Đề thi tăng độ khó nhưng cần điều chỉnh

Năm 2018, nội dung đề thi THPT quốc gia không chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12 THPT như năm trước mà mở rộng thêm 20% nội dung kiến thức của lớp 11. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, đề thi bảo đảm phân hóa được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp (ĐH, CĐ, TC) nhưng vẫn cần có những điều chỉnh phù hợp.

Các thí sinh trao đổi bài thi môn Sinh học (môn cuối trong bài thi tổ hợp KHTN) tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: THỦY MAI
Các thí sinh trao đổi bài thi môn Sinh học (môn cuối trong bài thi tổ hợp KHTN) tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: THỦY MAI

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có năm bài thi gồm ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), đề phù hợp hình thức thi đã công bố, theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hóa kết quả thi, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, là căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, giúp thí sinh có thể sáng tạo khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, TC.

Thầy giáo Lê Văn Cường, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: Đề thi môn Toán có độ khó tăng so với năm 2017, phân bố nội dung kiến thức giữa hình học, đại số; kiến thức lớp 11 và 12 hợp lý. Mức độ nhận biết nằm trong khoảng 10 câu đầu; còn lại là mức độ thông hiểu và vận dụng, trong đó có 10 câu là vận dụng cao. Để làm được các câu vận dụng cao, thí sinh phải nắm kiến thức rất vững, kỹ năng vận dụng tốt, hiểu bản chất. Một số câu hỏi có kiến thức liên môn Toán - Vật lý và câu hỏi mang tính thực tiễn về lãi suất ngân hàng, Toán tối ưu… Đáng chú ý, trong đề thi các môn cũng bắt đầu xuất hiện các câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để phù hợp hơn với chương trình sách giáo khoa mới trong thời gian tới. Theo đánh giá của cô giáo Ngô Thị Thục Trang, giáo viên môn Hóa học, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng), đề thi thành phần môn Hóa học trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên khó hơn đề thi năm 2017, phân hóa được học sinh trung bình và học sinh khá, học sinh khá và học sinh giỏi: “Khi đề thi có độ phân hóa cao, các mã đề thi khác nhau có sự đồng đều về mức độ kiến thức, sẽ làm tăng độ chính xác của việc xét tốt nghiệp THPT, nhất là xét tuyển vào ĐH, CĐ”. Trong khi đó, thầy Nguyễn Minh Trí, Trường THPT Lê Hoàng Chiếu (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho rằng, đề thi môn Vật lý có 40 câu, trong đó chương trình lớp 11 có bảy câu, còn lại là thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 có trọng tâm, ở cấp độ nhận biết. Các câu hỏi ở chương trình lớp 12 chủ yếu rơi vào các chương: Sóng ánh sáng, sóng cơ, dao động cơ, điện xoay chiều... Học sinh trung bình, học bài kỹ có thể làm được khoảng 25 câu đầu. Một số câu hỏi không nặng về tính toán, học sinh nắm vững kiến thức về Vật lý sẽ làm được bài. 15 câu hỏi còn lại mức độ khó tăng dần đòi hỏi học sinh khá, giỏi phải tư duy mới có thể làm được.

Tuy nhiên, đề thi năm nay cũng để lại những băn khoăn về chất lượng, cách thức ra đề. Ngữ văn là môn duy nhất của kỳ thi THPT quốc gia thi theo hình thức tự luận. GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá: Đề thi Ngữ văn quá khó, vượt sức đối với học sinh vừa học xong lớp 12. Đề thi không có tính thực tiễn, nặng về trí nhớ chứ không phải về tư duy năng lực. Mặt khác, trong yêu cầu của đề thi, không phải cứ học sinh nào nói được sứ mệnh của đất nước đã là công dân tốt và ngược lại. “Đề dễ gây hiểu nhầm cho giáo viên và học sinh, phần lớn các đoạn văn được cho đều thuộc phong cách báo chí hoặc văn bản chính luận” - GS, TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm. Thầy giáo Đặng Danh Hướng, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) nhận định: Kỹ thuật ra đề thi môn Lịch sử trong bài thi tổ hợp không xuất hiện dạng bài mới lạ, vẫn thiết kế cơ bản dưới dạng tìm lựa chọn đúng, không đúng. Để làm phong phú cách thiết kế đề thi, nên bổ sung câu hỏi đọc hiểu các tư liệu dưới dạng văn bản (tư liệu gốc), bảng biểu, số liệu thống kê; câu hỏi so sánh, khớp nối, tìm vị trí... từ đó phân tích, tổng hợp, bao quát và đánh giá vấn đề để chọn lấy câu trả lời thích hợp nhất trong các phương án được đưa ra.

Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông, với hình thức thi tổ hợp, có sự phân hóa cao với một số câu hỏi lạ hơn, khó hơn so với đề thi các năm trước, thì thời gian làm bài 50 phút cho 40 câu là không phù hợp, khó khăn để học sinh có đủ thời gian hoàn thiện được đủ bài thi. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần nghiên cứu lại thời gian hoặc nội dung câu hỏi cho phù hợp mục tiêu của kỳ thi.