Phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng nghề sơn mài ở Bình Dương

Tỉnh Bình Dương vừa công bố đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một”. Đề án nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề sơn mài hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Biểu dương, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân đã góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài.
Biểu dương, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân đã góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài.

Bản sắc làng nghề 

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một) có bản sắc riêng là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa vùng phía bắc với điều kiện, thổ nhưỡng, nguyên liệu, lao động cần cù sáng tạo ở miền nam, đã tạo lập nên những sản phẩm mang nét đặc trưng, lưu truyền và phát triển thành các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp độc đáo được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, làng nghề sơn mài luôn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là các đề tài về thiên nhiên, dân gian hay lịch sử đều mang đậm bản sắc chung của văn hóa dân tộc. Ðiểm chung ở những bức tranh sơn mài thường thấy là các chủ đề về tứ thời, ngư tiều canh mục, long lân quy phụng, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam… Nét văn hóa mỹ thuật này hòa quyện vào dòng chảy văn hóa chung của cả nước, vừa có giá trị về văn hóa, vừa mang dấu ấn lịch sử của dân tộc, góp phần vào văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Chỉ ra những nét độc đáo và bản sắc riêng làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương cho thấy: Do điều kiện lịch sử, những cuộc di dân đã đưa các lớp thợ mỹ thuật dân gian từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa, du nhập nghề sơn mài vào xứ Ðồng Nai, Gia Ðịnh. Mang  những tinh hoa văn hóa của vùng đất phương bắc lại kết hợp gắn bó với điều kiện địa lý tự nhiên đất phương nam nên làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã sớm tạo nên phong cách riêng, đặc thù. Những nghệ nhân sơn mài vừa kế thừa nét văn hóa mỹ thuật truyền thống của dân tộc, vừa phát huy những giá trị văn hóa của địa phương để tạo nên nét đặc sắc riêng của làng nghề.

Sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà bản sắc thể hiện đa dạng trên tất cả các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên gỗ, gốm, tre và nhiều chất liệu khác, sản phẩm sơn mài đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề sơn mài có hai dạng: dạng hiện đại theo nhu cầu thị trường và dạng truyền thống thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật sơn mài. Dù hàng sơn mài đã có nhiều thay đổi để thích nghi nhu cầu thị trường nhưng làng nghề vẫn duy trì quy trình sản xuất với 12 đến 15 nước sơn bằng sơn ta truyền thống kết hợp độ tinh xảo của những họa tiết, hoa văn. Ðây là cái gốc tạo sự độc đáo và bản sắc cho sơn mài Tương Bình Hiệp. 

Dẫu vậy, sản phẩm sơn mài truyền thống cũng đối mặt với nhiều thách thức do điều kiện kinh tế thị trường; nguyên vật liệu thiếu dần, giá thành cao; nguồn lao động thiếu hụt; phần lớn các cơ sở sản xuất còn tồn tại hoạt động thì nhỏ lẻ, khó khăn nguồn vốn; sản xuất gia công các công đoạn thiếu sự đồng bộ, gắn kết giữa các cơ sở trong sản xuất; nhu cầu khách hàng tiêu dùng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao… Theo cuốn “Bình Dương - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI”, qua thống kê, năm 2001, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có đến 1.840 hộ tham gia sản xuất với 3.860 lao động. Hiện nay, còn khoảng hơn 70 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương.  

Bảo tồn, phát triển kết hợp du lịch

Nhằm phát huy và bảo tồn giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài, giúp làng nghề phát triển, tháng 3-2020, đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt; tháng 10-2020, đề án được công bố. Mục tiêu đề án là xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tua du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước. Đề án thực hiện trên diện tích khoảng 5,4 ha tại phường Tương Bình Hiệp. Trong thời gian bốn năm từ năm 2020 đến 2023, đề án sẽ triển khai xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung có đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ Tổ, cổng chào làng nghề, đào tạo nghề, dịch vụ du lịch… 

Đam mê với nghề hơn 40 năm, nghệ nhân Trương Quang Tịnh, chủ cơ sở sơn mài Định Hòa chia sẻ: Đề án được phê duyệt và công bố là niềm vui lớn và phấn khởi cho tất cả người dân làng nghề vì ước mơ này đã có nhiều năm nay, người dân trông chờ có một nơi để bảo tồn nghề, vừa phát huy tinh thần đoàn kết trong sản xuất gắn kết với bảo vệ môi trường, đưa làng nghề phát triển bền vững hơn. Mong rằng đề án sớm hoàn thành, đem lại sức sống mới cho làng nghề. Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Quý cho rằng: Đề án chắc chắn có bước đột phá, tạo diện mạo mới cho làng nghề; đem lại sự phấn khởi cho các doanh nghiệp, cơ sở, người làm nghề có thể an tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Đề án sẽ tiếp sức, tạo động lực, tăng thêm tự tin cho việc xây dựng phát triển, bảo tồn nghề sơn mài truyền thống phù hợp với xã hội hiện đại. Có như vậy, làng sơn mài Tương Bình Hiệp chắc chắn sẽ vững bước phát triển đi lên trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa địa phương và làm đòn bẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch; tạo công ăn, việc làm cho người dân…

Sơn mài được coi là đặc trưng của nền hội họa Việt Nam và được chế tác thông qua nhiều công đoạn tỉ mỉ cùng với kỹ thuật lành nghề của các nghệ nhân. Qua hàng trăm năm, số lượng nghệ nhân ngày càng ít nhưng những giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử vẫn còn được bảo tồn và phát huy. “Thật may mắn và tự hào khi Bình Dương là một trong những địa phương đã giữ gìn và phát huy được những giá trị ấy”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nhấn mạnh. Tháng 4-2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui to lớn của nhân dân phường Tương Bình Hiệp và cũng là niềm hãnh diện của thành phố Thủ Dầu Một và tỉnh Bình Dương. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là trách nhiệm của địa phương, của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhất là sự đồng tình, quyết tâm ủng hộ của nhân dân tỉnh trong công cuộc khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến ngành nghề sơn mài. Đề án được phê duyệt và công bố là sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa và từng bước xây dựng giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn của nghề sơn mài trong thời gian qua.  

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Theo sách “Gia Định Thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, nghề sơn mài xuất hiện ở Bình Dương khoảng 300 năm trước. Cuốn “Bình Dương - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phối hợp UBND tỉnh Bình Dương và các đơn vị xuất bản năm 2003, cùng nhiều tư liệu lịch sử khác thể hiện: Nghề sơn mài được du nhập và lưu truyền cho đến ngày nay từ những người miền bắc, trong đó có những người thợ sơn mài đã đi dọc sông Sài Gòn đến lập nghiệp ở vùng đất Thủ Dầu Một trong cuộc di cư đầu thế kỷ 18.