Chuyện cây thông “cô đơn” và “kiểu” làm du lịch

NDO -

NDĐT- Từ Tết Nguyên đán 2019 đến nay, nhiều cung đường dẫn vào khu vực cây thông “cô đơn” cạnh hồ Đankia - Suối Vàng, thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, bỗng nhiên bị chặn lại và một “trạm thu phí” được dựng lên, buộc du khách phải mua vé vào tham quan, khiến nhiều người bức xúc. Từ chuyện cây thông “cô đơn”, có lẽ cần xem lại “kiểu” làm du lịch…

Cây thông "đơn độc" trong ý tưởng “biến những cái không thành có…”. (Ảnh: MAI VĂN BẢO)
Cây thông "đơn độc" trong ý tưởng “biến những cái không thành có…”. (Ảnh: MAI VĂN BẢO)

“Cây thông cô đơn” là từ khóa tìm kiếm khá “hot” trên Google, với khoảng 51,7 nghìn kết quả trong thời gian 0,47 giây, khi gõ trên máy tính của tôi. Cây thông đơn độc bên hồ Đankia - Suối Vàng này được phát hiện, đặt tên bởi những nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phong cảnh tại Đà Lạt nhiều năm qua và trở thành điểm đến thú vị của du khách trên hành trình khám phá cao nguyên Lang Biang huyền thoại. Thế nhưng, thời gian gần đây, địa điểm tham quan “tự do” này bỗng nhiên bị Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà lập chốt chặn, “buộc” du khách phải mua vé vào tham quan.

Chuyện cây thông “cô đơn” và “kiểu” làm du lịch ảnh 1

“Trạm” bán vé vào khu vực cây thông “cô đơn” (ảnh: Mai Văn Bảo)

Đã cất công di chuyển quảng đường hơn 300 km đến đây, nên nhóm du khách đến từ TP Hồ Chí Minh đành bấm bụng mua vé để được vào cây thông “cô đơn”, bởi các cung đường khác cũng đã bị chặn, trừ tuyến đường “băng” hồ Đankia - Suối Vàng bằng xuồng vận chuyển không phép. “Mình rất hụt hẫng khi đến đây nhiều cung đường theo chỉ dẫn đã bị chặn, buộc phải mua vé và đi theo xe vận chuyển đoàn để vào khu vực này. Bọn mình thích tự khám phá theo cách riêng”, bạn Nguyễn Trường Giang chia sẻ. Còn bạn Văn Đình Khôi thì cho rằng: “Đây là cây thông tự nhiên nhưng mọi người bị chặn lại để mua vé vào thì không ổn lắm. Trừ khi đơn vị tổ chức các dịch vụ kèm theo hợp lý”.

Quả thật, điều đáng nói, tổ chức bán vé nhưng đơn vị thu tiền lại không cung cấp bất cứ dịch vụ nào phục vụ du khách, ngoài chiếc xe chuyên chở “độ, chế” chưa được kiểm định vào vị trí cây thông “cô đơn” khoảng 900m. Đại diện Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cho rằng, cây thông “cô đơn” trong phạm vi quản lý của Vườn, nên việc tổ chức bán vé, thu tiền là hợp lý. “Trước đây, người dân tự mở các hàng quán, gây mất vệ sinh, an ninh trật tự. Do đó, theo các quy định hướng dẫn hiện hành, vườn quốc gia đã đăng ký vé vào tham quan vườn (40 nghìn đồng/vé người lớn, 20 nghìn đồng/vé học sinh, trẻ em). Tiền này, sau khi nộp thuế, chi trả cho cộng đồng tham gia, sẽ góp phần vào phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Còn phương tiện vận chuyển thì đang tạm thời”, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà Nguyễn Lương Minh cho biết.

Chuyện cây thông “cô đơn” và “kiểu” làm du lịch ảnh 2

Giá vé được “niêm yết” công khai (ảnh: Mai Văn Bảo)

UBND huyện Lạc Dương cho rằng, khu vực cây thông “cô đơn” thuộc tiểu khu 112A, trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu vực này liên quan đến ba đơn vị quản lý, gồm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, UBND huyện Lạc Dương và công ty CP đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng. Việc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức liên kết khai thác, bán vé không đúng theo quy định. “Quan điểm của huyện Lạc Dương là không đồng ý việc bán vé vào khu vực này. Tổ chức du lịch thì phải đúng quy định, phải được sự thẩm định của cơ quan chuyên ngành. UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị liên quan địa phương kiểm tra cụ thể để báo cáo cụ thể UBND tỉnh Lâm Đồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh nói.

Ngày 14-2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng khẳng định, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức bán vé vào tham quan cây thông “cô đơn” chưa hề có chủ trương, chưa được thẩm định tour, tuyến.

Chuyện cây thông “cô đơn” và “kiểu” làm du lịch ảnh 3

Một thoáng chần chừ, nhiều du khách phương xa đã mua vé để vào checkin cây thông “cô đơn” (ảnh: Mai Văn Bảo)

Về “xuất xứ” ý tưởng lập “tuyến” du lịch tham quan cây thông “cô đơn”, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cho rằng: “Từ thành công của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mà khách du lịch đã về Gềnh đá đĩa của tỉnh Phú Yên tăng đột biến và duy trì bên vững cho đến nay. Nhận thấy đây là bài học tốt, có thể áp dụng được ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Bài học về ý tưởng “biến những cái không thành có”, đem lại lợi thế phát triển du lịch cho tỉnh…”. Tại văn bản gửi Huyện ủy và UBND huyện Lạc Dương mới đây, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nêu: “Một cơ hội nhỏ đã đến khi đạo diễn Việt Anh đề nghị cho phép quay phim ở Vườn quốc gia. Sau khi nghiên cứu kịch bản, giám đốc Vườn đề nghị lấy cảnh ở khu vực tiểu khu 112A để dựng phim, trong đó có cây thông “cô đơn”. Vườn đã tư vấn và hỗ trợ đoàn làm phim trong suốt thời gian quay bộ phim “Đời cho ta bao lần đôi mươi”. Bộ phim đã rất thành công về mặt dựng cảnh. Sau khi công chiếu (tháng 7-2017), nhiều du khách đã tìm đến khu vực này để tham quan. Việc tham quan tự phát đã gây tác động xấu đến cảnh quan khu vực này..., tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho du khách…”.

Chuyện cây thông “cô đơn” và “kiểu” làm du lịch ảnh 4

Sau khi đi xe miễn phí theo vé, du khách đi bộ đến cây thông “cô đơn” (ảnh: Mai Văn Bảo)

Tại Việt Nam và trên thế giới, nhiều phim trường ngoại cảnh của những bộ phim “bom tấn” đã trở thành điểm du lịch hút khách, như phim trường “'Kong: Skull Island” tại Tràng An, Ninh Bình mới đây; hay phim trường ngoại cảnh phim “Truyền thuyết Joo Mong” tại công viên chuyên đề Samhanji, Naju, trở thành điểm du lịch đông khách hàng đầu Hàn Quốc… Ở đó, được tổ chức du lịch, tham quan bài bản, phù hợp. Rõ ràng, muốn bán vé tham quan, trước tiên phải bảo đảm an toàn cho du khách; phải có dịch vụ, sản phẩm kèm theo tương xứng. Trước khi đưa vào khai thác du lịch phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định…

Chuyện cây thông “cô đơn” và “kiểu” làm du lịch ảnh 5

Tác phẩm “một mình” (Ảnh: Võ Trang)

Trở lại câu chuyện “tuyến” du lịch cây thông “cô đơn” tại Đankia - Suối Vàng. Cô bạn phương xa của tôi “chất vấn” qua điện thoại ngay ngày lễ tình nhân, giọng điệu khá hóm hỉnh:

- Đó là cây thông tự nhiên giữa rừng mà? - Đúng.

- Nhưng lại bán vé, thu tiền mà chưa có dịch vụ kèm theo hợp lý? - Đó mới là vấn đề.

- Lại chưa đăng ký thẩm định tour, tuyến theo quy định? - Đó là câu chuyện tiếp theo.

- Thế vườn nhà mình có cái cây “độc”, lạ cũng có thể mở điểm tham quan, bán vé thu tiền? - Đẩy xa câu chuyện rồi đó… Chúc lễ tình nhân không “cô đơn”.

Không dám “đẩy xa” câu chuyện. Bởi, có thể đây là chuyện “vặt”. Song, không nên để “chuyện nhỏ” làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch thân thiện…