Đa dạng hóa nguồn thu của báo chí

Báo chí kiếm tiền bằng cách nào? Chưa bao giờ câu hỏi này lại trở nên cấp bách như bây giờ, khi mà xu hướng suy giảm nguồn thu quảng cáo trên báo in trong một thập niên qua lại bị tác động của đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2020.

Độc giả mua báo tại một sạp báo trên đường Hàm Nghi, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Độc giả mua báo tại một sạp báo trên đường Hàm Nghi, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Vi-rút Corona lan khắp toàn cầu đã khiến doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm thêm 30 đến 50%, có những trường hợp cá biệt lên tới 80%. Một số đồng nghiệp trong nước than rằng doanh thu về 0. Tôi nghĩ họ đùa thôi, nhưng mức sụt giảm thẳng đứng ở nhiều báo là điều không có gì bất ngờ. Không ai lường trước được có thể xảy ra một đại dịch tàn khốc như vậy, ảnh hưởng mọi mặt đời sống trong đó có lĩnh vực báo chí, và nhiều cơ quan báo chí không có sự chuẩn bị trước cho thời điểm khó khăn này.

Báo chí không hoạt động như những đơn vị kinh doanh thông thường và sản phẩm báo chí là loại sản phẩm đặc biệt, có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Sự tồn tại của báo chí không chỉ là vấn đề lợi nhuận hay thua lỗ của cơ quan chủ quản, là việc làm và đồng lương của nhà báo, mà đó là nguồn cung cấp những thông tin, kiến thức chuẩn xác, hữu ích và quan trọng giúp cho người dân định hướng công việc và cuộc sống của mình.

Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, bên cạnh quảng cáo, và trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một số mô hình kinh doanh phổ biến nhất hiện nay.

Theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu báo chí Roi-tơ (RISJ) về các xu hướng và dự báo về báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2020, có đến 50% lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử hàng đầu tại 29 quốc gia khẳng định thu phí độc giả sẽ là trọng tâm doanh thu chính của họ (so với 14% coi quảng cáo vẫn là ưu tiên). Thời báo Niu Oóc là trường hợp nổi bật với tỷ lệ doanh thu từ độc giả đạt tới 65% và doanh thu từ quảng cáo chỉ còn 35%. Đây là mức tăng trưởng quá ngoạn mục nếu so sánh với tỷ lệ 71% doanh thu từ quảng cáo của báo này vào năm 2000. Tính đến cuối tháng 4-2020, tổng số người trả tiền để đọc báo in và phiên bản kỹ thuật số của Thời báo Niu Oóc vượt mốc 6 triệu. Nhật báo WSJ hiện có 3 triệu người thuê bao, trong đó 2,2 triệu trả tiền cho phiên bản kỹ thuật số, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Thu phí thành viên là mô hình kinh doanh không dành cho tất cả mọi lĩnh vực, nhưng đây lại là thứ rất sinh lợi cho các tập đoàn truyền thông. Nhật báo Ga-đi-ần của Anh là thí dụ hoàn hảo mới nhất cho thành công của việc thu phí thành viên. Cho đến năm 2016, tờ này chỉ có khoảng 12 nghìn thành viên. Chỉ hai năm sau, con số này là 300 nghìn. Trong khi đó, những độc giả tham gia chương trình thành viên của Gannett, tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ, có thể tiếp cận một sản phẩm cao cấp với tất cả các tin bài về thể thao, một số khác sẽ trả tiền để loại bỏ quảng cáo.

Nhiều cơ quan báo chí cũng coi tổ chức sự kiện là một phần quan trọng cho một chiến lược bền vững nhằm tạo doanh thu từ độc giả. Hơn một phần tư các đơn vị xuất bản tin rằng sự kiện là nguồn doanh thu sẽ tăng nhiều nhất trong vài năm tới, thậm chí lên đến 42% cho các đơn vị xuất bản tập trung vào thông tin kinh tế. Trang điện tử The Information chuyên sản xuất nội dung cho thị trường ngách, thường tổ chức các sự kiện sang trọng với mức giá tham dự tối thiểu là 1.500 USD. Công ty báo chí Hearst UK ở Anh mỗi năm chạy 100 sự kiện thu hút tới 1,3 triệu người tham dự.

Trong quá khứ, nhiều tạp chí đã thực hiện việc cấp phép thương hiệu, tuy nhiên đây chưa bao giờ là một nguồn thu đáng kể. Nhưng bây giờ tất cả đã khác. Cho đến nay, các ấn phẩm của Hearst UK đã có ít nhất 25 thỏa thuận về cấp phép sản phẩm. Tạp chí Elle còn phát triển dòng sản phẩm nước hoa cùng một loại sữa dưỡng da. Một tờ báo khác của Mỹ cũng đã tạo ra một dòng sản phẩm đồ dùng gia đình đa dạng, độc quyền, từ các loại nội thất đến dụng cụ nhà bếp, thảm và ga trải giường.

Ngành công nghiệp ma-két-tinh nội dung toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 16% cho đến hết năm 2021, đạt 412 tỷ USD vào cuối năm 2021. Theo một nghiên cứu của nền tảng Polar, thu nhập từ nội dung có tài trợ của các cơ quan báo chí đang tăng mạnh, tới 40% so với cùng kỳ trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2018. Nhờ hiểu rõ người dùng và lại được trang bị kỹ năng báo chí tân tiến, nhiều cơ quan báo chí giờ đây đang hoạt động như những đại lý chuyên sản xuất nội dung có tài trợ cho doanh nghiệp với chất lượng chuyên nghiệp hơn hẳn so với các công ty truyền thông quảng cáo. Trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi, số lượng cơ quan báo chí lập ra các bộ phận chuyên làm nội dung có tài trợ đã bùng nổ từ 15 bộ phận trong năm 2013 lên 218 bộ phận trong năm 2017 và hơn 1.000 bộ phận trong năm 2018.

Còn khá nhiều mô hình kinh doanh khác mà các cơ quan báo chí trên thế giới đang áp dụng, từ thương mại điện tử, môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho đến mô hình đầu tư và thậm chí hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhắm vào những tệp khách hàng khác nhau với tiềm năng tạo nguồn thu và mức lợi nhuận khác nhau. Những nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn thu đã dẫn đến nhiều ý tưởng mới lạ và đầy sáng tạo mà chỉ hai thập niên trước, không ai trong làng báo từng nghĩ có thể xảy ra.

Báo chí cũng giống như mọi thực thể trong xã hội. Nhưng lý do để tồn tại của báo chí không phải vì chính bản thân mình mà là để phục vụ công chúng, phục vụ xã hội. Và để duy trì hoạt động và phát triển bền vững, báo chí cần phải thay đổi tư duy và kiếm tìm những nguồn thu khác ngoài quảng cáo.

Lê Quốc Minh

Phó Tổng Giám đốc TTXVN