Để FTA thật sự cho trái ngọt

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa có nhiều cuộc làm việc với bộ, ngành, cơ quan và đại diện cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hoạt động giám sát đã chỉ ra rằng, những cơ hội từ FTA vẫn chưa được khai thác hiệu quả như kỳ vọng.

Dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Huy Hoàng
Dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Huy Hoàng

FTA đã mang lại những gì?
 
 Theo Bộ Công thương, trong vòng một năm qua, kể từ khi chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngoại trừ Ô-xtrây-li-a và Xin-ga-po giữ mức tương đương (do Việt Nam đã có quan hệ FTA trước đó), còn lại xuất khẩu sang các thị trường khác trong năm 2019 đều tăng mạnh. Trong sáu đối tác đã thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa tăng mạnh nhất (29,8%), sau đó là Mê-hi-cô (26,3%). Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc Hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD.
 
 Cùng kỳ, việc thực hiện các hiệp định thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Chủ tịch nước hoặc phê duyệt của Chính phủ cũng khá tích cực, với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD (năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD). Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD.
 
 Đáng lưu ý, FTA với những đối tác có nền sản xuất mang tính bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Chi-lê đem lại tác động tích cực hơn, cụ thể là Việt Nam ngày càng xuất siêu sang các thị trường này sau khi FTA có hiệu lực.
 
 Tuy nhiên, những cơ hội từ CPTPP vẫn chưa được khai thác hết. Về tổng thể, Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA, nhất là với các đối tác có nền sản xuất mang tính bổ sung thấp, thậm chí cạnh tranh với Việt Nam. Hiện mới có khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều đã “nghe nói” tới các FTA nhưng tỷ lệ các DN hiểu biết sâu về các FTA rất thấp. Trong khi cách thức hướng dẫn của các cơ quan nhà nước còn khó hiểu, phức tạp, thì rất nhiều DN cũng không có hành động chuẩn bị nào để tận dụng cơ hội hay dự phòng rủi ro từ việc thực thi các FTA. Theo khảo sát 8.600 DN tư nhân Việt Nam (trong khuôn khổ Điều tra PCI) do VCCI công bố hồi tháng 3-2019, tỷ lệ các DN có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP), cao nhất là với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng chỉ đạt 37%. Tỷ lệ các DN có hiểu biết sâu về các FTA rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) - chỉ 1%, cao nhất là với AEC cũng chỉ 3%.
 
 Điều tra của VCCI từ năm 2016 tiến hành với DN trong bốn ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) cho thấy, hai yếu tố lớn nhất cản trở DN hưởng lợi từ các FTA lần lượt là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng đáng nói hơn là ba năm sau khi tiến hành thăm dò tại một cuộc hội thảo về Hiệp định CPTPP với hơn 300 DN, kết quả vẫn không hề thay đổi!
 
 Mở cửa đón gió lành
 
 Rõ ràng không ai có thể làm thay DN trong việc tự nâng cao năng lực của mình, bao gồm cả năng lực nắm bắt thông tin và thích ứng với môi trường kinh tế mở. Đề cập đến Hiệp định EVFTA nói riêng và các FTA nói chung, TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nói: “Để các DN Việt có thể được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA thì sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn, thí dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp là về môi trường, an toàn thực phẩm và cả lao động nữa”. Chính vì thế, ông Thành cho rằng, chưa nên kỳ vọng EVFTA có thể tạo ra những biến chuyển gì đột phá trong năm nay, năm sau và thậm chí một vài năm sau nữa. Chỉ một số ít DN lớn, đã có hệ thống tiêu chuẩn tốt, đã quen xuất khẩu sang các đối tác “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu thì mới hưởng lợi.
 
 Vẫn theo TS Nguyễn Đức Thành, DN có thể phải chấp nhận “phân cấp”: DN nhỏ và vừa nên xây dựng quan hệ đối tác với các DN lớn, vốn lớn, có khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và đã quen với làm ăn quốc tế. Và “miếng bánh” sẽ được phân chia, ai cũng có phần tương xứng với đóng góp của mình.
 
 Về phía quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, với việc thực thi các FTA, xuất khẩu tăng rất nhanh, dẫn đến độ mở kinh tế quá lớn (tương đương 200% GDP). Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, một trong những nhà đàm phán chủ chốt của Việt Nam trong tiến trình ký kết các FTA cũng chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế và cho rằng điều này không đi ngược lại chủ trương hội nhập. “Cập nhật chiến lược FTA, lựa chọn đối tác đàm phán một cách thận trọng, có nguyên tắc và thúc đẩy tiêu dùng trong nước” - đó là những lưu ý mà vị Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.
 
 Còn theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một nhiệm vụ cần chú trọng trong thời gian tới là đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án Nhân dân Tối cao để ban hành các văn bản pháp luật thi hành các FTA, giúp các hiệp định này được đưa vào cuộc sống một cách êm thuận, bảo đảm hiệu quả và thực chất.
 
 Bên cạnh đó, Việt Nam phải tăng cường năng lực phát hiện, ngăn chặn những hành vi lợi dụng ưu đãi thuế quan mà các đối tác áp dụng đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam, gian lận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu. Với những FTA mà Việt Nam tham gia, hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.
 
 Hơn nữa, nếu hàng hóa giả xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu ồ ạt thì các nước nhập khẩu hàng sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp... khiến cho mức thuế tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến hàng Việt Nam đích thực. Đấy là nguy cơ nhãn tiền không thể không quan tâm xử lý.