Đẩy nhanh tiến độ dự án Khu dân cư Nam An Hòa (Kiên Giang)

Dự án Khu dân cư Nam An Hòa, tọa lạc tại phường An Hòa, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), do Công ty cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (Tập đoàn CIC) đầu tư xây dựng. Đây là dự án nhằm chỉnh trang đô thị, phù hợp với quy hoạch mở rộng TP Rạch Giá về hướng nam. Hiện nay, dự án đang vướng vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, cho nên chủ đầu tư không thể triển khai thực hiện.

Đường Trần Văn Giàu, trục chính của dự án Khu dân cư Nam An Hòa.
Đường Trần Văn Giàu, trục chính của dự án Khu dân cư Nam An Hòa.

Là một đô thị sầm uất và hiện đại bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong lòng TP Rạch Giá vẫn còn một số khu vực bị chia cắt, không kết nối được kỹ thuật hạ tầng đô thị. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Hôn, Rạch Giá xưa chỉ có chiều dài, bó hẹp chiều ngang. Đường Lâm Quang Ky, Nguyễn Trung Trực, Ngô Quyền là ba tuyến chính theo chiều dọc, trong đó tuyến đường Lâm Quang Ky và Ngô Quyền ngầm phân ranh chiều ngang cho thành phố. Theo tiến trình phát triển, TP Rạch Giá ngày càng mở rộng ra bốn phía, bên cạnh những khu dân cư được quy hoạch bài bản, thì có không ít khu dân cư tự phát, cho nên giữa các khu dân cư bị chia cách nhau. Để từng bước khắc phục sự cách trở, đồng thời mở rộng, chỉnh trang đô thị, năm 2015, HĐND tỉnh Kiên Giang phê duyệt danh mục dự án, thu hồi đất, giao cho Tập đoàn CIC làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Nam An Hòa.

Đây là dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Mục tiêu của dự án không chỉ lấp chỗ trống và kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị, mà còn tạo diện mạo mới để chỉnh trang thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo quy hoạch được duyệt, Khu dân cư Nam An Hòa có diện tích hơn 39 ha, được kết nối với các tuyến đường chung quanh như Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Giàu, Lê Hồng Phong, Phan Thị Ràng, Lâm Quang Ky. Trong đó, đoạn đường xuyên tâm Trần Văn Giàu có chiều rộng hơn 27 m, vỉa hè rộng hơn 5 m và kết nối với đường Lê Hồng Phong, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Cừ... Các loại cáp truyền dẫn trên những tuyến đường này đều được ngầm hóa.

Giai đoạn một của dự án có diện tích 14,5 ha, khả năng bố trí 288 nhà mặt phố thương mại liền kề, 36 căn biệt thự vườn. Trong đó dành 4,3 ha đất với 300 nền tái định cư và nhà ở xã hội phục vụ cho các dự án khác bị giải tỏa ở địa phương. Dự án cũng tạo ra 51% diện tích đất công cộng như nhà trẻ, công viên, đường sá và các công trình công ích khác. Hầu hết diện tích đất trong khu vực dự án đều là đất nông nghiệp, hoặc ao hồ, kênh mương, không có lối vào và nằm tách biệt với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Tập đoàn CIC triển khai giai đoạn 1 của dự án với diện tích 14,5 ha, tổng vốn đầu tư là 846 tỷ đồng. Đến nay, đã có hơn 80% diện tích đất được chính quyền địa phương thu hồi, đền bù giải tỏa, với kinh phí khoảng 130 tỷ đồng. Số diện tích đất đã thu hồi, chính quyền bàn giao cho tập đoàn. Còn khoảng 20% diện tích, UBND thành phố đang tiến hành đối thoại với 30 hộ dân, dự kiến sẽ đền bù giải tỏa dứt điểm trong năm 2019.

Mặc dù chỉ vướng đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 20% diện tích, nhưng phần diện tích chưa giải tỏa được này ảnh hưởng tiến độ của dự án, mục tiêu lớn là chỉnh trang đô thị chưa thực hiện được. Theo đơn khiếu nại của một số người dân trong khu vực bị giải tỏa, giá đền bù và hỗ trợ thấp hơn so với giá thị trường, cho nên các hộ dân không thống nhất giao mặt bằng. Được biết, biểu giá đền bù cho dự án này hiện nay là 1,4 triệu đồng/m2 (đất nông nghiệp), và được tái định cư tại dự án. Tuy nhiên, người dân cho rằng mức giá trên chỉ bằng 10% giá thị trường (đất ở), và thấp hơn nhiều lần giá nhà đất mà chủ dự án định bán. Chính từ việc so sánh giữa đất nông nghiệp thời điểm chưa có dự án với đất ở thời điểm đã có dự án khu dân cư, nên các hộ dân khiếu kiện đưa ra nhiều đề nghị. Thứ nhất, bồi thường hỗ trợ theo giá thị trường đất ở hiện nay (15 triệu đồng/m2); thứ hai là, chính quyền cho phép một số hộ dân có đất trong dự án này được phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; thứ ba là, cho phép một số hộ mua lại toàn bộ dự án để đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hôn cho biết, giá đất đền bù và chính sách hỗ trợ giải tỏa là do Hội đồng Thẩm định tham mưu cho UBND tỉnh quyết định trên cơ sở khảo sát giá thị trường tại thời điểm thu hồi. Người dân lấy giá đất nông nghiệp khi thu hồi so với giá đất khi có dự án và đang triển khai hạ tầng là không đúng. Nếu so sánh giá đất khi có quyết định đền bù so với giá thị trường khi chưa có dự án thì người dân hưởng lợi rất nhiều. Bởi khi chưa có dự án, giá chuyển nhượng đất nông nghiệp khu vực này thấp hơn rất nhiều so với mức giá 1,4 triệu đồng/m2. Về vấn đề người dân đề xuất, tự đầu tư xây dựng trong dự án, hay mua lại toàn bộ dự án để tự triển khai, đại diện chính quyền TP Rạch Giá cho rằng, đây là dự án chỉnh trang đô thị nhằm phát triển kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường đô thị, về nguyên tắc, Nhà nước đầu tư, nhưng do ngân sách hạn hẹp mới kêu gọi doanh nghiệp có năng lực đầu tư theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Việc chính quyền TP Rạch Giá quy hoạch xây dựng Khu dân cư Nam An Hòa với những mục tiêu nêu trên là phù hợp với thực tế phát triển và hết sức cần thiết. Bởi đây không phải là dự án thương mại, thuần túy về kinh tế, mà là dự án một mặt góp phần xóa khu dân cư “ổ chuột” tự phát, xóa bỏ những ao, đầm tù đọng nước, tạo ra môi trường sống lành mạnh, mặt khác còn giúp cho người dân có đất trong dự án được tái định cư với giá ưu đãi, có môi trường sống tốt hơn, khang trang, có khả năng sinh lợi cao. “80% số hộ dân đồng ý di dời, giải tỏa, chứng tỏ chủ trương đầu tư và khung giá đền bù là phù hợp. Người dân cần có cái nhìn khách quan hơn, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, vì mục tiêu chung là sự phát triển bền vững của TP Rạch Giá!” - ông Nguyễn Văn Hôn cho biết.