Gỡ rối cho điện mặt trời

Trong khi chấp thuận hàng loạt dự án điện mặt trời (ÐTM) được bổ sung nhanh chóng vào quy hoạch phát triển điện quốc gia nhằm tranh thủ hưởng lợi từ mức giá cao nhất, các nhà làm chính sách đã "quên mất" sự cần thiết phải bổ sung đầu tư các đường truyền tải mới. Giải quyết tình thế lưỡng nan này như thế nào vẫn là câu hỏi khó.

Công nhân của Tập đoàn Trung Nam lắp đặt tấm pin mặt trời ở Tổ hợp năng lượng tái tạo ÐMT và điện gió Trung Nam (huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận)
Công nhân của Tập đoàn Trung Nam lắp đặt tấm pin mặt trời ở Tổ hợp năng lượng tái tạo ÐMT và điện gió Trung Nam (huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận)

"Bỏ qua" quy hoạch

Trong Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh ban hành tháng 3-2016 có mục tiêu đưa tổng công suất nguồn ÐMT từ mức không đáng kể ở thời điểm đó lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Ðiện năng sản xuất từ nguồn ÐMT chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.

Quyết định 11/2017/QÐ-TTg (QÐ 11) được ban hành tháng 4-2017 nhưng tới tận khi có "Hội thảo về giá ÐMT sau tháng 6-2019" được Bộ Công thương và GIZ (Ðức) tổ chức vào tháng 11-2018, một số số liệu được dẫn chứng ở đây đã khiến tất cả phải bất ngờ trước thực tế, có tới 121 dự án với 7.234 MWp phát điện tới năm 2020 đã được bổ sung vào quy hoạch điện trong hơn một năm qua. Thế nhưng, con số này mới chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng cộng 332 dự án ÐMTvới công suất 26.290 MWp tới năm 2030 được các nhà đầu tư đăng ký chỉ trong chưa đầy 18 tháng, kể từ ngày có QÐ 11.

Tại riêng tỉnh Ninh Thuận, vùng đất được coi là "thủ phủ" của ÐMT, theo báo cáo của địa phương, đã có 55 dự án được chấp thuận chủ trương lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch với quy mô 3.618 MW. Trong số này có tới 30 dự án với công suất 1.966 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương ra quyết định bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện. Cũng có 25 dự án với công suất 1.651 MW được trình lên chờ ra quyết định bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện...

Tư nhân đầu tư lưới - cách nào?

Việc nhiều nhà máy ÐMT tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ được huy động 30-40% công suất để phát lên lưới do quá tải đường dây truyền tải đã khiến các chủ đầu tư, DN bức xúc. Ðể "cứu mình", Công ty CP Ðầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã đề xuất tới Chính phủ và Bộ Công thương cơ chế đầu tư dự án lưới truyền tải và trạm biến áp 500 kV để giải tỏa công suất cho các dự án ÐMT tại khu vực Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho rằng, Trung Nam đang đề xuất với Chính phủ cho phép đầu tư đường dây 500kV từ huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đến Vĩnh Tân (Bình Thuận) dài 17 km, nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy ÐMT đã được cấp phép đầu tư. "Nếu được chấp thuận, sau khi triển khai dự án và đưa vào vận hành, chúng tôi sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng)... Mặt khác, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của tỉnh Ninh Thuận", ông Tiến đề xuất.

Bình luận về các đề nghị này, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, với bối cảnh đầu tư của ngành điện lớn và hiện nay các dự án không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn hay thực tế có một số khâu như đầu tư nguồn điện đã xã hội hóa rồi thì việc tư nhân có thể triển khai đầu tư lưới truyền tải nhanh là rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng được các chuyên gia cho rằng, vẫn còn vướng về cơ chế thực thi. Theo Luật Ðiện lực, truyền tải là độc quyền Nhà nước và hiện chi phí truyền tải chỉ mới quanh mức 100 đồng/kWh. Như vậy, khi tư nhân đầu tư truyền tải phải xác định phí truyền tải để bù đắp lại khoản đầu tư này và chắc chắn con số này sẽ không rẻ như mức 100 đồng/kWh hiện nay.

Ðó là chưa kể, việc tham gia của bên thứ ba vào đường dây truyền tải này. Khi có đường dây do một nhà đầu tư (NÐT) tư nhân làm thì một bên thứ ba muốn đấu nối vào đó sẽ xử lý thế nào nếu NÐT đường dây nói là đã đầy tải, không đồng ý cho đấu nối? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm điều phối trong việc dùng chung lưới điện truyền tải để bên thứ ba có thể phát điện tới người mua cuối cùng thì lại chưa rõ ràng. Như vậy, sẽ dẫn tới lãng phí tài nguyên quốc gia trên bình diện chung.

Cũng để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa công suất các dự án điện, EVN mới đây đã đề xuất lắp đặt tạm hai trạm biến áp 220 kV (Vĩnh Tân và Phước Thái), dự kiến hoàn thành trong quý II-2020 để giải tỏa hết công suất cho những nhà máy ÐMT ở khu vực Ninh Thuận đã được đưa vào vận hành trước ngày 30-6-2019. Cơ chế được EVN đề nghị là các NÐT nhà máy ÐMT đầu tư lắp đặt trạm, sau khi hoàn thành cho EVN thuê vận hành.

Việc giải tỏa công suất vừa có lợi cho các NÐT, kế hoạch phát triển năng lượng xanh của Chính phủ, cung cấp thêm nguồn cho hệ thống, nhưng ngay cả khi được một số chủ đầu tư ÐMT ủng hộ thì bao giờ có quyết định cuối cùng để triển khai trên thực tế với phương án tư nhân làm trạm điện này vẫn là câu hỏi chờ lời giải từ cơ quan chức năng?!

Mới đây, Bộ Công thương đã lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan về việc bổ sung dự án nhà máy ÐMT Trung Nam - Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch phát triển điện lực. Phúc đáp lại, các ngành liên quan và EVN đã ủng hộ đề xuất bổ sung quy hoạch của nhà máy và đường dây 500kV nhằm giải tỏa công suất năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận.