Phiêu du Thuận Thành

NDO - Theo triền đê con sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng” trong thơ Hoàng Cầm giữa làn mưa bụi Thuận Thành, từ chùa Bút Tháp, xuôi về Á Lữ đến lăng Kinh Dương Vương, xuống làng tranh Đông Hồ rồi vòng lại Dâu - “quê hương” của Tứ pháp - khép lại một vòng “vùng lõi” của du lịch văn hóa - tâm linh Thuận Thành là đã có thể phần nào thấm cái “hồn” muôn năm của Luy Lâu, của một phần di sản Kinh Bắc. 

Từ ngã ba Dâu vài cây số đến chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ), ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà nghiên cứu. Chùa Bút Tháp, còn gọi là Minh Phúc tự, được xây dựng vào khoảng đầu đời Trần. Đất lành chim đậu, giai thoại kể rằng có đàn nhạn đến đậu trước cửa chùa thành hình ngọn tháp, cho nên làng và chùa còn có tên là Nhạn Tháp. Sau này, cây tháp đá dựng bên chùa như một cột mốc cho người đi xa trông về, bởi vậy người dân thường gọi là chùa Bút Tháp. Trong chùa, pho tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt có từ thế kỷ 18 với đường nét khắc họa trau chuốt, mầu sơn thiếp trầm mặc dường như kết tinh một cách hoàn mỹ cảm xúc nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác. Pho tượng được coi là đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc tôn giáo trên gỗ của mỹ thuật Việt Nam trung đại và đã được xếp hạng là một trong những bảo vật quốc gia.

Kinh Dương Vương, theo truyền thuyết là người sinh ra Lạc Long Quân, được tín ngưỡng dân gian coi là thủy tổ của người Việt, nước Việt. Đền thờ và lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ (xã Đại Đồng Thành), ngay sát sông Đuống, điểm thu hút khách hành hương trong Lễ hội lăng Kinh Dương Vương vào ngày 18 tháng Giêng (âm lịch), cũng là ngày giỗ của ông. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc thờ phụng những bậc tổ phụ “sinh thành” Hùng Vương cũng không nằm ngoài “dòng chảy” truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong tương lai gần, khu Công viên văn hóa lịch sử lăng Kinh Dương Vương được quy hoạch xây dựng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu tâm linh, văn hóa không chỉ của người Thuận Thành, người Bắc Ninh mà cả của người dân cả nước.

Từ lăng Kinh Dương Vương đi tiếp theo triền đê sông Đuống là đến làng Hồ. Hà Nội xưa có phường tranh Hàng Trống, xứ Đoài có làng tranh Kim Hoàng, Huế có tranh làng Sình, Nam Bộ cũng có một số nơi in tranh... nhưng tranh Đông Hồ nổi tiếng nhất, quen thuộc và gần gũi hơn cả với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Khác với tranh “trắng” Hàng Trống, tranh “đỏ” Kim Hoàng (gọi theo mầu nền giấy in tranh để phân biệt), tranh Đông Hồ được in trên nền giấy điệp đặc sắc chỉ có ở làng Hồ. Đến nay, cả làng chỉ còn vài gia đình bền bỉ giữ nghề tranh. Nhưng điều đáng nói là tranh Đông Hồ hiện đang có sức hấp dẫn với khách du lịch. Những năm gần đây, làng Hồ là điểm đến ấn tượng của nhiều khách trong và ngoài nước. Việt Nam đang được bạn bè quốc tế biết đến nhờ sự có mặt của tranh Đông Hồ trên thị trường các nước Nhật Bản, Đức, Xin-ga-po, Nga, Mỹ...

Đến thăm chùa Dâu, du khách được nghe chuyện kể rằng: Ở vùng Luy Lâu xưa có cô gái tên là Man Nương đến chùa học đạo. Trụ trì chùa là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu-đà-la. Một hôm, nhà sư tình cờ bước qua người Man Nương lúc nàng đang ngủ, và nàng thụ thai một cách thần kỳ rồi sinh hạ một bé gái. Nhà sư Khâu-đà-la dùng phép đưa đứa bé vào cây dung thụ già. Trong thân cây, con của Man Nương hóa thành đá, tỏa hào quang. Dân thấy kỳ lạ, kính cẩn gọi là “Thạch Quang Phật”. Trước khi dời đi, nhà sư trao cho Man Nương một cây gậy có phép làm mưa và nàng đã nhiều lần cứu nạn hạn hán cho dân làng. Trong một đêm mưa giông sấm sét, cây dung thụ đổ, trôi về bến sông Dâu thì dừng lại nhưng không thể kéo được cây lên. Chỉ khi dùng dải yếm của Man Nương kéo vào thì cây mới “chịu” lên bờ. Làm theo như mộng báo, gỗ cây dung thụ được nhân dân tạc thành bốn pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và đưa vào thờ trong các chùa Dâu, Đậu, Dàn, Tướng. Man Nương được xưng tụng là Phật mẫu, được thờ ở chùa Tổ (Mãn Xá). Những năm hạn hán, các chùa thờ Tứ pháp được nhân dân làm lễ cầu mưa cho cả vùng. Người dân còn tin rằng, chỉ cần rước “chân nhang” Tứ pháp về thờ ở làng mình thì cũng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Câu chuyện cho thấy một cách lung linh sự dung hòa, tiếp biến văn hóa giữa Phật giáo (thờ Phật) và tín ngưỡng dân gian (thờ thần tự nhiên và thờ Mẫu. Các vị nhiên thần mây, mưa, sấm, sét được hóa thành Phật). Đó là Tứ pháp - Phật giáo dân gian Việt Nam. Tín ngưỡng Tứ pháp như một trong những chỗ dựa tâm linh của người Việt trải qua nhiều đời, tồn tại cả linh khí dân tộc chứa đựng sức mạnh truyền thống, phù giúp cho xã hội hiện tại và góp phần làm nên bản sắc riêng biệt của Phật giáo Việt Nam.

Khép lại một vòng, một ngày phiêu du quanh Thuận Thành giữa giao hòa cõi thực và cõi linh thiêng, giữa dấu tích di sản và hồn cốt văn hóa bao bọc, phảng phất, bạn sẽ còn chắc rằng: Sẽ trở lại đây thêm nhiều lần để thấm hơn cái “chất men” say đó...