Để bay cao với các FTA

Cùng với Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực trước đó, việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như việc Việt Nam và Vương quốc Anh mới ký biên bản kết thúc đàm phán FTA cho thấy Việt Nam là một trong những nước có chiến lược mở cửa kinh tế và thương mại quốc tế tham vọng nhất khu vực Đông - Nam Á. Điều này vừa tạo ra những nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước trong bối cảnh mới, vừa có những thách thức đòi hỏi quyết tâm chính trị đủ lớn để vượt qua.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh giới thiệu mặt hàng gạo thơm cho đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: THANH SANG
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh giới thiệu mặt hàng gạo thơm cho đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: THANH SANG

Thuận lợi và thách thức 

Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và cả FTA kiểu cũ như RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Nhưng bên cạnh các lợi ích trực tiếp đó, các lợi ích gián tiếp cũng không hề nhỏ.

Trước hết, FTA sẽ góp phần giúp Việt Nam định hình lại chuỗi cung ứng theo hướng hiệu quả hơn. Chuỗi cung ứng được xác lập bởi “phần cứng” là các doanh nghiệp (DN) - những chủ thể tham gia quá trình hoạch định chính sách và sản xuất - nhưng một “phần mềm” vô cùng quan trọng giúp kiến tạo chuỗi cung ứng chính là thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan thương mại hàng hóa và đầu tư. 

Mỗi FTA không chỉ là “cánh cổng” để các DN xuất khẩu tìm đến các thị trường dễ dàng hơn, mà còn là “bộ lọc” các nguồn cung đầu vào. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện đa dạng hóa nguồn cung sớm hơn nhiều so các nước Đông - Nam Á. Chúng ta có FTA với các nền kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu, có EVFTA - nơi mà quy định xuất xứ nguồn cung hạn chế rất nhiều việc phụ thuộc  nguồn cung Trung Quốc, và cả CPTPP  - nơi xuất xứ hàng hóa được thiết lập theo tiêu chuẩn Mỹ. Việc ký kết RCEP cũng khiến nguyên tắc cộng gộp xuất xứ được mở rộng thành 15 nước, điều có lợi hơn rất nhiều so các FTA khác (cả song phương và đa phương) mà Việt Nam đã ký.

Bên cạnh đó, các FTA 2.0 chú trọng các vấn đề vượt lên trên thuế quan, đặc biệt là vấn đề thể chế. Số chương thảo luận về thương mại và thuế quan bây giờ chỉ còn là một phần nhỏ trong tổng số chương của một FTA. Năm đặc điểm nổi bật của các FTA 2.0 so các FTA thế hệ trước bao gồm: có yêu cầu về xuất khẩu, xuất xứ khắt khe hơn; ít trợ giá cho khu vực nhà nước hơn để tạo điều kiện cho khu vực tư; độ minh bạch cao; quan tâm hơn phát triển bền vững; có chế tài chặt chẽ và xử lý mức độ cao đối với các vi phạm. Điều này sẽ tạo thêm động lực và cả áp lực để Việt Nam cải thiện chất lượng quản trị, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thế giới.

Nhưng, khi thực thi EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam sẽ cần ứng phó tốt hơn với Cơ chế phản hồi nhà đầu tư có hệ thống (SIRM) - một cơ chế cảnh báo sớm để xác định và quản lý các vướng mắc do rủi ro. 

Nắm bắt từng cơ hội

Thứ nhất, Việt Nam cần nâng cao tỷ lệ tận dụng FTA bằng cách nâng cao hiệu quả công tác cấp chứng chỉ xuất xứ hàng hóa (C/O) cho DN. Hiện nay, Bộ Công thương đã cho phép và có những hướng dẫn về cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ, nhiều FTA mới (chẳng hạn EVFTA) cũng cho phép cơ chế này. Vì vậy, các DN sản xuất và DN xuất khẩu cần chú trọng đến điều này để hưởng ưu đãi thuế quan.

Thứ hai, chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Việc ký FTA sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với DN trong nước nếu việc nâng cao tỷ lệ C/O cho DN không đi liền với chống gian lận xuất xứ hàng hóa dẫn đến việc các đối tác lớn (chẳng hạn như Mỹ và Liên hiệp châu Âu EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa “xuất xứ từ Việt Nam”. Tháng 7-2019, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, nhưng cường độ và tính hiệu quả cần được duy trì tốt hơn nữa.

Thứ ba, xóa bỏ các rào cản phi thuế quan ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc ký kết nhiều FTA có tính ràng buộc cao và có chế tài xử lý (FTA thế hệ 2.0) sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho việc ban hành các quy định quản lý hành chính tránh mâu thuẫn với các cam kết. Việt Nam đã tích cực rà soát những văn bản quy phạm pháp luật loại này và loại bỏ chúng. Chẳng hạn, Nghị định 17/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 5-2 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-3 chính thức loại bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô-tô nhập khẩu (VTA) đã được quy định trong Nghị định 116/2017 trước đó. 

Thứ tư, tham gia các sáng kiến về đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng phụ thuộc một nguồn duy nhất.

Thứ năm, Việt Nam cần có một chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số để có thể bắt kịp nền kinh tế mới, thích ứng với sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng.

Nhìn tổng thể, những thách thức hiện hữu đối với nền kinh tế Việt Nam (cả chính phủ và DN) là làm sao nâng cao tỷ lệ tận dụng FTA, để Việt Nam thật sự được lợi từ các đánh đổi chính sách, thích ứng với những thay đổi về pháp lý xuất hiện từ các cam kết trong FTA. Hiện nay, tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam ở mức khá thấp (bình quân 30 - 35%), điều này có nghĩa là dư địa để hàng xuất khẩu được hưởng thuế quan ưu đãi vẫn còn đầy tiềm năng.

Nhờ việc triển khai SIRM, Việt Nam đã thu thập được thông tin của 53 trường hợp khiếu nại, từ tháng 12-2018 đến tháng 12-2019. Sau khi lọc ra 12 khiếu nại không đủ thông tin về nhà đầu tư, 41 trường hợp đã được ghi lại trong công cụ theo dõi. Tổng số vốn đăng ký ban đầu của 53 dự án mà đội chuyên trách đầu thu thập được là 4,3 tỷ USD, trong đó khoảng 1,2 tỷ USD đã được thực hiện. Số lượng lao động trong 53 dự án này là 11.679 người. Từ phân tích kinh tế, 41 trường hợp này có rủi ro đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD và khiến hơn 4.000 lao động gặp rủi ro.

TS PHẠM SỸ THÀNH

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS),

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA)