Băn khoăn sau sắp xếp lại trường, lớp học ở Yên Bái

Điều đáng ghi nhận tại Yên Bái sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông là đã cơ bản chấm dứt tình trạng nhiều trường học trên cùng một địa bàn có quy mô nhỏ, gây lãng phí về bộ máy quản lý cũng như cơ sở vật chất. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án trên còn nhiều bất cập.

Giờ tập tô mầu tại Trường mầm non xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái).
Giờ tập tô mầu tại Trường mầm non xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, bên cạnh kết quả đạt được, do cách làm có phần nóng vội, một số địa phương vì thành tích cho nên triển khai đề án chưa thấu tình đạt lý, dẫn đến thắc mắc, khiếu nại về chế độ của cán bộ, giáo viên, nhất là những người nằm trong diện miễn nhiệm, điều chuyển từ giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học mầm non.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại huyện Lục Yên, số giáo viên mầm non hiện còn thiếu so với yêu cầu, trong khi đó, ở bậc tiểu học lại xảy ra tình trạng dư thừa giáo viên cho nên huyện cử 45 giáo viên tiểu học đi đào tạo giáo viên mầm non. Trong số 45 giáo viên đã qua đào tạo lại, có 19 giáo viên được biệt phái dạy bậc học mầm non. Chủ tịch UBND huyện Lục Yên Bùi Văn Thịnh cho biết: Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học là chủ trương lớn của tỉnh cho nên để đạt được hiệu quả trong quá trình thực hiện cần sự đồng thuận, chia sẻ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người dân. Với giáo viên có nguyện vọng được dạy bậc học mầm non, huyện sẽ xem xét, giải quyết bố trí công tác tại các trường mầm non. Đối với giáo viên có nguyện vọng tiếp tục công tác tại bậc tiểu học, huyện sẽ sắp xếp, cân đối lại đội ngũ giữa các đơn vị trường học, bố trí giảng dạy tại cấp tiểu học theo chuyên môn đào tạo và kiêm nhiệm một số nhiệm vụ khác để bảo đảm định mức lao động. Về việc biệt phái, điều động giáo viên, huyện đã và đang điều chỉnh một số nội dung của việc điều động giáo viên tiểu học dạy bậc học mầm non, trong đó không điều động giáo viên có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi...

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều băn khoăn trong đội ngũ giáo viên. Tại Trường mầm non Bình Minh, xã Động Quan (Lục Yên) hiện còn thiếu ba giáo viên theo quy định. Qua rà soát, huyện tăng cường hai giáo viên tiểu học xuống dạy mầm non. Cô giáo Lê Thị Hải Sơn trước dạy tại Trường tiểu học An Lạc, dù không có kỹ năng phù hợp nhưng phải chuyển đi dạy tại trường mầm non cách nhà 30 km cho biết: Theo quyết định điều động, tôi tăng cường dạy Trường mầm non Bình Minh đến tháng 5-2018, vẫn được hưởng lương như dạy bậc tiểu học. Tuy nhiên khi tôi hết thời gian điều động dạy mầm non thì sẽ về đâu, hưởng lương thế nào? Bởi theo quy định, làm nhiệm vụ gì thì hưởng theo mức đó, cho nên cơ quan chức năng cần làm rõ điều này.

Trong khi đó, huyện Mù Cang Chải (một trong bốn huyện thí điểm sắp xếp quy mô trường, lớp học) số giáo viên dôi dư cấp tiểu học có 50 người dạy bậc học mầm non, 15 người kiêm nhiệm quản sinh và dạy xóa mù chữ. Tuy nhiên, do chưa có chủ trương tuyển dụng, một số trường mầm non vẫn thiếu giáo viên nghiêm trọng, không bảo đảm chất lượng dạy và quản lý các cháu nhỏ. Tại xã Lao Chải, nơi trải qua trận lũ quét hồi tháng 8-2017, làm Trường mầm non Tà Ghênh cùng 14 ngôi nhà trôi theo dòng nước dữ; Hiệu trưởng Trường mầm non Tà Ghênh Hà Thị Nhàn dẫn chứng: Trường có 23 lớp với 730 học sinh, hiện còn thiếu 14 giáo viên theo. Vì vậy, việc bố trí mỗi cô một lớp học là trái quy định nhưng không còn cách nào khác.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Đoàn Thị Hà thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên mầm non, trong đó số giáo viên nghỉ chế độ thai sản, về hưu chưa kịp bổ sung chiếm 13% (khoảng 600 người). Mặc dù tỉnh Yên Bái thực hiện phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi, nhưng không tăng biên chế, nguy cơ mất an toàn tại các lớp mầm non là hiện hữu, cần có một giải pháp cấp bách về việc này. Hiện tại, UBND tỉnh Yên Bái giao kinh phí theo biên chế hiện có, không giao theo quy mô như trước, đồng thời siết chặt việc dạy hợp đồng, cho nên ngành giáo dục đang thiếu gần 250 giáo viên mầm non, dẫn đến tình trạng mỗi cô một lớp, rất vất vả.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, tỉnh Yên Bái đã đưa ra việc không sáp nhập 120 điểm trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn, có khoảng cách so với điểm trường chính từ bốn ki-lô-mét trở lên, hoặc từ 3 đến 4 km nhưng giao thông khó khăn; các trường tiểu học có quy mô ổn định, cơ sở được xây dựng từ bán kiên cố trở lên. Xác định, làm rõ số lượng biên chế giáo viên thừa, thiếu theo cơ cấu từng cơ sở giáo dục, để điều chuyển nội bộ từ nơi thừa đến nơi thiếu trong cùng một địa bàn cấp huyện. Sau khi cân đối, điều chuyển nội bộ, căn cứ theo nhu cầu thực tế, địa phương sẽ xây dựng phương án và thực hiện quy trình tuyển dụng bổ sung biên chế còn thiếu theo quy định.