Triển khai thu phí không dừng giai đoạn 2

Có tránh được “vết xe đổ”?

Ðược triển khai với không ít kỳ vọng, nỗ lực và tiền của, nhưng dự án ETC (thu phí không dừng) giai đoạn I (BOO1) vẫn phải lùi ngày về đích... Trong khi đó, dự án ETC giai đoạn II (BOO2), dù đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư từ tháng 3-2018, nhưng chỉ vừa mới được khởi động lại, sau hai năm. Tại sao như vậy? Liệu BOO2 có đi lại “vết xe đổ” của BOO1?

 Cần đồng bộ hình thức thu phí tự động đối với các trạm BOT trong cả nước.
Cần đồng bộ hình thức thu phí tự động đối với các trạm BOT trong cả nước.

Những khúc mắc “nho nhỏ”

Cần khẳng định rõ, ETC là xu thế tất yếu và đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, BOO1 vẫn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai. Trước hết, từ góc độ của người sử dụng phương tiện ô-tô, đối tượng để thu phí, dĩ nhiên là muốn có sự tiện lợi khi trả phí. Tuy nhiên, trên thực tế, những lợi ích mà Công ty TNHH thu phí tự động VETC nêu ra như tiết kiệm thời gian mua và soát vé, tiết kiệm nhiên liệu, tăng tuổi thọ xe… dường như chưa đủ hấp dẫn so với những khúc mắc “nho nhỏ” khác. Chẳng hạn như, với xe thường xuyên đi qua trạm thu phí (TTP) thì đây có thể là lợi ích thật, nhưng với xe cả năm chỉ qua có vài lần, thậm chí không lần nào thì việc dán thẻ “Tag” (thẻ định danh phương tiện) và nộp tiền vào tài khoản - điều kiện bắt buộc để trả phí không dừng - không đủ “hấp dẫn” và thậm chí là một sự lãng phí! Như vậy, nên chăng, chỉ nên tập trung tổ chức ETC cho một vài nhóm đối tượng thay vì hy vọng phủ kín 100% số xe như hiện nay!? Hơn nữa, VETC chỉ cấp mỗi xe một thẻ, đồng nghĩa sẽ luôn tự động khấu trừ vào tài khoản của chủ xe, không ai trên xe có thể trả thay.

Một khi triển khai BOO2, có thể phát sinh vướng mắc mới với người dùng xe, nhất là nhóm đối tượng hay đi qua TTP không dừng. Bởi khi đó, với mỗi xe, sẽ cần dán thêm “Tag” và để tiền trong hai tài khoản của BOO1 và BOO2. Việc phải để một số tiền “nằm chờ” trong cả hai tài khoản như vậy, xét từ góc độ đối tượng để thu phí là một sự lãng phí, kém hấp dẫn. Ðó là chưa kể, nếu cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng dùng hình thức này để thu phí vào nội đô, rồi các BOT trên các quốc lộ khác cũng dán thẻ trên xe, thì số thẻ và số tài khoản nạp tiền của mỗi xe chắc sẽ tăng lên.

Cần sự nhất quán

Ðể tháo gỡ vướng mắc nói trên, trước hết cần đến sự nhất quán để bảo đảm tính liên thông giữa hai hệ thống thu phí BOO1 và BOO2, theo đó thẻ (và tài khoản) của hệ thống này sẽ dùng được cho cả hệ thống kia. Chủ xe với thẻ “Tag” BOO1 vẫn trả phí không dừng một cách êm thuận khi qua TTP BOO2 và ngược lại. Về mặt công nghệ, điều này hoàn toàn khả thi. Vấn đề là, liệu cơ quan có thẩm quyền có đặt ra nhiệm vụ cần phải “liên thông” này hay không?

Hiện nay BOO1 đang dùng công nghệ thu phí RFID (công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và chắc RFID cũng sẽ được dùng cho BOO2. Ðây là công nghệ đã phát triển vào những năm 30 của thế kỷ trước, tuy có nhiều ưu điểm, nhưng hạn chế cũng không ít. Với đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới, việc thu phí sử dụng đường qua điện thoại thông minh có nhiều ưu thế như chỉ cần tạo ra một ứng dụng trên điện thoại, vậy là bất cứ người dùng nào cũng có thể sử dụng để trả phí được. Việt Nam có các doanh nghiệp (DN) có thể đảm đương được dịch vụ này, nhất là những đơn vị viễn thông như Viettel. Hiện Viettel có lợi thế gia tăng khi là một DN viễn thông được phép sử dụng tài khoản điện thoại làm phương tiện trung gian thanh toán.

Vấn đề dùng điện thoại để trả phí đã được nghiên cứu và đề xuất từ năm 2014 trong một đề tài cấp Bộ GTVT. Nên chăng, khi triển khai BOO2, có thể xem xét áp dụng phương thức trả phí này vào thực tế. Với các nhà phát triển công nghệ 4.0, đây là cơ hội vàng cho phát triển ứng dụng.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta xem xét vấn đề trên quan điểm của nhà đầu tư BOT. Nói một cách khái quát, họ đầu tư cho dự án BOT và thu phí để bù đắp chi phí và có lãi. Ngay từ đầu, trách nhiệm cũng như quyền lợi của họ là tổ chức thu phí. Trên thực tế họ đã thực hiện thu phí một dừng, nhưng khi đang vận hành, thực hiện thì phải chuyển sang ETC. Tuy vậy, các nhà đầu tư BOT không được tự thực hiện hay tự thuê đơn vị làm dịch vụ ETC. Vấn đề ở đây là việc xuất hiện một “gợn gợn” không nhỏ. Ðể đơn giản, chúng ta mô tả bằng mô hình ba mức như sau: Ở mức một, cao nhất, là cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, mức hai là DN BOT và mức ba - DN cung cấp dịch vụ ETC. Về nguyên tắc, cơ quan ở mức một kiểm tra, giám sát DN ở cấp hai, DN này phải là chủ thuê dịch vụ của DN mức ba. Nhưng thực tế lại khác, cơ quan ở mức một lại ký hợp đồng với DN mức ba rồi quay lại yêu cầu DN mức hai ký phụ lục để thuê DN ETC mà không được đấu thầu, xét thầu.

Ở đây, khó tìm được yếu tố thị trường và đây cũng là nguồn gốc tranh cãi bất tận về tỷ lệ nhà đầu tư BOT phải trả cho dịch vụ ETC. Nó cũng là nguyên do gây ra một loạt phản ứng của các DN BOT trong BOO1 và đang có nguy cơ lặp lại trong giai đoạn BOO2, nếu cách thức cũ vẫn lại được áp dụng? Thật ra “vướng mắc” này không phải không có cách giải quyết một cách căn bản. Ðó là để các DN BOT tự thực hiện ETC thông qua việc góp vốn với nhau và thành lập ra một DN ETC của mình. DN ETC này sẽ tự làm dịch vụ ETC hay thuê VETC hoặc là Liên danh như Viettel - Vietinf và vài DN nữa trong giai đoạn BOO2...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập DN dự án triển khai BOO2. Ðiều này được kỳ vọng giúp tháo gỡ những vướng mắc nói trên. Tuy vậy, để chủ trương, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, các bên liên quan cần xác định rõ và làm đúng vai trò của mình, bắt đầu từ công nghệ, tới các vấn đề thể chế, tài chính…