Xuất khẩu 2020

Bức tranh nhiều điểm sáng

Năm 2021 là năm đầu tiên Quốc hội không đặt ra chỉ tiêu pháp lệnh cho hoạt động xuất khẩu (XK) trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, XK cùng với vốn đầu tư toàn xã hội và tiêu dùng nội địa được nhận định vẫn là “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế, và là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội những năm sau này, khi thương mại toàn cầu chưa thể phục hồi do đại dịch Covid-19.

Bức tranh nhiều điểm sáng

Đòn bẩy

Thương mại quốc tế những năm gần đây không thật sự thuận lợi khi những xung đột quốc tế như xung đột thương mại Mỹ - Trung hay việc nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU)... đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) nước ta. Nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu thấp, các nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Tổng cầu giảm sút cũng kéo theo cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Giá XK nông sản không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK.

Đặc biệt, từ đầu năm nay, dịch Covid-19 đã làm nặng nề hơn và ảnh hưởng tiêu cực tình hình XNK hàng hóa nước ta. Tính riêng trong nửa đầu năm, đặc biệt là quý II năm nay, kim ngạch XNK giảm liên tục. 

Song, trong bối cảnh đó, hàng loạt các chính sách đã được đưa ra như cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thông quan hàng hóa đơn giản, nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự ráo riết của các cơ quan chức năng trong việc ký kết và nhanh chóng hiện thực hóa các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã giúp hàng hóa Việt Nam tìm được hướng đi trong khó khăn. 

Minh chứng cho nhận định này là số bộ C/O được cấp cho hàng hóa XK ngày càng tăng lên. Kim ngạch XK sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA 11 tháng năm 2020 chiếm 28,67% trong tổng kim ngạch XK sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Dự kiến đến hết năm 2020, tổng C/O ưu đãi sẽ cấp là khoảng 1,3 triệu bộ. 

Về phía các DN, nhiều DN đã lách qua “cánh cửa hẹp”, tìm cơ hội bằng những mặt hàng thiết yếu với chất lượng ngày càng tăng cao, hoặc các mặt hàng thời vụ trong giai đoạn khó khăn (tiêu biểu là khẩu trang), đã giúp “phá băng” thị trường XNK, đưa hoạt động này nhanh chóng sôi động trở lại.  

Đơn cử, gạo là một trong những mặt hàng đã tận dụng tương đối tốt chính sách EVFTA để gia tăng kim ngạch XK. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Để chinh phục thị trường EU ngay khi EVFTA có hiệu lực, Tập đoàn Lộc Trời đã có những chuẩn bị từ trước qua trao đổi trực tiếp với khách hàng châu Âu, nắm rõ từng yêu cầu của đối tác. Đến nay, Lộc Trời cũng là công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn canh tác bền vững (SRP) vào đầu năm 2020. Chính vì vậy, sản lượng XK gạo sang EU nói riêng và nhiều thị trường “khó tính” khác của Lộc Trời vẫn tăng đều. 

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Dù không ít người hoài nghi về hiệu quả của EVFTA khi mới được ký kết vì lo lắng DN XK chưa thật sự sẵn sàng. Song có thể khẳng định, EVFTA là một trong những FTA được DN nắm bắt rất nhanh chóng và mang lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động XK”. 

Trên những mốc son

Ngược trở lại năm 2011, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện “Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”, nước ta vẫn đang phải nhập siêu gần 10 tỷ USD hàng hóa. Nhiều năm trước đó, nhập siêu cũng luôn hiện hữu. Nền kinh tế vốn chưa đủ mạnh, dự trữ ngoại tệ vốn không cao, lại phải chi một khoản không nhỏ để nhập khẩu hàng hóa, đó là điều rất khó khăn cho duy trì ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô. 

Để có được con số xuất siêu ấn tượng trong bốn năm trở lại đây với mức thặng dư tăng đều qua các năm, năm nay là năm thứ năm Việt Nam duy trì được chiến lược đúng đắn về XNK, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh…  
 
Xuất siêu mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay thì việc tăng XK, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước. 

Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: 2020 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có XNK. Tuy nhiên, ước tính năm 2020, kim ngạch XK hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%. Xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để vững bước vào năm 2021, dù nền kinh tế gặp khó khăn rất lớn do đại dịch Covid-19.

* Tính đến trung tuần tháng 12, quy mô kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt hơn 515 tỷ USD, xấp xỉ con số 517,26 tỷ USD của cả năm 2019. Nửa đầu tháng 12, cả nước nhập siêu gần 1 tỷ USD, tuy nhiên, tính chung từ đầu năm Việt Nam vẫn đạt thặng dư kỷ lục với con số xuất siêu lên đến khoảng 19 tỷ USD.  

* Ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8-2020, nhiều DN đã tranh thủ được những ưu đãi từ hiệp định, thông qua việc thực hiện các hồ sơ chứng nhận xuất xứ theo mẫu EUR.1 - mẫu C/O để hưởng ưu đãi theo EVFTA. Tính đến cuối tháng 11-2020, các cơ quan, tổ chức ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 49.495 bộ C/O với kim ngạch gần 1,9 tỷ USD đi 27 nước EU. Các mặt hàng được cấp C/O ưu đãi chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử…