Hoạt động nghệ thuật TP Hồ Chí Minh

Rục rịch khởi động

Các chương trình sự kiện, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu rục rịch sáng đèn trở lại. Không ít đơn vị nghệ thuật nhà nước hay xã hội hóa đều đã lên lịch biểu diễn bằng những vở, chương trình được dàn dựng mới, hứa hẹn mang đến khán giả nhiều điều thú vị.

Cảnh trong vở rối Công chúa tóc mây.
Cảnh trong vở rối Công chúa tóc mây.

Nhiều vở diễn và thử nghiệm

Vào ngày 20-9 tới đây, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho công diễn vở Bàn tay của trời (tác giả Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như). Vở diễn từng được chính đạo diễn Ái Như dàn dựng tại sân khấu Kịch 5B hơn 10 năm trước đã gây ấn tượng cho khán giả. Năm 2011, đạo diễn Ái Như cũng đã dựng lại vở này trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Sau gần 10 năm, Bàn tay của trời hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến nhiều thú vị khi một số nhân vật được bổ sung chất liệu, cùng dàn diễn viên mới đầy sức trẻ của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Trong khi đó, sân khấu kịch Hồng Vân cũng vừa dựng lại vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu, đạo diễn NSND Việt Anh). Ðây là vở tốt nghiệp của lực lượng diễn viên trẻ do sân khấu kịch Hồng Vân đào tạo, qua đó cho thấy bà bầu Hồng Vân đang mạnh dạn tạo điều kiện cho thế hệ diễn viên mới có cơ hội rèn luyện, thể hiện khả năng của mình.

Ðối với sân khấu truyền thống, sau hơn một tháng ngừng hoạt động vì dịch Covid-19, Nhà hát (NH) Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh cũng vừa ra mắt vở mới Vương Thúy Kiều (Yêng hùng và Mỹ nhân, tác giả NSƯT Hữu Danh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Vở được phóng tác theo Truyện Kiều của Nguyễn Du và bổn tuồng Kim Vân Kiều của Ngụy Khắc Ðảng. Theo anh Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc NH Nghệ thuật Hát bội thành phố, đề tài Thúy Kiều không mới ở các loại hình nghệ thuật sân khấu khác như kịch, cải lương, nhưng với hát bội thì đây là sự thử nghiệm nhằm hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Riêng tại NH Nghệ thuật Phương Nam, trong tối 12-9, nhà hát đã cho công diễn vở kịch rối Công chúa tóc mây (tác giả Bạch Quốc Khanh, đạo diễn Hoàng Duẩn). Ðây là vở kịch rối mới nhất của nhà hát dành cho thiếu nhi và sẽ biểu diễn phục vụ cho các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu năm nay. Ðạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: "Ðây không chỉ là một câu chuyện cổ tích đơn thuần, mà qua vở diễn, chúng tôi muốn gởi đến các em nhỏ thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta và thông điệp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đưa vào vở nhiều loại hình rối để tạo thêm sức hấp dẫn cho vở diễn".

Tìm hướng đi mới trong điều kiện "bình thường mới"

Có thể thấy, qua hai đợt dịch Covid-19, cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động văn hóa - nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng khá nặng nề, nhất là những đơn vị chủ yếu biểu diễn phục vụ khách du lịch quốc tế. Thực tế đó đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cần có sự thay đổi, tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện "sống chung với dịch bệnh". Ông Nguyễn Phi Sơn, Phó Giám đốc NH Nghệ thuật Phương Nam cho biết, trước khi dịch bệnh xảy ra, hoạt động múa rối của nhà hát chủ yếu phục vụ cho khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, khi nước ta chưa mở cửa cho du khách quốc tế vào thì hoạt động múa rối gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, thời gian tới, nhà hát lên kế hoạch tập trung biểu diễn phục vụ cho khách trong nước, trong đó liên kết với các đơn vị lữ hành để có thêm nhiều lịch diễn phục vụ khán giả. Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, TP Hồ Chí Minh có gần ba triệu thiếu nhi, đây là đối tượng để nhà hát cần hướng đến trong thời gian tới.

Cũng tìm hướng đi mới, NH nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh đã liên kết với Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh để có những suất biểu diễn phục vụ khách du lịch trước Ðền thờ Hùng Vương (nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên). Chương trình ngoài những trích đoạn các vở hát bội kinh điển, khán giả còn được giao lưu với các diễn viên của Nhà hát để hiểu, trải nghiệm thêm về môn nghệ thuật Hát bội. Sau thời gian nghỉ dịch, hoạt động đưa nghệ thuật Hát bội đến gần với khán giả sẽ trở lại vào cuối tháng chín này.

Bên cạnh sự chủ động đổi mới hướng đi để tìm khán giả, các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố cũng cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để có thể ổn định hoạt động trong thời gian đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã phê duyệt hỗ trợ bốn công nhân hậu đài có hoàn cảnh khó khăn nhất với khoản tiền một triệu đồng/người.

Nhà hát cũng trích quỹ hoạt động hỗ trợ anh chị em có hoàn cảnh khó khăn từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng/người. Trong khi đó, Ban Ái hữu nghệ sĩ (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh) cũng đã tặng quà (tiền mặt và gạo) để hỗ trợ công nhân sân khấu, hậu đài, chuyên viên âm thanh, ánh sáng kỹ thuật, lực lượng soát vé, bảo vệ của bốn đơn vị nghệ thuật công lập và 10 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Những món quà tuy giá trị vật chất không cao nhưng đủ làm ấm lòng những người làm nghệ thuật, giúp anh em nghệ sĩ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với sân khấu.

Tuy nhiên, để các đơn vị nghệ thuật "sống chung", "sống được" với dịch bệnh Covid-19, TP Hồ Chí Minh cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, mang tính ổn định lâu dài, để sân khấu vẫn đủ sức sáng đèn, nhất là đối với các sân khấu xã hội hóa.

Bài và ảnh: Bảo Linh