Thị trường lao động, việc làm năm 2021

Tìm cách để thích ứng

Đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động, việc làm ở nước ta năm qua gặp rất nhiều sóng gió, nhưng trên thực tế đã có sự chuyển đổi tích cực, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Trong trạng thái “bình thường mới” của năm 2021, thị trường lao động cần phải làm gì để cải thiện tình trạng “lệch pha” cung - cầu?

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và cả năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính đến tháng 12-2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 69,2% số người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tính riêng quý IV-2020, cả nước có 902,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so các quý năm 2019. Tuy nhiên, so các quý đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đã giảm mạnh, từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% trong quý III và đạt 1,89% trong quý IV. Điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết. 

Nhìn vào các số liệu thống kê chi tiết, có thể thấy, phần lớn những người thiếu việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Thực tế cũng cho thấy, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; tỷ lệ này cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. 

Để chủ động ứng phó, thích ứng từng diễn biến, Chính phủ đã thường xuyên, kịp thời ban hành một số nghị quyết, chính sách mới, cùng đó, các đạo luật liên quan phát triển kinh tế - xã hội, lao động việc làm, an sinh xã hội… có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, cũng sẽ góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Song, theo các chuyên gia, để ổn định thị trường lao động, cần thực hiện đồng bộ các chính sách. 

Trước hết, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Tiếp đó, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp nhiều đối tượng, nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. 

Cũng phải nhắc lại thực tế, còn đến khoảng 75% số người lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đã vậy, chất lượng nguồn lao động chưa cao. Vì thế, giải pháp căn cơ vẫn phải xoay quanh vấn đề, cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên hết và trọng tâm vẫn là từ chính người lao động, phải tranh thủ học, tự đào tạo.