Có thể học được gì từ các đại học hàng đầu thế giới?

NDO -

NDĐT- Các đại học hàng đầu thế giới thực sự chú trọng tới việc thu hút các chuyên gia và sinh viên nước ngoài, phát triển đội ngũ giảng viên và học hỏi kinh nghiệm của các trường đại học hàng đầu khác, tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường giáo dục toàn cầu.

Sinh viên tốt nghiệp Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) (Ảnh: Getty Images)
Sinh viên tốt nghiệp Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) (Ảnh: Getty Images)

Theo Xếp hạng các trường đại học xuất sắc thế giới (ARWU - Academic Ranking of World Universities) năm 2019, trong 1.000 trường có tên trong xếp hạng, Mỹ có 270 trường, vị trí thứ hai là Trung Quốc với 154 trường. Xu hướng của các đại học trên thế giới đagn diễn ra thế nào và ta có thể học hỏi những gì từ các trường đại học của Bắc Âu hay nền giáo dục đại học của Mỹ? Điều gì đã giúp Trung Quốc tạo nên một hệ thống giáo dục mạnh mẽ chỉ trong vòng 25 năm qua?

Các đại học hàng đầu luôn chú trọng tới việc xuất khẩu mô hình của mình. Thí dụ, Viện Công nghệ Massachusetts đã giúp hình thành nên Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, Viện Khoa học và Công nghệ Masdar ở Abu Dhabi, Skoltech ở Moscow -Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo tư nhân thành lập năm 2011, có quan hệ đối tác nhiều năm với Viện Công nghệ Massachusetts). Babson College (trường kinh doanh tư nhân tại Wellesley, Massachusetts, thành lập năm 1919 với trọng tâm là giáo dục khởi nghiệp) đang xuất khẩu phương pháp giáo dục kinh doanh của mình…

Các trường đại học hàng đầu thường có tư vấn riêng để thực hiện chức năng này. Một mạng lưới quốc tế của các chuyên gia tư vấn đã được hình thành. Ngoài ra, các nhà quản lý đại học đang tích cực tham gia vào mô hình du lịch, giao lưu với các trường đại học khác.

Các trường đại học Scandinavi, Phần Lan và Iceland ở Bắc Âu được nhìn nhận có nhiều ưu thế: tiềm năng sáng tạo cao, được tổ chức tuyệt vời và bình đẳng. Hoa Kỳ nhìn nền giáo dục đại học ở các quốc gia này với sự quan tâm đặc biệt, bởi đây là nền giáo dục đại học miễn phí mang đẳng cấp thế giới. Đối với một quốc gia có khoản nợ sinh viên trung bình là 38.390 USD, thì đây là điều lý tưởng rất đáng mong ước.

Trung Quốc ban đầu phát triển nền đại học theo hướng “thiết kế các ngành học”. Vào cuối những năm 1980, các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ mới bắt đầu mở và được nhà nước tài trợ rất nhiều. Kể từ giữa những năm 1990, Trung Quốc thực hiện quá trình kết nối với khoa học thế giới đồng thời ưu tiên các ngành học mạng lại lợi ích quốc gia. Tám bộ môn khoa học xã hội và nhân văn được đưa vào gói 12 lĩnh vực ưu tiên. Trong khuôn khổ một chương trình quy mô “1.000 tài năng”, Trung Quốc đã thực sự thu hút hàng ngàn nhà khoa học có nguồn gốc Trung Quốc được đào tạo nghiên cứu nước ngoài. Sáng kiến về kế hoạch Double First Class hiện đang hỗ trợ chiến lược cho 42 trường đại học và 95 trường tổng hợp, trong đó có những bộ môn ở đẳng cấp thế giới.

Các trường đại học, được phân bố theo các ngành công nghiệp trong những năm 1950, đang hợp nhất và sắp xếp lại thành các trường đại học đa ngành hoàn chỉnh. Đại học Thanh Hoa từ những năm 1980 đã bổ sung vào cơ cấu của mình hơn một chục khuynh hướng lớn, từ y học cho đến hành chính công. Điều này không chỉ phản ánh truyền thống Nho giáo về kiến thức tổng thể, mà còn là đáp án cho xu hướng toàn cầu. Chuyên môn hóa hẹp không còn phù hợp với yêu cầu của quá trình nghiên cứu và giáo dục hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề tổng hợp, phức tạp.

Có thể học được gì từ các đại học hàng đầu thế giới? ảnh 1

Khuôn viên trường đại học Stanford (Ảnh: Getty Images)

Diện mạo giáo dục đại học Mỹ được quan sát qua Ivy League - Hiệp hội tám trường đại học danh giá nhất của Mỹ là: Harvard, Princeton, Yale, Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth và Pennsylvania. Nhưng cảnh quan đại học Mỹ có những điều thú vị và biến tấu hơn rất nhiều. Việc không có bộ giáo dục, còn hệ thống đánh giá chất lượng được phân quyền và linh hoạt đang tạo ra môi trường thuận lợi cho thử nghiệm.

Stanford và Đại học Virginia đã được khởi đầu với tư cách là các trường đại học thực nghiệm tự chủ. Babson College ngay từ đầu được thế giới biết tới là trường dạy kinh doanh.
Đại học bang Evergreen không phân sinh viên theo chuyên môn và cuối mỗi khóa học sinh viên không được cho điểm, mà nhận đánh giá thuyết trình về sự tiến bộ của họ, trong đó giáo viên so sánh phản xạ của sinh viên với những quan sát của mình.

Mô hình của Deep Springs, trường đại học nổi tiếng ở sa mạc Nevada có 28 sinh viên, dựa trên sự cô lập với nền văn minh và các nguyên tắc của học thuật, lao động thể chất và tự quản. Sau hai năm dạy dỗ, rèn luyện ở đây sinh viên có thể chuyển sang một trường đại học khác và hầu hết được chuyển đến các trường đại học tốt nhất trong nước. Một số trường đại học trong số này đóng một vai trò trung tâm trong sự phát triển giáo dục đại học của Mỹ và thậm chí của thế giới.

Được hình thành theo ý tưởng của Tổng thống Thomas Jefferson, Đại học Virginia là trường đầu tiên ở Hoa Kỳ thực hành giáo dục đại học nằm ngoài học thuyết tôn giáo.

Stanford đã cho ta thấy một trường đại học sáng tạo, cách tân được tổ chức ra như thế nào và nó có thể làm nên điều gì. Đây là một hình mẫu chuyển giao công nghệ: trường đại học có mối quan hệ cộng sinh về văn hóa và tổ chức, khi kết nối với Thung lũng Silicon và các công ty do các sinh viên tốt nghiệp Stanford thành lập, có tổng doanh thu khoảng 3 tỷ USD/năm.

Ở Nga, vào những năm 90, các trường đại học tư nhân từng bước ra đời. Phần lớn trong số đó thực hiện thương vụ cấp bằng, để rồi hàng chục trường bị đóng cửa. Cơ quan Giám sát Giáo dục và Khoa học Liên bang luôn có thái độ nghiêm khắc đối với các trường đại học tư, các trường đại học bất thường. Hiện ở Nga, nhiều trường tự chủ được ra đời, tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học còn đổi mới chậm vì các mô hình và phương pháp truyền thống không bị cạnh tranh, thách thức.

Tại nhiều quốc gia, các trường đại học tự chủ đã trở thành xu thế. Tại Đức, có cả một đội ngũ các trường đại học tư thục được hình thành, bao gồm hai trường sớm nổi tiếng là Đại học Zeppelin và Đại học Jacobs. Tại Ấn Độ, số lượng các trường đại học tự chủ tiếp tục tăng lên.

Trong những năm gần đây, một số dự án giáo dục phi chuẩn đã xuất hiện ở Nga - ví dụ, trường đại học NTI “20.35” (trường đại học đầu tiên ở Nga cung cấp sự phát triển chuyên nghiệp của con người trong nền kinh tế kỹ thuật số, tập trung vào đào tạo các nhà lãnh đạo công ty, những người tham gia Sáng kiến Công nghệ Quốc gia (STI) và các chuyên gia làm việc tại các thị trường toàn cầu mới).

Hầu hết các ý tưởng hiện đại đều chia sẻ nguyên tắc dạy học mang tính phương pháp luận chung về các dự án thực tế. Nhiều người ủng hộ xu hướng liên ngành, mang tính toàn cầu. Một số thử nghiệm với việc phân chia năm học thành bốn kỳ, chứ không phải học kỳ, chia nó thành các gói nhỏ, hoặc thậm chí thiết kế cơ sở học tập thành một trạm (Station), lập các nhóm học tạm thời hợp nhất trong mười tuần, như Station1, Đại học tự chủ Massachusetts do giáo sư kỹ thuật MIT Christine Ortiz đề xướng.