Đón làn sóng mới

Dù chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đang nỗ lực tự cứu mình đi đôi với chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt cơ hội từ thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA)... Sức cầu ở nhiều quốc gia được dự báo tăng vào dịp cuối năm mang đến những hy vọng mới.

Là ngành hàng thiết yếu trong đời sống nên nhu cầu thị trường may mặc có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG NAM
Là ngành hàng thiết yếu trong đời sống nên nhu cầu thị trường may mặc có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG NAM

Trong “cơn bão” 

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5-2020, xuất khẩu dệt may (DM) của ta giảm 13,6% so cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu nguyên phụ liệu DM và da giày giảm 16% so cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) giảm 19% (hai thị trường này đã chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu của ngành DM Việt Nam); 50% số đơn đặt hàng bị hủy trong tháng 5. Trong báo cáo tài chính quý II do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120,1 tỷ đồng, giảm 22%... Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng gặp tình trạng khó khăn  khi chỉ tiêu doanh thu quý II giảm 14% và lợi nhuận giảm tới 42% so cùng kỳ năm trước...

Toàn bộ các đơn hàng đều bị giãn thời gian giao hàng và chậm thanh toán, khiến các DN trong ngành gặp nhiều khó khăn. Tương tự, kết quả kinh doanh của DN ngành sợi bị ảnh hưởng khá nặng nề. Đơn cử như Công ty CP Sợi Thế Kỷ trong quý II có doanh thu thuần giảm 49% so cùng kỳ năm trước, lãi gộp giảm mạnh 79% chủ yếu là do giảm doanh số bán hàng. Khép lại quý II, lãi ròng giảm 95% so cùng kỳ, xuống chỉ còn 3 tỷ đồng...
  
Đã có nhiều DN “thoát hiểm” nhờ chuyển sang may khẩu trang, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Rất nhiều DN e ngại không đủ sức chống chọi đến hết năm 2020. Đã vậy, quá ít DN DM thụ hưởng được các giải pháp hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19 (chỉ 133/3.143 DN, chiếm 3,6% tổng số DN được khảo sát đã tiếp nhận được các chính sách hỗ trợ)... 
 
Tự cứu mình

Theo nhiều lãnh đạo trong ngành DM chia sẻ, để tự cứu mình, các DN vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện cắt giảm các chi phí không cần thiết, tìm kiếm đơn hàng, mạnh dạn nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ hoặc mặt hàng mới chưa từng sản xuất trước đó… Nhờ đó, đã có những DN đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Trong số đó phải kể đến Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (TCTCP), với hệ thống nhà máy nằm ở điểm nóng dịch: TP Đà Nẵng, Quảng Nam... Theo Chủ tịch HĐQT TCTCP Dệt may Hòa Thọ Nguyễn Đức Trị, để “cứu mình”, nhất là trong thời điểm hiện nay thì các DN cần liên kết nhau lại và cùng chia sẻ đơn hàng và nguyên liệu thô. Riêng lĩnh vực sản xuất, Hòa Thọ đã có kế hoạch đưa ra từ 4-5 phương án khác nhau cho mỗi đơn hàng để bảo đảm các đơn hàng luôn thông suốt, an toàn và hiệu quả. 

Với ngành sợi, theo chia sẻ của các DN, trong nhiều trường hợp họ đã phải cân nhắc bán sợi với giá thấp hơn giá thành sản xuất để giảm hàng tồn kho, duy trì sản xuất ổn định và bảo đảm một phần chi phí lương... Bên cạnh đó, các DN mở rộng tìm kiếm khách hàng, tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để liên kết với các nhà sản xuất trong nước, kể cả DN FDI để sản xuất vải phục vụ DN may, tránh phụ thuộc nhiều vào khách hàng nhập khẩu sợi như trước. 

Ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng công ty (TCT) CP Dệt may Nam Định cho biết, trước đây, TCT sản xuất 1.100 tấn sợi, trong đó xuất khẩu được 600 tấn (nghĩa là tỷ trọng xuất khẩu lên tới 65%, thì giờ đây xuất khẩu chỉ còn 45%). Để bù đắp sự thiếu hụt đó, TCT đã mở rộng thị trường ra các tỉnh phía bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất. Mặt khác, tập trung đầu tư về công nghệ, máy móc, giảm nhân công làm việc trực tiếp, tập trung vào đào tạo đội ngũ đạt chất lượng và năng suất cao... “Chúng tôi tập trung kết nối, mở rộng ra các thị trường mới của EU và nâng cao liên kết chuỗi sợi - dệt - nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định, phát triển. Tin vui là, TCT có thể tiến rất gần đến mức doanh thu 1.750 tỷ đồng như kế hoạch năm 2020 đã đề ra”, ông Miêng chia sẻ.

Rõ ràng, tập trung vào thị trường nội địa đang trở thành hướng đi giúp bù đắp doanh thu. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thị trường không nên chỉ là giải pháp trước mắt mà cần được nhìn nhận như một sự cân đối bền vững trong chiến lược phát triển của ngành DM. Chúng ta cần sẵn sàng cho việc tận dụng cơ hội xuất khẩu từ thực thi các FTA, cũng như việc bảo đảm khả năng cạnh tranh ngay chính sân nhà. 

Khi các cơ quan quản lý cùng với DN ứng phó, như cách mà Bộ Công thương thúc đẩy giao thương trực tuyến với các quốc gia nhằm khơi thông thị trường xuất, nhập khẩu... “nguy sẽ được biến thành cơ”. Giờ là lúc, DN cần đến sự đồng hành chặt chẽ hơn nữa để tạo dựng mối liên kết chuỗi khép kín giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với các DN sản xuất sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, đón đầu cơ hội mới từ thực thi các FTA... 

Theo dự báo, khi EVFTA đã có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU được dự báo sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với khi không có Hiệp định.