Những sắc mầu trở lại

Quê hương là chủ đề triển lãm tranh của họa sĩ Trần Văn Bình (1955-2016) sẽ diễn ra từ ngày 16 đến hết 21-12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Những sắc mầu trở lại

Quê ở Quảng Ngãi, Trần Văn Bình được sinh ra ngay trên chuyến tàu biển tập kết cuối cùng ra bắc năm 1955. Ông tốt nghiệp hệ trung cấp Khoa Mỹ thuật truyền thống - ngành Sơn mài, Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, nay là Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, năm 1976, và theo học hệ đại học, khoa Mỹ thuật truyền thống - ngành Sơn mài, khóa 1983 - 1988 của trường. Làm báo, vẽ tranh cổ động và thiết kế đồ họa ứng dụng, ông vừa sáng tác với chất liệu yêu thích của mình là sơn mài. Ðánh giá về sáng tác của họa sĩ Trần Văn Bình những năm cuối đời, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng viết: “Từ những năm 2000, Trần Văn Bình chú ý nhiều hơn đến sáng tác sơn mài đen trắng - tức là tranh thuần vỏ trứng và sơn then. Ông giảm dần mầu sắc trong tranh, nhưng tăng cường tính phức hợp của nhịp điệu, những hình thể nhân gian đi lại, múa may, uốn lượn, đôi khi đượm một sắc thái buồn. Hàng loạt tranh lớn nhỏ ra đời vắt kiệt sức của ông, nhưng không bộc lộ chút nào yếu đuối than vãn. Ðây là thành công sâu sắc nhất của ông trong cuộc đời sáng tác”.

Tuần Phim Nga do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Ðại sứ quán Nga tại Việt Nam phối hợp tổ chức đang diễn ra từ ngày 9 đến 13-12 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội). Chương trình giới thiệu với công chúng năm bộ phim đặc sắc của nền điện ảnh Nga: Ðường tới Berlin, Cọp trắng, Tinh cầu, Ðến mà xem và Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc.

Dòng tranh dân gian Hàng Trống - cuốn sách vừa ra mắt công chúng sau hơn hai năm chuẩn bị, là công trình nghiên cứu của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Tác phẩm góp phần tạo nên một cái nhìn rộng hơn về những dòng tranh dân gian đã từng xuất hiện vàng son trong quá khứ. Tranh dân gian Hàng Trống từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của người kinh kỳ - Kẻ Chợ. Ðây là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, đa dạng đề tài: tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… được lưu truyền trong nhiều tầng lớp xã hội cho đến ngày nay.