Nâng cao giá trị thương hiệu Việt

Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam đã tiếp tục thăng hạng, trở thành thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những thành công trong kiểm soát dịch bệnh, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các tiêu chuẩn thế giới đã giúp THQG Việt Nam ngày càng được định vị tốt hơn trên toàn cầu.

Nhờ luôn chú trọng xây dựng uy tín, Vinamilk đã xây dựng được thương hiệu có giá trị “tỷ đô” như ngày nay.
Nhờ luôn chú trọng xây dựng uy tín, Vinamilk đã xây dựng được thương hiệu có giá trị “tỷ đô” như ngày nay.

Thương hiệu tăng hạng nhanh nhất thế giới

Việt Nam là THQG tăng giá trị nhanh nhất thế giới năm nay - 29% với quy mô 319 tỷ USD - báo cáo về thương hiệu quốc gia (Nation Brands) năm 2020 của Brand Finance - hãng định giá thương hiệu của Anh mới đây ghi nhận. Thứ hạng của THQG Việt Nam cải thiện từ vị trí thứ 42 năm 2019 lên vị trí 33 năm 2020 trong số 100 thương hiệu được khảo sát.

Đáng chú ý, THQG Việt Nam tuy xếp sau một số thương hiệu trong ASEAN như In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái-lan, Ma-lai-xi-a song lại là quốc gia duy nhất trong khu vực thăng hạng với mức độ mạnh mẽ, trong khi các thương hiệu của khu vực có xu hướng đi ngang, thậm chí là sụt giảm mạnh so với năm 2019. Kết quả năm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh, tuy nhiên giá trị đều sụt giảm, thấp nhất là 3,7%, cao nhất lên tới 21,5%.

Brand Finance đánh giá, Việt Nam ghi nhận số ca và tử vong do Covid-19 ở mức thấp đáng kinh ngạc, đã nổi lên là một trong những địa điểm hàng đầu trong khu vực Đông - Nam Á về sản xuất và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Mỹ, đang muốn chuyển địa điểm các hoạt động tại Trung Quốc của họ sau tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 

“Các thỏa thuận thương mại gần đây với Liên hiệp châu Âu (EU) đang hỗ trợ sự phát triển của quốc gia này hơn nữa”, báo cáo của Brand Finance đánh giá.

Sự ổn định về chính trị, an toàn và cải thiện liên tục môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) được đánh giá chính là “chìa khóa” giúp Việt Nam tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững, duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát được lạm phát chính là yếu tố khiến giá trị THQG của Việt Nam liên tục thăng hạng.

Cùng với đó, những chương trình hỗ trợ xây dựng THQG được triển khai nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG nêu rõ, các DN THQG ngày càng khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Tổng doanh thu năm 2019 của 124 DN có sản phẩm đạt THQG năm 2020 đã đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước hơn 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. 

Thương hiệu tuy là tài sản vô hình nhưng lại có đóng góp rất lớn vào hoạt động của DN và đang được nhiều DN coi trọng xây dựng. Bài học xây dựng và duy trì giá trị thương hiệu từ Vinamilk, một trong những THQG có giá trị lớn nhất Việt Nam hiện nay cho thấy, nhờ việc liên tiếp cho ra mắt những sản phẩm dinh dưỡng mới, cập nhật các xu hướng tiên tiến trên thế giới, nhãn hàng này nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk chia sẻ: “Vinamilk luôn đặt trách nhiệm cao nhất của mình đối với uy tín thương hiệu, điều đó giúp xây dựng được thương hiệu có giá trị “tỷ đô” như hôm nay. Cách làm của Vinamilk là bắt tay cùng đối tác như những người bạn đồng hành tại thị trường nước ngoài, cùng chia sẻ một mục đích chung nhằm phát triển kinh doanh và thương hiệu, thay vì vào vai “người bán - người mua” như truyền thống”.

Nhờ những bước phát triển mạnh mẽ, giá trị thương hiệu Vinamilk được Forbes Việt Nam định giá hơn 2,4 tỷ USD, tương đương hơn 55 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng giá trị của Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2020. Tổng giá trị thương hiệu của danh sách năm nay đạt hơn 12,6 tỷ USD, tăng 22% so danh sách năm 2019. 

Là một DN về lĩnh vực vật liệu xây dựng hiện xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 60 nước, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Công ty Secoin cho biết, để chinh phục người tiêu dùng, công ty luôn đề cao yếu tố thiết kế sao cho phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thuyết phục các đối tác nước ngoài để ghi vào dòng chữ “Made by Secoin Vietnam” giúp định vị rõ nét thương hiệu.

Nâng tầm thương hiệu Việt

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nêu quan điểm: “Thông thường việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% cho tổng chuỗi giá trị của DN. Quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng”. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, DN, địa phương và quốc gia.

Song song những nỗ lực dựng xây thương hiệu của DN, Chương trình THQG đặt mục tiêu giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ có hơn 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Mục tiêu này đang được hiện thực hóa bằng hàng loạt giải pháp như nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng DN đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, trong đó có hoạt động tuyên truyền quảng bá, đào tạo tập huấn; hỗ trợ trực tiếp để các DN đáp ứng được tiêu chí của chương trình THQG và trở thành các DN có sản phẩm đạt THQG; tuyên truyền quảng bá cho chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước.

Chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở mức độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì động lực nền kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu. 

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả Nhà nước, DN và người dân. Đó là con đường giúp tạo nên sức mạnh tổng thể để khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.