Cần xử lý dứt điểm sai phạm tại chợ Kim (Hà Nội)

Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ, UBND huyện Ðông Anh đã thành lập Ban chuyển đổi chợ trên địa bàn huyện giai đoạn 2007 - 2010, trong đó có chợ Kim, xã Xuân Nộn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập, không được giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.

Các ki-ốt phía ngoài chợ Kim trở thành nhà cao tầng.
Các ki-ốt phía ngoài chợ Kim trở thành nhà cao tầng.

Căn cứ Quyết định số 3328/QÐ-UBND ngày 22-8-2007 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Ðề án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn huyện Ðông Anh, thực hiện Thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh về việc thực hiện Ðề án số 425/ÐA-UBND ngày 3-7-2007 của huyện Ðông Anh, tháng 9-2009, UBND xã Xuân Nộn đã thực hiện lập phương án chuyển đổi mô hình, kinh doanh khai thác chợ Kim. Theo đó, chợ mới có tổng diện tích 8.353,8 m2 (nền chợ cũ 4.772 m2) theo chủ trương xã hội hóa các chợ truyền thống của thành phố Hà Nội. Ngay sau đó, UBND huyện Ðông Anh đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu công khai, lựa chọn đơn vị quản lý chợ Kim. Ngày 19-7-2010, UBND huyện Ðông Anh có Quyết định số 3285/QÐ-UBND công nhận Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Việt Anh (Công ty Việt Anh) trúng thầu quản lý và kinh doanh khai thác chợ Kim. Tháng 10-2013, doanh nghiệp này được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giao 8.353,8 m2 đất để xây chợ Kim. Ngày 15-1-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội ký hợp đồng cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo phản ánh của 180 hộ đang kinh doanh tại chợ, quá trình đầu tư xây dựng mới chợ Kim không công khai, minh bạch. Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Nguyễn Văn Vụ và Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Phạm Văn Châm (nay là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðông Anh), đã thu hồi đất ao, chợ truyền thống, giao cho Công ty Việt Anh khi chưa được UBND thành phố Hà Nội cấp phép; buông lỏng quản lý để Công ty Việt Anh xây dựng các công trình trái phép như: nhà cầu chợ, ki-ốt bán hàng, thậm chí có hộ dân ngang nhiên xây nhà bốn tầng trên diện tích đất thuê thầu tại khu ki-ốt chợ Kim... Một số tiểu thương còn phản ánh, khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chính quyền đã không lấy ý kiến của các hộ kinh doanh, mà cán bộ, ban quản lý chợ lại tự ý lập danh sách 157 hộ kinh doanh, tự ký vào biên bản để hợp thức hóa. Mặt khác, cũng theo phản ánh tại thời điểm xây dựng chợ Kim cũ (năm 2003), UBND xã Xuân Nộn còn xây dựng 13 ki-ốt (cao một tầng) cho các hộ dân thuê. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, cho nên có 11 trong số 13 hộ tự ý nâng tầng, xây dựng ki-ốt thành nhà ở kiên cố ba đến bốn tầng, trong khi quy định chỉ được xây một tầng. UBND xã Xuân Nộn đã ký hợp đồng cho các hộ thuê ki-ốt với thời hạn 50 năm, trong khi quy định chỉ được cho thuê là 5 năm và thu tiền để đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông của địa phương. Ðiều này gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Sự việc trở nên phức tạp hơn khi người dân có đơn khiếu kiện vượt cấp, phản đối và đề nghị UBND thành phố Hà Nội vào cuộc xử lý nghiêm những sai phạm trong việc kinh doanh, khai thác chợ Kim.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðông Anh Phạm Văn Châm cho biết, việc tổ chức đấu thầu chợ Kim được thực hiện công khai. Công ty Việt Anh vẫn đáp ứng đủ tiêu chuẩn về tư cách pháp nhân cũng như điều kiện khác khi tham gia dự thầu. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của UBND huyện Ðông Anh về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ Kim, Công ty Việt Anh vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo các bước chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác chợ Kim. Cùng với đó, do hạng mục chính xây dựng nằm trên nền chợ cũ, Công ty Việt Anh đã xây sáu nhà cầu chợ ở phần diện tích mở rộng 3.581,8 m2 trước, phục vụ việc di chuyển 180 tiểu thương từ chợ Kim cũ. Trong quá trình thực hiện, chính quyền và doanh nghiệp đã buông lỏng công tác chỉ đạo quản lý, thiếu cẩn trọng dẫn đến để xảy ra một số tồn tại trong việc công khai dự án như: Việc tuyên truyền, vận động và lập danh sách các hộ kinh doanh trong chợ do UBND xã thực hiện chưa bảo đảm; việc lập phương án bố trí chỗ ngồi và quy trình thực hiện xây chợ tạm của chủ đầu tư chưa công khai. Từ đó, dẫn đến một số tiểu thương đã phản đối, không di chuyển vào chợ tạm để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án... Ngay sau khi nhận được những thắc mắc từ các tiểu thương, UBND huyện Ðông Anh đã có nhiều văn bản, thông báo kết luận, và thành lập đoàn kiểm tra công tác xã hội hóa trong quản lý kinh doanh, khai thác chợ Kim.

Cụ thể, tại Kết luận số 09/KL-UBND 24-6-2016 của UBND huyện Ðông Anh đã nêu rõ những sai phạm như: "Khi tiến hành lập danh sách các hộ kinh doanh tại chợ Kim, ông Lê Văn Vĩnh (Trưởng ban quản lý chợ Kim tại thời điểm kê khai) có đề nghị các hộ kinh doanh tại chợ Kim ký trực tiếp vào danh sách. Nhưng thực tế qua xác minh, Ðoàn kiểm tra nhận thấy có 66 hộ gia đình không trực tiếp ký vào danh sách... Ðối với Công ty Việt Anh: chưa lập phương án sắp xếp ngành hàng tại chợ Kim, xã Xuân Nộn theo quy định… Việc tự ý triển khai mức thu phí theo khung giá quy định tại Quyết định số 48/2014/QÐ-UBND ngày 20-8-2014 của UBND thành phố Hà Nội khi chưa đầu tư xây dựng chợ Kim theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, chưa lập phương án thu phí chợ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt... là không đúng quy định. Ngoài ra, Ðội Thanh tra xây dựng huyện Ðông Anh phối hợp Thanh tra xây dựng xã Xuân Nộn đã lập biên bản quyết định đình chỉ thi công đối với 16 hộ kinh doanh vi phạm xây dựng lán tạm tại chợ Kim. Ðể giải quyết những tồn tại liên quan công tác xã hội hóa triển khai xây dựng mới chợ Kim, ngày 2-10-2018, Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Lê Trung Kiên tiếp tục có Thông báo số 1370/TB-UBND yêu cầu Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Nguyễn Xuân Linh làm Tổ trưởng, phối hợp chặt chẽ với Ðảng ủy, UBND xã Xuân Nộn và chủ đầu tư tổ chức tuyên truyền những quy định pháp luật, cơ chế, quyền và lợi ích hợp pháp của các tiểu thương để người dân hiểu và nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, Tổ công tác phối hợp chủ đầu tư hoàn thành việc thông báo, công khai phương án và tổ chức đăng ký, sắp xếp các hộ kinh doanh tại chợ Kim theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Có thể thấy, việc các tiểu thương phản ánh quá trình chuyển đổi xây dựng mới chợ Kim có vi phạm các quy định về xây dựng các công trình khi chưa có giấy phép và sai với quy hoạch đã được phê duyệt, chưa lập phương án bố trí ngành hàng, nhóm hàng theo quy định, thu phí chợ khi chưa xây dựng chợ, chưa được cấp trên phê duyệt là có cơ sở. Việc Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn và Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh cho Công ty Việt Anh trúng thầu để xây dựng chợ không thực hiện đúng quy định. Liên quan đơn tố cáo của người dân về những vi phạm chợ Kim, ngày 27-12-2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo: "Giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện về thực hiện mô hình chuyển đổi quản lý, kinh doanh khai thác, công tác quản lý chợ Kim; việc quản lý đất đai, quy hoạch trật tự trong chợ Kim và 13 ki-ốt. Các sở: Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ðông Anh và Công ty Việt Anh có trách nhiệm phối hợp Thanh tra thành phố thực hiện". Tuy nhiên, đến thời điểm này, không hiểu lý do gì sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ðiều đó không những gây ảnh hưởng quyền lợi của các tiểu thương mà còn làm mất niềm tin, gây bức xúc đối với người dân xã Xuân Nộn. Ðề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội có biện pháp xử lý dứt điểm sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho các tiểu thương tại chợ Kim.