Minh bạch ngân sách và uy tín quốc gia

Khảo sát về minh bạch ngân sách là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ hai năm/lần, kể từ năm 2006 và thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây dựng bằng vốn đầu tư công nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của Thủ đô Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: Nam Khánh
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây dựng bằng vốn đầu tư công nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của Thủ đô Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: Nam Khánh

So với chỉ số năm 2017 được công bố lần trước, với chỉ số của năm 2019 vừa được công bố hồi tuần trước, Việt Nam đã tiến một bước quan trọng, đủ tiêu chuẩn bước vào Câu lạc bộ Chính phủ Mở, đồng nghĩa với việc được quốc tế công nhận nằm trong nhóm quốc gia có chính phủ hướng tới công khai, minh bạch.

14 bậc với rất nhiều nỗ lực

Còn nhớ, tháng 3-2018, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, Việt Nam xếp hạng dưới mức trung bình toàn cầu về công khai ngân sách và sự tham gia của công chúng vào các quá trình liên quan đến ngân sách. Thời điểm ấy, trong khu vực ASEAN, chúng ta chỉ được xếp trên Mi-an-ma và thua khá xa Phi-li-pin cũng như In-đô-nê-xi-a.

Tình hình đã được cải thiện rất đáng kể. Lần này, các chỉ số ở cả ba trụ cột: minh bạch ngân sách; sự tham gia của người dân; sự giám sát của Quốc hội và kiểm toán của Việt Nam năm 2019 đều được cải thiện, trong đó trụ cột thứ ba đạt điểm khá cao (72/100 điểm với sự giám sát của Quốc hội và 78/100 điểm với sự giám sát của Kiểm toán). Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách, đưa Việt Nam lên vị trí 77/117 nước.

Ðánh giá tình hình, các chuyên gia của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) nhận định, kết quả này có một nguyên nhân quan trọng là việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017 (nhưng có độ trễ khi đi vào cuộc sống, nên chưa thể hiện kết quả trong chỉ số năm 2017).

Theo đó, phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán ngân sách nhà nước khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội thuận lợi để người dân thật sự “đọc - hiểu” được thông tin, từ đó quan tâm và tham gia tích cực hơn quá trình xây dựng, giám sát ngân sách… Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 cũng đã tạo ra khung khổ pháp lý thuận lợi để cơ quan kiểm toán với nguyên tắc hoạt động “Ðộc lập và chỉ tuân theo pháp luật” có điều kiện hoàn thành chức năng nhiệm vụ một cách trung thực, khách quan.

Không thể phủ nhận sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các cấp chính quyền địa phương đối với công tác công khai ngân sách của các ngành mình, địa phương mình đã đem lại kết quả đáng ghi nhận như trên. Nhưng dĩ nhiên, với điểm số và thứ hạng như vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch ngân sách. Theo TS Nguyễn Ðức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận xét, kết quả khảo sát các cơ quan cấp bộ và cơ quan Trung ương trong việc tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 cho thấy, dù mức độ cam kết đã được cải thiện, nhưng trên thực tế các cơ quan này vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung mà Luật Ngân sách đã quy định. So với các địa phương thì các cơ quan trung ương có cấp độ minh bạch kém hơn.

Minh bạch hơn, hấp dẫn hơn

Nhìn rộng hơn một chút, mức độ chi tiết, cụ thể của các báo cáo liên quan đến ngân sách nói chung cũng còn kém xa nhiều quốc gia khác. Tài liệu ngân sách được Bộ Tài chính Thụy Ðiển công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ dài tới 2.000 trang, ghi chi tiết các khoản chi tiêu đến mức một người dân bình thường cũng có thể biết Thủ tướng đi máy bay dân dụng đến họp ở nước ngoài, ở khách sạn nào, bao nhiêu tiền… Chi tiết không kém là báo cáo của Bộ Tài chính Pháp, khoảng hơn 1.900 trang.

Có lẽ còn một chặng đường rất dài để Việt Nam có thể làm như vậy. Báo cáo công khai ngân sách của Bộ Tài chính Việt Nam tuy đã chi tiết hóa hơn rất nhiều, song vẫn chỉ có các khoản tổng thu, tổng chi, chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ, là những hạng mục cơ bản. Còn ai chi những khoản gì, cụ thể thế nào vẫn rất khó nhận biết. Ðây chính là trở ngại lớn để người dân có thể thật sự “biết, bàn và kiểm tra”. Chúng ta mới chỉ xác minh được những khoản chi lớn đúng hay sai, có đúng chính sách không, có đúng mục tiêu ban đầu không... và phải dựa vào kiểm toán - thông qua kiểm tra từng hóa đơn, chứng từ… 

Tất nhiên, cải thiện mức độ công khai minh bạch là yếu tố rất quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp; tạo ra sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước, từ đó tạo động lực để người dân có ý thức đóng góp tích cực hơn cho ngân sách quốc gia. Ðây cũng là một yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài chân chính, xem xét khi lựa chọn điểm đến để đầu tư, kinh doanh lâu dài. Thông tin ngân sách công khai, minh bạch cũng góp phần to lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, hướng tới một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”...

Nhưng đi đến tận gốc rễ của vấn đề, thì thái độ, trách nhiệm trong chi tiêu ngân sách mới là yếu tố quyết định. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Thương mại, việc chi tiêu ngân sách hiện nay trong nhiều trường hợp chưa bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thậm chí đôi khi còn tùy theo… tính nết người sử dụng ngân sách.

Mức độ công khai ngân sách tỉnh được cải thiện đáng kể

Theo Báo cáo chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI), do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) chủ trì, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện, công bố ngày 8-7, chỉ số trung bình công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2019 đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi, xếp hạng cao hơn trung bình xếp hạng năm 2018 là 51 điểm.

Tuy nhiên, về xếp hạng sự tham gia của người dân vào quá trình công khai ngân sách, số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 38,2 điểm. Kết quả này phản ánh, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia quy trình ngân sách.