Bài toán nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

Bài 2: Không để người dân thiếu nước

Nguyên nhân thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là do biến đổi khí hậu và nguồn nước dòng Mê Công chảy về hạ nguồn kém, điều này đã được dự báo từ trước, đòi hỏi có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục tình trạng này.

Nhà máy nước Vị Thanh (Hậu Giang) thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống ứng phó với hạn mặn.
Nhà máy nước Vị Thanh (Hậu Giang) thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống ứng phó với hạn mặn.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Chúng tôi trở lại xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long nơi thượng nguồn sông Cổ Chiên của tỉnh Trà Vinh. Nơi đây, người dân sử dụng nước mặt lắng lọc để sinh hoạt. Chính vì vậy, đợt hạn mặn năm 2016, người dân ở đây lâm vào cảnh điêu đứng. Trước tình cảnh ấy, một chương trình đưa nước ngọt về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được triển khai. Theo dự kiến, thời gian thi công đường ống dài gần 10 km phải mất 60 ngày. Nhưng với quyết tâm nhanh chóng đưa nước ngọt về phục vụ người dân, các đội thi công đã đẩy nhanh tiến độ, tranh thủ ngày đêm, hoàn thành công trình trong 30 ngày. Ðồng thời với việc kéo ống chính cấp nước về trạm xử lý, việc kéo nhánh phân phối, nối ống vào nhà dân cũng được triển khai cùng lúc. Hiện người dân xã Ðức Mỹ đã không còn nỗi lo thiếu nước ngọt như cách đây bốn năm. Ðó là một trong những cách làm mà Trà Vinh đã thực hiện nhằm chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ông Bùi Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh khẳng định: "Dù nắng hạn, xâm nhập mặn có cao như dự báo, riêng nước sinh hoạt người dân Trà Vinh cũng không bị ảnh hưởng nhiều như năm 2016".

Ðược biết, đợt mặn năm 2016, Trà Vinh có 21.384 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó hơn 10.000 hộ thiếu nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư 53 tỷ đồng giải quyết nguồn nước sạch cho 12.722 hộ ở những vùng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 4.000 hộ thiếu nước ngọt. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Trà Vinh, để cung cấp nước cho 4.000 hộ thì chỉ cần 12 tỷ đồng.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra hạn, mặn ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên yêu cầu ngành chức năng và các địa phương rà soát, tổng hợp các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu nước sinh hoạt để lập phương án hỗ trợ từ nguồn phòng, chống thiên tai. Trước mắt, Hậu Giang sẽ hỗ trợ bồn chứa nước có thể tích từ 1 - 2 m3 nước cho người dân. Về lâu dài, Hậu Giang xem xét cho các hộ dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư khoan giếng. Theo ông Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Sở NN và PTNT Hậu Giang cũng đã có tờ trình xin chủ trương tỉnh để triển khai ba trạm cấp nước tập trung, sử dụng giải pháp lắp đặt thêm cầu lấy nước và trạm bơm cấp 1 để lấy nước ngọt từ kênh nội đồng với kinh phí thực hiện 1,6 tỷ đồng. Ðồng thời, trung tâm có tờ trình xin chủ trương tỉnh cho khoan giếng tại hai trạm cấp nước tập trung ở xã Long Bình (thị xã Long Mỹ) và xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp); phát triển tuyến ống ở 17 xã, với tổng chiều dài 130 km, phục vụ cho hơn 3.100 hộ dân, tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cung cấp nước sạch cho người dân và kiên quyết không để người dân thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô. Tỉnh còn nhiều hộ dân khó khăn về nước sạch sinh hoạt, nhưng những hộ này sống rải rác trên các tuyến kênh, rạch, ở xa trung tâm huyện, xã, thị trấn nên việc đầu tư lắp đặt hệ thống ống nước về tận nơi rất khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước phải tìm mọi giải pháp đưa nước sạch về cho bà con, không để thiếu nước sạch sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang, để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho dân, trước mắt, tỉnh hướng dẫn người dân tích trữ nước, tiết kiệm nước, xây dựng các phương án phòng, chống hạn hán, rà soát các công trình cấp nước, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình cấp nước mới ở các xã Vĩnh Hòa Phú (Giang Thành), Hòn Nghệ (Kiên Lương), Thủy Liễu (Gò Quao), Hòa Hưng (Giồng Riềng), Minh Hòa (Châu Thành); lấp bồn trữ nước tại các đảo: Hòn Tre, Hòn Mấu, Nam Du, Hòn Heo; mở rộng tuyến ống tại các xã Thuận Hòa (Giồng Riềng), Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Ðất), Công Sự (U Minh Thượng); khoan và thổi rửa 29 giếng nước để nâng cấp, sửa chữa các tuyến ống ở một số địa bàn dân cư. "Trong tình hình khẩn cấp, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương lập một số điểm cấp nước tập trung ở những nơi thuận tiện về giao thông để người dân lấy nước về sử dụng"- ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, mùa khô các năm 2015, 2016, 2017, người dân TP Rạch Giá và một số vùng phụ cận thiếu nước sử dụng là do kênh Ông Hiển - nơi Nhà máy nước Rạch Giá lấy nước bị nhiễm mặn rất nặng nên không thể thu nước. Vì vậy, trong những năm gần đây, Kiên Giang đã chủ động đắp đập ngăn mặn tại các cửa sông ăn thông ra biển, cho nên tình trạng thiếu nước ngọt đã được khắc phục.

Phát triển bền vững vùng ÐBSCL

Ðể ứng phó trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt như hiện nay, tỉnh Cà Mau ưu tiên mở rộng tuyến ống các công trình cấp nước và các giếng khoan hiện có để cấp nước cho các hộ dân thuộc nhóm 1 - khu vực gần công trình cấp nước. Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến ống mở rộng hơn 270 km, kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 26,400 tỷ đồng, thời gian thực hiện mỗi công trình từ 5 đến 30 ngày. Trước mắt, Cà Mau sẽ lắp nối trên mặt đất và lắp các vòi nước công cộng, mỗi vòi cách nhau 500 m để người dân lấy nước sử dụng ngay. Ðối với hơn 6.300 hộ dân thuộc nhóm 2 - đối tượng đang sử dụng hệ thống nước bị xuống cấp, tỉnh thực hiện giải pháp dài hơi là nâng cấp, cải tạo, đấu nối hòa mạng 11 công trình cấp nước tập trung, tổng kinh phí khoảng 198 tỷ đồng. Với các hộ dân thuộc nhóm 3 - ở khu vực dân cư thưa thớt, phân tán, tỉnh sẽ thực hiện ngay việc hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho dân.

Trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho hơn 2.700 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ miễn phí một bồn nhựa trữ nước loại 1 m3 và bốn can nhựa loại 20 lít để vận chuyển và trữ nước sử dụng trong mùa khô. Ðối với các hộ dân thuộc nhóm 4, tỉnh xúc tiến xây dựng mới công trình cấp nước tập trung. Cụ thể, triển khai khoan sáu giếng nước tập trung tại các xã: Khánh Hòa (huyện U Minh), Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), Thanh Tùng, Tân Trung và Tân Duyệt (huyện Ðầm Dơi), với kinh phí khoảng sáu tỷ đồng.

Vấn đề thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề cập tại Hội thảo tìm giải pháp ứng phó và giảm thiệt hại do hạn hán gây ra, được tổ chức tại Cà Mau vào những ngày giữa tháng 2-2020. Tại hội thảo, PGS, TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng khoa học thủy lợi miền nam cho rằng, vấn đề làm ngay lúc này là hỗ trợ người dân tích trữ nước sinh hoạt. Còn về lâu dài, phải tính đến chuyện đưa nước ngọt từ dòng Mê Công về Cà Mau và coi đây là giải pháp cơ bản. Vấn đề này, theo GS Tăng Ðức Thắng, nguyên Phó Viện trưởng khoa học thủy lợi Việt Nam, Cà Mau phải đồng thời tính thêm các cách thức khoa học trong việc trữ nước mưa cung cấp cho người dân vùng ngọt. Bởi hạn hán ở Cà Mau là do thiếu nước ngọt. Vì thế, song hành các giải pháp dẫn nước ngọt và trữ nước ngọt, tỉnh cần nghiên cứu và áp dụng phương thức canh tác hợp lý, có thể chuyển trồng lúa ở vùng chưa bảo đảm giữ được ngọt sang mô hình lúa - tôm.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), Bộ Xây dựng đang thực hiện dự án tích hợp nước an toàn cho các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL từ nguồn vốn vay 400 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Dự án này sử dụng nước sông Tiền, sông Hậu để xây dựng các nhà máy cấp nước tập trung công suất từ 100 đến 400 nghìn/m3/ngày đêm để cấp nước cho toàn vùng. Hiện dự án đang trong quá trình quy hoạch, lấy ý kiến các chuyên gia, chính quyền địa phương là chậm so với tính cấp thiết về nước sinh hoạt của người dân vùng hạn, mặn. Vì thế, Chính phủ, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này để người dân vùng hạn, mặn có nước sạch sử dụng.

Ngoài xây dựng các nhà máy nước tập trung, quá trình đầu tư cần tính đến phương án đầu tư các nhà máy nước phân tán ở vùng hạn, mặn nhằm giảm chi phí và bảo đảm an ninh nguồn nước đề phòng khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, các địa phương có kế hoạch sử dụng tài nguyên nước ngọt một cách hợp lý; thực hiện việc trữ nước ngọt vào mùa nước nổi tại vùng trũng như ở vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Ðồng Tháp Mười để sử dụng vào mùa khô chứ không nên xả nguồn nước ngọt này ra Biển Tây để kiểm soát lũ vì điều kiện tự nhiên đã thay đổi.

Còn theo GS Võ Tòng Xuân, thời gian tới, vùng ÐBSCL cần giảm diện tích trồng lúa ở vùng bị hạn, mặn và thiếu nước ngọt để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái, nhằm sử dụng ít nguồn nước hơn như trong Nghị quyết 120 của Chính phủ xác định ưu tiên là thủy sản, cây ăn trái sau mới đến trồng lúa. Nguồn nước ngọt tiết kiệm này ưu tiên sử dụng phục vụ sinh hoạt cho người dân vào mùa khô hạn. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL phù hợp điều kiện tự nhiên của toàn vùng và các tiểu vùng, từ đó có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp. Trên cơ sở đó, các địa phương có kế hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22-3-2020.