Phân loại kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô - gộp chung hay chia nhỏ?

NDO -

NDĐT- Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến, phân loại kinh doanh vận tải hành khách gồm ba loại hình: xe buýt (buýt nội tỉnh, buýt liên tỉnh), xe taxi và xe hợp đồng. Chung quanh vấn đề này, đã có những ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa. (HÀ NAM)
Ảnh minh họa. (HÀ NAM)

Gộp lại theo bản chất kinh doanh

Khoản 3, Điều 111 trong bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ngày 31-5- 2020, quy định: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các khoản 4, 5, 6 định nghĩa rõ về các loại hình kinh doanh vận tải này.

Theo đó, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải công cộng sử dụng xe ô-tô có sức chứa hơn chín chỗ ngồi (bao gồm cả người lái xe) hoạt động theo tuyến, lịch trình và các điểm dừng đón, trả khách được xác định trước, gồm:

Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt toàn bộ hành trình nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến xe buýt nội tỉnh không bắt buộc là các bến xe.

Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến tại bến xe khách (hoặc tại cảng hàng không, ga đường sắt) nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô-tô có sức chứa từ chín chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở xuống để thực hiện vận chuyển theo yêu cầu của hành khách, với ba phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn.

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô-tô có sức chứa hơn chín chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên để thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các loại hình kinh doanh vận tải giảm từ năm loại hình (xe tuyến cố định, xe buýt theo tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch) xuống còn ba loại hình.

Nói rõ hơn vấn đề này, tại cuộc Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), tổ chức ngày 2-6, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Hiện nay, trong giao thông đường bộ đề ra năm loại hình vận tải: xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng và du lịch. Trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), chúng tôi hợp quy lại theo bản chất: một là taxi, hai là xe buýt, trong xe buýt có xe buýt nội tỉnh và ngoại tỉnh (ngoại tỉnh ở đây theo luật cũ gọi là vận tải cố định hay thường gọi là vận tải đường dài) còn xe hợp đồng và xe du lịch thì chúng tôi chỉ để là xe hợp đồng. Từ đó, sẽ quy định chi tiết với vận tải xe buýt nội tỉnh như nào, ngoại tỉnh như nào, hợp đồng là như thế nào,…

“Việc đưa ra các quy định khi để năm loại hình vận tải hành khách là cực kỳ khó vì ranh giới giữa các loại hình rất khó phân biệt. Khi rõ bản chất rồi thì chúng ta cố gắng đưa ra mô hình để quản lý, phân biệt các loại hình để thực hiện quản lý dễ hơn”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Đồng tình với quy định được đưa ra trong dự thảo, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ An Vui, đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ cho lĩnh vực vận tải, cho rằng, việc gộp từ năm loại hình kinh doanh vận tải hành khách xuống còn ba là bước biến chuyển tốt.

“Nhiều loại hình không có nghĩa là sẽ phải sinh ra nhiều luật mà quan trọng là luật pháp có sinh ra được cơ chế mà chúng ta có thể lấy một tiêu chí nào đó để định giá. Nếu phân loại theo tiêu chí là bản chất kinh doanh, bản chất phục vụ thì đó chính là ba loại hình như trong dự thảo luật”, ông Phan Bá Mạnh nói.

Càng phức tạp thì càng phải chia nhỏ

Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia khác lại cho rằng, việc gộp chung các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô như trong dự thảo luật sẽ có những bất cập trong quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, việc quản lý kinh doanh vận tải hành khách trong thời gian vừa qua đang có nhiều ý kiến khác nhau, mâu thuẫn giữa những người kinh doanh ở các loại hình khác nhau. Trong điều kiện phức tạp như thế, nếu đem gộp các đối tượng quản lý vào một tổ hợp lớn hơn với nhiều đối tượng quản lý mà lại đặt chung những nội dung quản lý thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

“Chẳng hạn, chúng ta gộp chung vận tải xe buýt với vận tải đường dài, rất bất cập. Vận tải đường dài có những yêu cầu của riêng loại hình này, đi hàng nghìn cây số, thời gian làm việc của lái xe, phải bố trí hai lái xe, rồi các điều kiện khác về an toàn rất khác so với xe buýt mà chúng ta quản lý hiện nay. Chúng ta gộp chung vào rồi sau chúng ta lại phải chẻ ra thì lại phức tạp”, ông Nguyễn Văn Quyền nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, càng phức tạp thì càng phải chia nhỏ đối tượng quản lý thành các nhóm có điều kiện kinh doanh tương đồng, có yêu cầu quản lý tương đồng để chế định các quy định thì mới phù hợp.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Quyền, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, các điều kiện của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách rất khác nhau, nếu chúng ta gộp vào một nhóm lớn thì sau đó lại phải có những điều kiện cụ thể với từng loại hình cụ thể.

“Dù có gộp lại hay không thì cũng lại phải tách ra, ví dụ như taxi không thể nào giống với xe buýt được”, TS Trần Hữu Minh nói.

Dẫn thí dụ quy định trong luật đường bộ của Hàn Quốc, TS Trần Hữu Minh cho biết, trong luật, toàn bộ các loại hình vận tải được định nghĩa ngay từ đầu rất rõ, các loại hợp đồng cũng được định nghĩa chi tiết và sau này khi có điều kiện tiếp cận thì quy định cụ thể luôn.

“Đến thời điểm hiện nay, chúng ta có đủ thông tin và các đầu mối để có thể nhận diện được tất cả những vấn đề, những loại hình mà thế giới có trong vòng 20 - 30 năm sắp tới và ở Việt Nam cũng vậy, thì không có lý do gì mà chúng ta không thể định nghĩa được ngay trong phần này”, TS Trần Hữu Minh nêu ý kiến.