“Bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy

Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” là một trong những nội dung được Đoàn công tác của Quốc hội đặc biệt lưu ý trong chuyến giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018” tại TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau vừa qua.

Diễn tập chữa cháy tại Nhà máy Đạm Cà Mau.
Diễn tập chữa cháy tại Nhà máy Đạm Cà Mau.

Ít vụ cháy nhưng hậu quả lớn

Cà Mau có khoảng 1,3 triệu dân, có ba bề giáp biển cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nơi đây, trong tổng số 1.789 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thì có tới 1.196 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ. Trong đó, có 45 khu dân cư, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao nằm đan xen trong khu dân cư, khi xảy ra cháy, nổ sẽ lan nhanh, tích tụ nhiều khói, khí độc; một số cơ sở nằm cách xa trục đường chính, đường giao thông nhỏ, hẹp gây khó khăn cho công tác PCCC. Từ năm 2014 đến 2018, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 143 vụ cháy, làm chết 11 người, bị thương chín người với tổng thiệt hại về tài sản là hơn 57 tỷ đồng. Thống kê cũng cho thấy, số vụ cháy tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (107 vụ) và nguyên nhân sự cố về điện gây cháy chiếm hơn 70%. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết thêm, một trong những bất cập là công tác quy hoạch chưa phù hợp, nhất là lĩnh vực giao thông, đường nối giữa các nhà, đường thoát hiểm...

Qua số liệu báo cáo, mỗi xã ở Cà Mau đều có đội chữa cháy và trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 đội ở các cụm đông dân cư. Nhờ đó mà 70% số vụ cháy ở Cà Mau có sự tham gia ứng cứu của lực lượng tại chỗ. Ðại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau thừa nhận, các vụ cháy tuy không phức tạp nhưng gây chết người, đó là điều đáng tiếc. Nguyên nhân do nhiều nhà dân không có lối thoát hiểm… Tuy có địa bàn rộng nhưng hiện tại, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Cà Mau chỉ có 14 xe các loại, hai ca-nô chữa cháy, bảy máy bơm chữa cháy các loại, hai xuồng cao-su cứu hộ, hai bạt nhảy, ba máy phát điện, ba đèn cao áp chiếu sáng, hai thang dây, 20 áo phao và một số trang thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, trang thiết bị nêu trên so với thực tế chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chủng loại.

Trong khi đó, tại UBND thành phố Cần Thơ, từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, trên địa bàn có tổng cộng 48 vụ cháy, làm chết năm người, bị thương bốn người, thiệt hại về tài sản là hơn 374 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi năm TP Cần Thơ xảy ra chưa đến 10 vụ cháy. Ðoàn giám sát của Quốc hội đánh giá số vụ cháy trên địa bàn Cà Mau và TP Cần Thơ chưa nhiều, nhưng số người chết là không hề nhỏ. Tại thành phố lớn như Cần Thơ còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao ở các khu công nghiệp. Chỉ trong hai năm 2017 và 2018, nơi đây xảy ra hai vụ cháy lớn ở Khu công nghiệp Trà Nóc (thuộc quận Bình Thủy) để lại hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp và xã hội. Qua kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp sản xuất nút xốp mới đây Ðoàn nhận thấy, đơn vị chưa thực hiện tốt các biện pháp PCCC mà ngành chức năng yêu cầu, cũng như quy định của Luật PCCC. Ðại tá Trần Ðức Ðình, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ nhìn nhận: Công tác PCCC trên địa bàn TP Cần Thơ hiện còn nhiều hạn chế và bất cập. Cụ thể, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, ý thức về PCCC của một bộ phận người dân chưa tốt...

Sửa luật phù hợp thực tiễn

Trong chuyến giám sát chuyên đề vừa qua, đại diện Ðoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ những vướng mắc mà cả TP Cần Thơ và Cà Mau đang gặp phải đó là chế tài xử lý vi phạm pháp luật về PCCC còn nhẹ. Các hành vi vi phạm về công tác cứu hộ, cứu nạn chưa có chế tài xử lý. Việc tổ chức tự kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa bảo đảm, nội dung kiểm tra đôi lúc chưa đủ và mang nặng tính hình thức, đối phó…

Ðể thực hiện tốt Luật PCCC trong thời gian tới, đại diện UBND thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật PCCC và các quy định khác để phù hợp tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an; có quy định quản lý Nhà nước về PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh; sửa đổi, bổ sung quy định nhằm nâng mức xử lý vi phạm hành chính, đồng thời hoàn thiện các quy định của Luật PCCC theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực PCCC. Vấn đề được quan tâm nữa là tăng cường đầu tư thiết bị cho lực lượng phương tiện PCCC; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng PCCC dân phòng, chữa cháy ở cơ sở để nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân PCCC theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau sau chuyến khảo sát thực địa, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ nhận xét, các trang bị về PCCC tại địa phương còn quá ít. Trong đó, khu vực lâm phần rừng tràm U Minh hạ của tỉnh Cà Mau, nơi có hàng chục nghìn héc-ta rừng đang dự báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm, trang thiết bị cần phải được bổ sung nhiều hơn, hiện đại hơn. Ðồng chí cũng đề nghị hai địa phương tiếp tục thực hiện tốt các Nghị định, quy định, hướng dẫn của T.Ư về PCCC. Phải xác định công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một trong những tiêu chí trong việc xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu từng đơn vị tại địa phương mình.

Ðồng chí Ðỗ Bá Tỵ cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, hướng dẫn, phòng ngừa kiến thức về PCCC trong dân, trong trường học; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tại những nơi có nguy cơ cháy nổ cao, nhất là các khu công nghiệp. Với doanh nghiệp, phải coi phòng, chống cháy, nổ là "nguyên tắc số một", bởi vì trong nhiều trường hợp xảy ra cháy sẽ khiến doanh nghiệp phá sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm về PCCC; làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, trọng tâm và nòng cốt là quân đội và công an; thực hiện tốt công tác phòng theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ khi có cháy, nổ xảy ra.