Cách nhìn mới để hóa giải mâu thuẫn

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề nan giải, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế đang được chú trọng, tác động mạnh mẽ đến sự tồn vong của nhiều di sản. Tiếp cận di sản theo một cách nhìn mới sẽ giúp hóa giải phần nào mâu thuẫn này, tạo nền tảng bền vững hơn cho phát triển.

Vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xâm phạm.
Vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xâm phạm.

Nhận thức để tháo gỡ xung đột

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) quốc gia Việt Nam, việc quá coi trọng phát triển kinh tế, khai thác nguồn tài nguyên quá mức, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến nhu cầu bảo tồn giá trị di sản văn hóa có thể tạo ra những khủng hoảng, cản trở sự phát triển bền vững. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn, giữ lại những yếu tố cũ, khước từ mọi yếu tố mới lại dẫn tới lạc hậu. Xử lý hài hòa mối quan hệ này có ý nghĩa rất quan trọng.

TS Lê Thị Minh Lý (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cũng cho rằng, trên thực tế, nhiều địa phương thậm chí không biết trách nhiệm của mình sau khi di sản được vinh danh như thế nào. Theo TS Lê Thị Minh Lý, một nền kinh tế toàn diện từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể là trong điều kiện cụ thể một số loại hình di sản sẽ được phát triển, tạo thu nhập và sinh kế bền vững, có công ăn việc làm hiệu quả cho người dân; có phát triển du lịch, tác động tới di sản mà vẫn bảo đảm việc bảo vệ di sản. "Di sản văn hóa là một tài sản phong phú cho các cá nhân và xã hội. Việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là một yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển bền vững, vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau", TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Lưu ý không phải ở đâu và không phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, GS, TSKH Lưu Trần Tiêu (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) nhận định, không phải chỉ ở nước nghèo, mà ngay cả ở nước phát triển thì sự "xung đột" đó vẫn thường xảy ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. Về mặt nhận thức, ai cũng nghĩ rằng bảo tồn và phát triển là một thể thống nhất, vì di sản văn hóa là một nguồn "tài nguyên" lớn cho phát triển; là biểu tượng dễ nhận biết nhất về bản sắc và tính đa dạng văn hóa của một dân tộc; là loại "sản phẩm" có giá trị cao thu hút khách du lịch - ngành "công nghiệp không khói" của đất nước. Nếu nhận thức được như vậy thì có thể tháo gỡ được sự "xung đột". "Tuy nhiên, hoạt động du lịch nếu không được kiểm soát cũng đem lại những tác động tiêu cực đến di sản. Bởi vậy, phải có kế hoạch phát triển du lịch bền vững, quản lý và điều phối khách tham quan hợp lý, vừa tạo điều kiện cho khách tìm hiểu giá trị của di sản, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực đối với di sản...", GS Lưu Trần Tiêu lưu ý.

Lời giải nào hợp lý?

Nêu lên những khuynh hướng ứng xử bất cập trong quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, GS, TS Từ Thị Loan cho rằng, bảo tồn tốt không có nghĩa là khư khư giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy giá trị. Nhiều địa phương sở hữu những di sản quý nhưng lại không khai thác được giá trị di sản, để "di sản bị đóng băng". Trái ngược, có không ít trường hợp đặt nặng mục tiêu lợi nhuận làm "tổn thương" di sản, chỉ cốt doanh thu càng nhiều càng tốt. Vì vậy, "cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát huy. Những thí dụ thất bại về giải quyết mối quan hệ này trong đa số trường hợp đều là do quá coi trọng về khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn; hoặc ngược lại, cũng không nên chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản", GS, TS Từ Thị Loan nêu quan điểm.

Nhiều năm gần đây, vấn đề phát triển bền vững nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Phát triển bền vững là sự gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; sử dụng tài nguyên hiện có của xã hội, trong đó có di sản văn hóa một cách hợp lý, hiệu quả và có trách nhiệm. Thống nhất góc nhìn đó, nhiều chuyên gia văn hóa và di sản cho rằng, để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, điều cần làm là hãy quan tâm đến các chủ thể đang nắm giữ các bí quyết, kỹ năng, những gì gọi là giá trị cốt lõi giúp các nghệ nhân tạo ra thương hiệu và tiếp tục trao truyền. Chất lượng và thương hiệu là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế toàn diện.

Di sản văn hóa phải được tiếp cận theo một tinh thần hoàn toàn mới: không chỉ bảo tồn một cách bất biến các giá trị mà phải thiết lập các hình thức quản lý hoạt động bảo tồn để các giá trị nhân văn trong di sản trở thành "một bộ phận hiện đại" của xã hội mới, phù hợp yêu cầu phát triển bền vững.