Thương hiệu Việt chông chênh đường xuất ngoại

Câu chuyện ồn ào gạo ST25 của Việt Nam bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại (trademark) độc quyền tại Mỹ, dù còn gây tranh cãi về tính hợp pháp, một lần nữa hâm nóng chủ đề bảo hộ thương hiệu quốc gia.

Ðoàn Việt Nam vinh dự nhận giải nhất cho gạo ngon ST25 từ Ban tổ chức hội thi. Ảnh do HQL cung cấp
Ðoàn Việt Nam vinh dự nhận giải nhất cho gạo ngon ST25 từ Ban tổ chức hội thi. Ảnh do HQL cung cấp

"Cuộc chiến không tiếng súng"

Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 hôm nay gợi nhớ đến những cuộc kiện tụng đòi lại thương quyền từ "bà già đeo kiếng" Phạm Thị Tỏ của kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nhãn hiệu Ðức Thành - Vinamit, cà-phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc... Tiếc rằng, mấy chục năm qua đi, dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song thương hiệu Việt vẫn còn mãi chông chênh trong "cuộc chiến thương hiệu" bên ngoài biên giới. Ðó thật sự là điều đáng suy ngẫm đằng sau câu chuyện thương hiệu gạo của ông Hồ Quang Cua.

Trong thực tế, chúng ta cũng đã có những chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ thương hiệu như chuyện bà Ba Tỏ - chủ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre thắng kiện ở Trung Quốc. Tuy phải hao tiền, tốn sức, rất gian nan, nhưng bà Ba Tỏ đã giành lại danh xưng cho đứa con tinh thần của xứ dừa.

Tuy vậy, không phải ai cũng giành phần thắng trong cuộc chiến thương hiệu như vậy. Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên đã phải chấp nhận mất thương hiệu Ðức Thành từng nổi tiếng ở thị trường Trung Quốc và các nước để xây lại thương hiệu mới Vinamit. Dù hao tổn cả vật lực và thời gian cho bài học "vác đơn đi kiện", nhưng lâm trận rồi, ít nhất ông cũng rút ra được kinh nghiệm cho việc "đăng ký nhãn hiệu bao vây", tức đăng ký ngay cả những thị trường tiềm năng vì chi phí rẻ hơn việc kiện tụng giành lại tài sản. Cũng đã có DN chủ động liên kết với các tổ chức chuyên nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu độc quyền để tránh cảnh "mất bò mới lo làm chuồng". Nhưng không phải đơn vị nào, nhất là các DN trong ngành nông sản, sẵn sàng và đủ sức trong "cuộc chiến không tiếng súng này".

Làm ra giống gạo ngon hay một nông sản nổi tiếng được người tiêu dùng ưa thích là một việc, thương mại hóa nó với "chiếc áo giáp pháp lý an toàn" lại là lĩnh vực khác. Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25 tâm sự: "Tôi không làm được gì vì không rành pháp luật về lĩnh vực này. Tôi chỉ tập trung về chuyên môn của một nhà khoa học về chọn tạo giống lúa". Cũng cần phải thấy rằng, mặc dù từ đầu năm đến nay, thị trường Mỹ chiếm đến 98% sản lượng gạo ST25 xuất khẩu, nhưng DN của ông Cua không trực tiếp xuất mà phải thông qua các DN khác. Phần lớn các nông sản Việt sau khi rời biên giới quốc gia thì lệ thuộc hoàn toàn vào DN ngoại và hệ thống phân phối của họ, chấp nhận bỏ ngỏ một phân khúc lớn trong chuỗi giá trị nông sản nổi tiếng của mình.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ (http://www.noip.gov.vn), Bộ Khoa học và Công nghệ, ST25 là tên giống cây trồng của ông Hồ Quang Cua và các đồng sở hữu đã được cấp quyền bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, việc nhãn hiệu gạo ST25 hay các thương hiệu Việt khác bị người ta rình rập đánh cắp công khai bằng các công cụ pháp lý "đăng ký nhãn hiệu" vẫn cho thấy thế yếu của các DN Việt khi vươn ra biển lớn.

Trách nhiệm bảo vệ "tài sản vô hình"

Thương hiệu (tradebrand) hay nhãn hiệu (trademark) được hiểu là một biểu tượng, thông điệp về giá trị cốt lõi, một sản phẩm, dịch vụ. Thương hiệu mang trong nó nhiều yếu tố tổng hợp từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến truyền thống, lịch sử và hiện tại, được chuyển tải đến người tiêu dùng bằng thông tin, truyền thông, thương mại, được khách hàng ưa chuộng bằng niềm tin giá trị. Ngày nay, cùng với giá trị văn hóa cốt lõi, yếu tố công nghệ, đặc biệt là yếu tố pháp lý càng được chú ý hơn, nên nhiều thương hiệu (tradebrand) nổi tiếng luôn được quan tâm đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu (trademark).

Bản thân các thương hiệu, nhãn hiệu tự thân nó không thể "giải bài toán kinh tế" của ngành, mà rất cần "trợ lực" bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành, sự hỗ trợ đắc lực khi DN đang bị chông chênh trong các cuộc chiến pháp lý ở thị trường ngoại. Cần có trợ lực mạnh mẽ hơn để DN có ý thức rõ ràng và tăng cường sức mạnh trong việc bảo vệ tài sản thương hiệu - nhãn hiệu của mình. Mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Tốt hơn cả, các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Cục SHTT cũng khuyến cáo, khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các DN ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền SHTT của người khác trên thị trường đó.

Mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là DN cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.

Trách nhiệm bảo vệ "Thương hiệu - Tài sản vô hình" trước tiên thuộc về DN, nhưng cũng không thể để họ tự bơi trong điều kiện thiếu kiến thức pháp lý và năng lực tiếp cận thị trường nước ngoài hạn chế. Theo đó, cần hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý khi DN rơi vào trường hợp tranh tụng bằng các phương thức phù hợp. Nhưng điều quan trọng hơn là nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của chủ thương hiệu.

Về lâu dài, cần hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ và ứng phó các "cuộc chiến" thương hiệu - nhãn hiệu tương tự. Cần hỗ trợ xây dựng các thương hiệu quốc gia, vùng miền, địa phương và DN theo hướng tập trung vào các nhóm giải pháp: Thứ nhất, tập trung vào chính sách - pháp lý, quy hoạch - đầu tư. Thứ hai, khoa học và công nghệ và pháp lý. Thứ ba, về thị trường và tăng cường liên kết. Thứ tư, là nguồn nhân lực.

Cuộc chiến thương hiệu trong bối cảnh hội nhập rộng mở và cạnh tranh quyết liệt vẫn đang là thách thức cho DN nội, hàng nội. Các DN Việt, nhất là các thương hiệu nông sản nổi tiếng quốc gia, rất cần được trợ lực từ các cơ quan quản lý, hiệp hội và cộng đồng bằng các công cụ pháp lý đúng luật chơi thị trường mà Việt Nam đã cam kết trong WTO, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhà nước không thể làm thay hay hỗ trợ trực tiếp cho DN, nhưng cũng không thể để DN chông chênh trong cuộc chiến gay go này.