Lựa chọn của lớp doanh nhân kế cận

NDO -

Sau hơn 30 năm đổi mới, lớp doanh nhân trẻ kế cận thế hệ đầu tiên đã bắt đầu bước vào thương trường. Tuy nhiên, đòi hỏi chuyên nghiệp ngay từ đầu đang là thách thức lớn nhất của các doanh nhân trẻ.

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ Citek triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAPS/4HANA.
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ Citek triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAPS/4HANA.

Chuyện của người trẻ

Bùi Quang Minh, thành viên Hội đồng Quản trị (HÐQT) Tập đoàn Hòa Bình Minh Group, Tổng Giám đốc khối ô-tô của Tập đoàn đang đắm đuối với các kế hoạch số hóa quản trị doanh nghiệp (DN).

Năm ngoái, Minh đã thay mặt Tập đoàn ký kết với Công ty cổ phần Công nghệ CITEK để triển khai giải pháp quản trị doanh nghiệp SAPS/4HANA trị giá 1 triệu USD nhằm kiện toàn lại công tác quản trị và vận hành các hoạt động kinh doanh một cách tốt hơn.

"Nói thật, áp dụng công nghệ, giải pháp số hóa không phải là kế hoạch chủ động của tôi khi nhận công việc. Nhu cầu phát sinh khi bắt tay vào làm, công việc nhiều, nhưng không đủ công cụ kiểm soát… Hơn thế, nhiều nhân sự không phù hợp, nhất là ở các khâu gián tiếp, nhưng cách đánh giá truyền thống, cảm tính không có hiệu quả…", Bùi Quang Minh chia sẻ về quyết định đầu tư lớn vào các ứng dụng quản trị hiện đại vào Tập đoàn.

Ðiểm mà Minh cảm thấy hài lòng nhất là việc ứng dụng các giải pháp số hóa không chỉ tạo ra công cụ để quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, mà còn là công cụ để đào tạo con người. Khi các giải pháp được áp dụng, nhân sự các bộ phận đều phải học, phải thay đổi cách làm vì chỉ cần làm sai thao tác, phần mềm sẽ không chạy…

Phải nói thêm, Bùi Quang Minh là con trai ông Bùi Minh Lực, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Hòa Bình Minh. Ðược đào tạo ở nước ngoài, tham gia Tập đoàn được vài năm, lăn lộn ở nhiều bộ phận trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc khối ô-tô, Minh nói thật sự muốn đóng góp vào sự phát triển của DN mà bố, mẹ mình đã gây dựng, phát triển, nhưng có thể với một cách… hợp xu thế hơn.

"Chúng tôi rất giống nhau về con người, về suy nghĩ nhưng có thể khác nhau về cách làm. Bố mẹ tôi quản lý DN kiểu truyền thống, còn chúng tôi muốn ứng dụng công nghệ, đó là xu thế phát triển. Tôi tin là lúc này, quản trị DN sẽ là điều mà nhiều DN Việt sẽ nói tới, để chuyên nghiệp hơn, để lớn hơn, để DN thật sự là cá lớn. Ứng dụng giải pháp số chỉ là một công cụ", Minh chia sẻ quan điểm.

Xu thế, chứ không chỉ là sự lựa chọn

Minh không phải là doanh nhân trẻ duy nhất đau đáu với quản trị DN, với đòi hỏi chuyên nghiệp hóa hoạt động của DN Việt Nam. Chưa bao giờ các lớp học về quản trị DN hiện đại lại được quan tâm nhiều như vậy.

Nhìn lại, khu vực DN tư nhân của Việt Nam mới phát triển gần 35 năm, với vô vàn thăng trầm. Phần lớn doanh nhân thế hệ đầu tiên khởi nghiệp để thoát nghèo, có việc làm hơn là đam mê. Trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường đang được hoàn thiện dần, còn không ít rào cản đối với DN tư nhân, ưu tiên hàng đầu trong khoảng thời gian ít ỏi của doanh nhân là tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm các mối quan hệ để tạo ra công việc…

"Quản trị chuyên nghiệp dường như là điều xa xỉ với DN Việt Nam. Nhưng điều đó không thể kéo dài. Tôi vẫn nói điều này khi làm việc với các doanh nhân trẻ Việt Nam. Thời thế đã thay đổi, buộc các DN Việt Nam muốn đi xa, muốn cạnh tranh phải đi vào chuyên nghiệp, trước hết là quản trị", ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Có nhiều lý do để nói vậy. Khi các thế hệ doanh nhân đi đầu khởi nghiệp, số tài sản gần như bằng không, kinh nghiệm bằng không và thị trường chỉ là các vùng chung quanh. Sự nhạy cảm trên thương trường, kinh nghiệm va vấp có thể là chìa khóa thành công.

Còn hiện tại, nhiều DN tư nhân đã có mức tăng trưởng quy mô đáng nể. Nhìn vào danh sách 500 DN lớn nhất Việt Nam hằng năm, DN tư nhân xuất hiện ngày càng đông đảo. Nhưng, có tài sản, thị trường mở rộng, có thể không cần vượt qua biên giới song không thể từ chối cạnh tranh với hàng hóa từ bên ngoài, với sự xâm nhập của các chuỗi cung ứng toàn cầu… lại là những thách thức lớn mà các doanh nhân Việt đang phải đối mặt.

Ðặc biệt, khi Việt Nam đã ký cam kết Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) về việc tuân thủ những chuẩn mực cao nhất của sản phẩm, dịch vụ, của trách nhiệm xã hội, của thể chế cạnh tranh…, sân chơi, luật chơi gần như thay đổi hoàn toàn.

Cũng không thể không nhắc tới những bất định ngày càng lớn trong nền kinh tế, mà Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… là đại diện buộc các DN luôn phải ở thế sẵn sàng thích ứng.

"Cách duy nhất để DN Việt tham gia cuộc chơi lớn, để phòng ngừa rủi ro, bất định là phải chuyên nghiệp, chuẩn mực trong quản trị, trong hoạt động. Thời của làm ăn bài bản thật sự đã đến", ông Hiếu nói thêm.

Ðiểm thuận nhất để các doanh nhân trẻ thay đổi chất cho DN của mình chính là xu thế phát triển không thể cưỡng lại, bao gồm cả kinh tế số, hội nhập và phát triển bền vững. Môi trường thể chế cũng đang thay đổi theo hướng tạo động lực để DN ứng dụng quản trị hiện đại, thuận cho sự kinh doanh minh bạch, công khai…

Nhưng điều kiện cần vẫn là nội lực, nhận thức từ chính giới doanh nhân.

Môi trường thể chế đang thay đổi theo hướng tạo động lực để doanh nghiệp ứng dụng quản trị hiện đại, thuận cho sự kinh doanh minh bạch, công khai…