Mức sinh, gia đình và xã hội hạnh phúc

NDO -

NDĐT - Ngày 28-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Mục tiêu chung của Quyết định 588 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc. Quyết sách này xuất phát từ xu hướng mức sinh của Việt Nam trong những năm gần đây và những tác động của tình trạng mức sinh thấp đối với sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF Việt Nam)
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF Việt Nam)

Mức sinh là mức độ tái sản xuất con người của một dân số trong một khoảng thời gian nhất định. Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Nói cách khác, mỗi người mẹ sinh được hai con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong hai con sẽ có một con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của một dân số trong hiện tại và tương lai. Mức sinh cao hơn mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội.

Hàn Quốc là một thí dụ điển hình của tình trạng mức sinh thấp. Năm 2018, tổng tỷ suất sinh của nước này lần đầu tiên ở mức 0,98 (năm 2017 là 1,05). Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2021, mức sinh của Hàn Quốc sẽ là 0,86 và dân số nước này sẽ bắt đầu giảm dần sau năm 2029 trong khi tốc độ già hóa sẽ ngày càng tăng. Các nghiên cứu ở Hàn Quốc và nhiều nước khác đã chỉ ra rằng, giới trẻ kết hôn muộn, thậm chí không muốn kết hôn và sinh con, là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng mức sinh thấp.

Giới trẻ ngày càng e ngại việc kết hôn, sinh con và gánh vác những trách nhiệm với vai trò là trụ cột gia đình. Trong quan niệm của một bộ phận thanh niên, kết hôn và sinh con khiến họ phải dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, công việc nội trợ,… thay vì tập trung cho sự nghiệp và hưởng thụ cuộc sống cá nhân. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ kết hôn đã giảm liên tục: năm 1970 là 9,2‰, giảm xuống 6,2 năm 2009‰ và năm 2018 là 5‰. Thuật ngữ “Thế hệ Nipo” ở Hàn Quốc hay “Thế hệ Satori” ở Nhật Bản được dùng để chỉ những người như vậy.

Ngại kết hôn và sinh con cho thấy giới trẻ không sẵn sàng trở thành chủ thể chính của một trong những thiết chế xã hội cơ bản là gia đình. Vẫn biết, ai cũng là thành viên của một gia đình nào đó nhưng trở thành trụ cột của gia đình là dấu mốc quan trọng nhất của mỗi con người. Gia đình có những chức năng về tình cảm, sinh sản, giáo dục, xã hội hóa và kinh tế mà các thiết chế, dịch vụ xã hội khác không thể thay thế hoàn toàn được. Đầu tư thời gian, công sức cho việc xây dựng một gia đình từ làm công việc nội trợ, chăm sóc, nuôi dạy con cái, quan hệ họ hàng đến tài chính cũng chính cũng là duy trì môi trường ổn định, an toàn và hạnh phúc cho mỗi người.

Mặt khác, giới trẻ không kết hôn đồng nghĩa với việc họ đang từ bỏ nhiều giá trị xã hội vốn rất quan trọng đối với các thế hệ trước bởi gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các hệ giá trị xã hội, đặc biệt là giá trị tình cảm, tình yêu thương, lòng nhiệt thành và sự biết ơn. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, gây ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối. Nếu số lượng gia đình trong một quốc gia giảm dần, khó có thể tưởng tượng hết được những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong tương lai.

Trong xã hội hiện đại, giới trẻ sợ lập gia đình, sinh con bởi các chi phí nuôi dạy con cái, nhà ở ngày càng đắt đỏ, công việc cạnh tranh cao đòi hỏi họ phải dành thời gian, tâm sức để có được vị trí tốt. Trong khi đó, hạ tầng và dịch vụ xã hội vốn có thể giảm gánh nặng cho các cặp vợ chồng lại phát triển không tương ứng. Mặt khác, tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình vẫn tồn tại dai dẳng khiến phụ nữ càng ngại sinh con và sinh nhiều con.

Để khuyến khích kết hôn và sinh con, cần giảm các gánh nặng về tài chính, thời gian, sự nghiệp cho giới trẻ, đặc biệt là cho phụ nữ. Các dịch vụ xã hội, nhất là giáo dục, y tế, nhà ở và thị trường lao động phải phát triển đồng bộ để san sẻ với cả người chưa và đã lập gia đình. Như thế, giải pháp căn cơ của việc duy trì mức sinh thay thế chính là kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của gia đình. Nên chăng cần có một tầm nhìn chính sách toàn diện hơn về vấn đề này mà trong đó sự phát triển của gia đình chiếm một vị trí then chốt. Nói cách khác, gia đình phải là điểm xuất phát và là nơi trở về của mọi chính sách xã hội.

Một nghiên cứu do Đại học Harvard của Mỹ thực hiện trong suốt 80 năm nhằm trả lời câu hỏi “Điều gì thật sự khiến con người hạnh phúc?” đã chỉ ra rằng, không phải tiền bạc, tài sản, vị trí xã hội, công việc mà chính các mối quan hệ tốt đẹp với người thân mới là yếu tố quyết định cuộc sống viên mãn. Một xã hội thịnh vượng chưa chắc đã là một xã hội hạnh phúc. Nhưng một quốc gia có nhiều gia đình hạnh phúc chắc chắn là một quốc gia đáng sống.

* Điều chỉnh mức sinh để hướng tới cơ cấu dân số vàng

* Không khuyến khích sinh con thứ ba