 55 giường bệnh. Qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa, đến nay có khoảng 100 giường bệnh. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 người đến khám và điều trị. Bệnh viện đáp ứng tương đối nhu cầu, tuy nhiên có nhiều hạng mục như khu vệ sinh xuống cấp trầm trọng, phòng nội trú chật hẹp… Ðáng chú ý, khu vực phân luồng và cách ly phòng dịch Covid-19 không đủ quy chuẩn nên gặp rất nhiều khó khăn… Vì có bệnh viện mới và sẽ di dời nên chúng tôi không thể xin ý kiến sửa chữa bệnh viện cũ. Do vậy, chúng tôi và người dân rất mong muốn sớm đưa bệnh viện mới vào sử dụng, nhưng không biết đến bao giờ.

Theo Giám đốc BQL dự án ÐTXD Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay, chủ đầu tư đã trình Sở Xây dựng thẩm định về bổ sung kinh phí để thực hiện. Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, công trình này không có chi phí quan trắc do dự án là các khối nhà thấp, ba tầng (dưới năm tầng). Ðơn vị thi công tiếp tục thực hiện quan trắc xác định độ lún từ lần đo ngày 2-11-2020 đến lần đo ngày 4-3-2021 (122 ngày). Kết quả cho thấy khối nhà dinh dưỡng - dịch vụ tổng hợp: độ lún bình quân là 6,86 cm, lún bình quân 1,69 cm/tháng; khối nhà chống nhiễm khuẩn, khối nhà lây nhiễm và nhà tang lễ có độ lún bình quân 4,5 cm, lún bình quân 1,1 cm/tháng… Ngày 16-12-2020, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long có Văn bản số 2894/SXD-GÐXD gửi Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đề nghị kiểm định phục vụ công tác giám định nguyên nhân gây lún công trình Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít. Tuy nhiên, ngày 5-1-2021, Viện Khoa học công nghệ xây dựng có Văn bản số 01/VKH-KHKT phúc đáp từ chối thực hiện do Viện đang được giao giải quyết nhiều công việc phục vụ quản lý nhà nước của ngành, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ… Sau khi Viện Khoa học công nghệ xây dựng từ chối thẩm định công trình, Sở Xây dựng tiếp tục liên hệ được với Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Ngày 17-3-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã đến hiện trường khảo sát thực tế. Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị chức năng và địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện công tác giám định xác định nguyên nhân gây sụt lún và đề xuất giải pháp khắc phục. Ngày 29-3, Sở Xây dựng đã tiến hành tổ chức giám định, thời gian thực hiện 60 ngày, kể từ ngày 29-3 đến 28-5. Theo các kỹ sư xây dựng, việc công trình bị lún đến 13 trong tổng số 16 hạng mục thì phải xem xét lại các khâu, từ khảo sát, thử tải đến thiết kế và tư vấn. Trong quá trình xây dựng, nếu có dấu hiệu lún, bên thi công phải báo cáo ngay với chủ đầu tư để có phương án khắc phục. Mặc dù cho rằng lún đều nhưng các hệ thống ngầm phía dưới nền bị lún nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng công trình khó được bảo đảm. Do vậy, để việc kiểm định khách quan, khi có dấu hiệu sụt lún, bên thi công phải ngưng ngay các công việc trám trét các vết nứt để cơ quan chức năng kiểm định chính xác. Ðồng thời phải có một đánh giá tổng thể về chất lượng công trình, nhất là mức độ an toàn khi đưa vào sử dụng trong điều kiện có đầy đủ thiết bị máy móc và hàng trăm con người đến thăm khám, chữa bệnh.