Thêm tối hậu thư, thu phí ETC vẫn... “khó”

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định tạm dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu ETC theo đúng quy định.

Hiện có 40/44 trạm thu phí triển khai vận hành hệ thống ETC.
Hiện có 40/44 trạm thu phí triển khai vận hành hệ thống ETC.

Hạn chót vẫn là cuối năm

Chỉ thị 39/CT-TTg không phải là hối thúc đầu tiên của Thủ tướng đối với việc hoàn thành giai đoạn 1 việc thu phí ETC tại các trạm BOT trên toàn quốc (44 trạm). Tính bình quân, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, cứ mỗi năm, chừng hai lần Thủ tướng phải có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh việc hoàn thành đề án phủ sóng thu phí ETC tại các trạm BOT trên toàn quốc.

Trước thời điểm đó, trong tư cách cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT cũng liên tục, thường xuyên, quyết liệt có chỉ đạo phải tiến hành áp dụng thu phí ETC. Việc triển khai mục tiêu ấy đưa tới kết quả thành lập được một doanh nghiệp (DN) cổ phần chuyên lo cung cấp dịch vụ lắp đặt hệ thống, giám sát hệ thống, và cùng khai thác các hệ thống ETC.

Cần nhắc lại là, từ năm 2011, các dự án BOT bùng nổ dẫn tới thực tế số km cao tốc, đường bộ được xây dựng, đã lớn gấp nhiều lần so với khối lượng hàng chục năm trước thực hiện. Điều kiện đi lại đường bộ được cải thiện là thực tế, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn tới những phiền toái cho phương tiện vận tải đường bộ, khi chỉ vài chục km di chuyển phương tiện đã phải dừng để mua vé đường. Yêu cầu phải giảm thời gian mua vé đường là lý do đầu tiên dẫn tới lựa chọn phải xây dựng hệ thống ETC. Nhưng yêu cầu này nhanh chóng trở thành thứ yếu.

Vì bên cạnh phiền toái buộc lái xe phải dừng quá nhiều để mua vé đường, thì những gian dối trong khai báo số thu phí, đặc biệt phí đường quá cao… đã khiến mô hình BOT từ chỗ là lời giải hiệu quả để tăng tốc xây dựng đường bộ đã trở thành nguyên nhân tạo làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân, DN.

Hệ thống ETC, do đó, lại được kỳ vọng sẽ giúp các nhà quản lý giám sát chặt số thu phí, từ đó công khai, minh bạch hoạt động thu phí, để tạo đồng thuận với mô hình BOT trong xây dựng đường bộ.

Nói thế để thấy, với ngành GTVT, mong muốn, mục tiêu, nỗ lực tột độ để có hệ thống ETC đã kéo dài tới gần chục năm. Và năm nào cũng đặt cùng một mục tiêu, hệ thống ETC nhất định phải hoàn thành vào cuối năm.

Ý chí của Bộ GTVT gặp quá nhiều trở ngại. Theo giải thích của Bộ (nhiều lần), phần lớn là từ sự xung đột giữa các cơ chế đã xây dựng trước đó. Trong vài năm, Bộ GTVT cho biết giữa công ty cung cấp dịch vụ ETC với các DN khai thác dự án BOT không thống nhất được về phân chia tỷ lệ thu phí, rồi mâu thuẫn mức đầu tư, các vấn đề kỹ thuật, kết nối… Đó là hệ lụy của việc thiếu các hướng dẫn chi tiết, cụ thể phục vụ cho việc đàm phán. Kết quả là quá trình đàm phán giữa từng DN, từng dự án bị kéo dài…

Tình hình căng thẳng tới mức, Tasco - cổ đông chính trong công ty cung cấp dịch vụ hệ thống thu phí (Công ty TNHH thu phí tự động VETC) - muốn chuyển phần vốn nắm giữ tại DN này cho bất kỳ nhà đầu tư nào đủ dũng cảm tiếp nhận.

Về đích… chưa trọn vẹn

Trong hoàn cảnh bế tắc ấy, Chỉ thị 39/CT-TTg của Thủ tướng được xem như “tối hậu thư” đối với việc hoàn thành thu phí ETC tại các trạm BOT trên toàn quốc. Trong báo cáo gần nhất gửi Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp tới, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đã có 40/44 trạm thu phí triển khai vận hành hệ thống ETC. Bộ này đã đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để triển khai thực hiện, phấn đấu cơ bản hoàn thành triển khai hệ thống ETC đối với các trạm BOT còn lại trong năm 2020. Tuy nhiên, đó lại chỉ là một phần của thách thức lớn hơn.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ ETC. Và cũng chỉ có 20% số chủ xe trong số 900.000 phương tiện đã nạp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng.

Còn một cán bộ khác của Bộ GTVT, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Đối tác công - tư thì cho biết, giai đoạn 2 của dự án ETC sẽ do nhà đầu tư là Công ty CP Giao thông số Việt Nam (DN dự án với Viettel là nòng cốt), triển khai trên 33 trạm thu phí còn lại.

Theo ông Huy, không thể kỳ vọng tất cả 3,5 triệu phương tiện đều dán thẻ hết trong một thời điểm. Kinh nghiệm ở Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước cho thấy hoàn thành toàn bộ các phương tiện sử dụng ETC cũng phải mất tới tám năm. Do vậy, chỉ sau ba năm mà Việt Nam đã có hơn một triệu xe dán thẻ “cũng là khả quan” - ông Huy nói với báo chí.

Tuy nhiên, trả lời của các lãnh đạo Bộ GTVT này dường như không đề cập hết những phàn nàn từ công chúng đối với vận hành ETC hiện nay. Đầu tiên là những bất tiện về việc tài khoản thu phí ETC chưa liên thông với tài khoản ngân hàng nên có lúc việc trả phí không thuận tiện. Xác nhận thực tế này, đại diện ngành giao thông cho biết việc liên thông thu phí tài khoản ETC (tại BIDV) đang “thử nghiệm mở rộng” tới ngân hàng khác và ví điện tử của nhà cung cấp khác. Có nghĩa, trong hiện tại, việc bất tiện là có thật, còn cách khắc phục được đang nghiên cứu.

Thứ nữa, theo nhiều lái xe chạy xe đường dài, hình thức thu phí ETC giữa các trạm hiện không giống nhau. VETC có loại thẻ riêng, nên những trạm thu phí nào do DN này cung cấp hệ thống ETC thì có thể sử dụng chung thẻ. Nhưng những trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số chủ đầu tư khác thì lại sử dụng thẻ riêng, không tương thích với thẻ của VETC, nên chủ xe lại phải mua riêng. Nếu chủ xe nào không biết thì lại phải dừng lại mua vé “bằng tay”, rất mất thời gian, bất tiện. Chủ xe mua thẻ nếu chấp hành thì có thể phải dán tới vài loại thẻ. Không chỉ tốn thời gian công sức mua thẻ, các chủ xe còn có nguy cơ bị chiếm dụng khoản tiền lưu trong tài khoản bởi yêu cầu mỗi tài khoản thanh toán lúc nào cũng phải dư tiền.

Tất nhiên, những điều đó chắc chắn sẽ khiến tốc độ tăng trưởng người sử dụng thẻ ETC bị chậm. Nhưng lúc này, việc làm sao về đích hoàn thành lắp đặt ETC như Chỉ thị của Thủ tướng là ưu tiên số một, còn việc phát triển số lượng người sử dụng thẻ ETC lại để hậu xét. Nếu như thế, liệu có thể đánh giá, việc về đích này là thành công?