Tạo cơ chế mở trong xây dựng đội ngũ giảng viên

Để xây dựng đội ngũ giảng viên cao về trình độ, mạnh về năng lực chuyên môn thì việc xây dựng cơ chế đãi ngộ, tuyển dụng, bổ nhiệm như thế nào là điều cần thiết. Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (dự thảo luật) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) lấy ý kiến để trình Quốc hội sắp tới đã điều chỉnh một số quy định về cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất trong xây dựng, nâng cao chất lượng giảng viên.
Giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội hướng dẫn nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội hướng dẫn nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Dự thảo luật có rất nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến các thiết chế, chức danh, tổ chức, nhân sự, quản trị trong trường đại học (ĐH). Việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) có thể hội nhập được trình độ của GDĐH quốc tế. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, giảng viên ĐH là người không chỉ chuyên tâm cho việc giảng dạy trong nhà trường như một người thầy mà còn phải là người nghiên cứu khoa học, là chuyên gia để chuyển giao ứng dụng giữa lý thuyết với thực hành, đồng thời cũng tiếp cận những thay đổi mới của thực tiễn để ứng dụng vào quá trình đào tạo. Việc thay đổi cơ chế, chính sách sẽ tạo ra những cơ hội để cho giảng viên không chỉ đơn thuần là những người truyền dạy lý thuyết mà trở thành những người thật sự đào tạo huấn luyện để các sinh viên, học viên đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra làm thế giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ với rất nhiều đòi hỏi, mà những đòi hỏi này đã vượt qua những kiến thức đã được đúc kết thành sách, thành giáo trình trước đó không lâu. Như vậy, giảng viên cần có vai trò, khả năng tiếp cận thực tiễn này thì mới kịp thời bổ sung, đưa những nội dung đó vào trong quá trình đào tạo.

Dự thảo luật lần này cũng quy định bổ sung thêm những quyền hạn và trách nhiệm của giảng viên. Thí dụ như giảng viên đại học bắt buộc phải có hoạt động thực tiễn, chứ không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên trong nhà trường như trước đây. Theo đó, giảng viên ĐH bắt buộc phải tham gia và có khả năng tham gia để xây dựng phát triển các chương trình đào tạo. Quy định này đòi hỏi đội ngũ giảng viên ĐH phải tiếp cận thực tiễn để nắm được những gì cuộc sống đang diễn ra, đang yêu cầu, qua đó có được những kiến thức thực tế tốt hơn để xây dựng chương trình đào tạo và giảng dạy. Đồng thời, quyền của giảng viên cũng được mở rộng hơn để tham gia vào nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Thí dụ trước đây giảng viên chỉ được ký hợp đồng để thỉnh giảng, để nghiên cứu khoa học với các cơ sở GD và ĐT thì bây giờ được quyền ký hợp đồng và nghiên cứu với tất cả các cơ quan khác ngoài xã hội.

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định điều kiện bắt buộc, tối thiểu giảng viên phải có trình độ thạc sĩ thay vì ĐH. Như vậy khi tuyển dụng, các cơ sở đào tạo ĐH cũng phải căn cứ vào tiêu chuẩn tối thiểu này chứ không chỉ tuyển dụng đại học, ưu tiên thạc sĩ như trước đây. Theo quy định mới, tuyển dụng tối thiểu phải là thạc sĩ, ưu tiên trình độ cao hơn, có thể là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Quy định này sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên ĐH trong nước đạt được trình độ giống như yêu cầu về đội ngũ của các nước trên thế giới. Khi đó, bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên thì việc nâng chuẩn giảng viên sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo ĐH của Việt Nam tiệm cận, hội nhập với GDĐH trên thế giới. Hiện nay, để xây dựng thương hiệu, các trường ĐH phải có khả năng liên thông chương trình đào tạo với các trường ĐH quốc tế. Muốn đào tạo các trình độ ngang với các trường trên thế giới, ngoài tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, tham gia các bảng xếp hạng ĐH của khu vực và thế giới thì trình độ đào tạo giảng viên cũng phải ngang bằng với họ. Như vậy, việc đưa chuẩn giảng viên ngang với quốc tế vào luật sẽ là một bước cần thiết trong lộ trình hội nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH.

Ngoài ra, việc tạo ra quyền tự quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng và chế độ đãi ngộ cho cán bộ giảng viên phù hợp với yêu cầu trên cơ sở những tiêu chuẩn tối thiểu luật đặt ra. Vì vậy, các trường hoàn toàn có quyền đưa ra những điều kiện cao hơn, bổ sung thêm những tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu phát triển của mình sẽ chọn được những giảng viên phù hợp với nhu cầu đào tạo của nhà trường mà không phải tuân theo quy định cứng như trước đây. Tuy nhiên, điều thách thức chính là đội ngũ giảng viên trong trường ĐH công lập là viên chức. Mọi quy trình tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, bổ nhiệm phải tuân theo Luật Viên chức với nhiều thủ tục và mất thời gian. Do vậy, Trường ĐH dù có muốn có ưu đãi những giảng viên có thành tích hoặc trình độ vượt trội cũng không được trả vượt quy định của luật. Mặt khác, các trường cũng không thể sa thải những người không đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực, trình độ vì họ ở trong biên chế, dẫn đến tự chủ nhưng không được tự quyết. Về lĩnh vực này, các trường ĐH ngoài công lập tự chủ và linh hoạt hơn do chỉ phải tuân theo Luật Lao động cho nên khả năng thu hút nhân tài, nhất là những người trẻ từ nước ngoài về lợi thế hơn hẳn trường công lập. Để gỡ nút thắt này, không chỉ có những đổi mới trong Luật GDĐH mà cũng cần có những điều chỉnh bất cập trong Luật Viên chức hoặc nên có cơ chế đặc thù cho các trường tự chủ để họ không rơi vào tình trạng “tự chủ mà không thể tự quyết”.

Có thể nói, trong phát triển GDĐH, việc tạo cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi ngay trong những quy định của luật cần bảo đảm tháo gỡ các nút thắt để tạo cơ chế, chính sách thật sự phù hợp với yêu cầu phát triển GDĐH trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

PGS, TS Hoàng Văn Cường

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân