Từ nhà trường... đến xã hội

Gắn trách nhiệm từ cơ sở

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Cần đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, nhất là phân cấp quản lý cụ thể ra sao để giảm bạo hành trẻ, tránh tình trạng khi xảy ra các vụ việc thì lúng túng trong xử lý trách nhiệm.

Ý kiến của người đứng đầu ngành giáo dục nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Bởi hiện nay, cả nước có 15.256 cơ sở giáo dục mầm non với 195.762 nhóm lớp ở khắp các xã, phường. Tại một số cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở các nhóm lớp độc lập tư thục vẫn còn hiện tượng mất an toàn với trẻ. Cá biệt có cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng xử chưa chuẩn mực, thậm chí có hiện tượng bạo hành, ảnh hưởng thể chất, tinh thần trẻ, gây bức xúc trong xã hội. Khi sự việc xảy ra, những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực tiếp liên quan đến bạo hành trẻ bị xử lý nhưng trách nhiệm trong công tác quản lý các cơ sở mầm non lại không rõ ràng. Thậm chí nhiều cơ sở mầm non hoạt động chui trong thời gian dài, không bảo đảm các điều kiện giáo dục nhưng vẫn không bị phát hiện. Chỉ đến khi các vụ việc bạo hành trẻ bị phanh phui, các cơ quan quản lý mới loay hoay xử lý.

Vì vậy, để giáo dục mầm non phát triển, không còn tình trạng bạo hành trẻ, cần phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Ngoài quản lý chung của ngành giáo dục các cấp, cần gắn trách nhiệm của cơ sở chính quyền, đoàn thể địa phương cấp xã, phường. Bởi với hàng trăm nghìn nhóm lớp mầm non, trong đó có nhiều nhóm lớp len lỏi trong các khu dân cư thì việc giám sát, phát hiện hạn chế, sai phạm của chính quyền đoàn thể cấp cơ sở là hiệu quả nhất. Từ đó, có giải pháp ngăn ngừa kịp thời các sai phạm có thể dẫn đến việc bạo hành, bảo đảm an toàn, giúp trẻ yên tâm đến trường, lớp.