Văn học trẻ Thủ đô sáng tạo vì sự phát triển của đất nước

Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức vừa diễn ra với sự góp mặt của hơn 50 tác giả trẻ đang sống tại Hà Nội. Đây chính là dịp nhận diện văn học trẻ Thủ đô để từ đó có định hướng bồi dưỡng tốt hơn nguồn lực này.

Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội.
Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội.

Sáng 13-11, Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba được khai mạc với chủ đề: Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Phát biểu đề dẫn, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội khái quát tình hình phát triển của văn học trẻ những năm gần đây. Theo đó, nhiều tác giả trẻ ở các lĩnh vực đã trưởng thành qua các kỳ hội nghị; thuyết phục độc giả bằng những tác phẩm ngày một chững chạc và tinh thần dấn thân vào mảng đề tài khó như biên giới, hải đảo. Trong số đó, có các tác giả: Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Lý Hữu Lương, Vinh Huỳnh, Nguyễn Văn Học, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Thị Kim Nhung, Đặng Thiên Sơn, Ngô Gia Thiên An, Trần Thiện Khanh... Bên cạnh đó, một số câu lạc bộ dành cho người viết trẻ được thành lập cũng góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng tác. Sau 22 năm gián đoạn kể từ Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ nhất đến lần thứ hai, lần thứ ba này được tổ chức kịp thời là nỗ lực của Hội Nhà văn Hà Nội nhằm quan tâm, khuyến khích hoạt động văn học trẻ. Bên cạnh thuận lợi, các cây bút trẻ cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sáng tác, như: thiếu diễn đàn để phát huy tính tương tác, học hỏi; khó khăn trong quá trình đào tạo, tiếp nhận; đối diện, giải quyết quan niệm về văn chương phong trào với văn chương tinh hoa; những mặt trái từ thế giới ảo…

Tại hội nghị, các tham luận, ý kiến được trình bày tập trung vào một số vấn đề cơ bản: Nhận diện văn học trẻ Thủ đô những năm gần đây; Trách nhiệm người cầm bút với sự phát triển của Thủ đô và đất nước; Trách nhiệm của Hội Nhà văn Hà Nội trong phát hiện, bồi dưỡng lực lượng viết trẻ… Nhà thơ Đặng Thiên Sơn nhấn mạnh, lĩnh vực thơ hiện nay có số lượng tác giả và tác phẩm đông đảo hơn các lĩnh vực khác. Nhiều tác giả khẳng định được tài năng, phong cách, được độc giả yêu mến. Tuy nhiên, không ít tập thơ ra đời chỉ với mục đích phục vụ nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân, thiếu giá trị văn hóa, tư tưởng, chưa thể hiện trách nhiệm của văn nghệ sĩ với sự phát triển của đất nước. Các tác giả Vũ Đức Anh, Phạm Thu Hà lại đề cập đến những xu hướng của thể loại văn học thế hệ trẻ đang quan tâm như tiểu thuyết giả tưởng, văn học dịch… Vài năm trở lại đây, các tác giả trẻ bước đầu được công nhận về thành quả qua những cuộc thi văn học trong và ngoài nước. Họ mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ, định hướng từ các đơn vị chuyên môn để quá trình sáng tạo, công bố tác phẩm được thuận lợi. Đề xuất giải pháp nâng cao văn hóa đọc, nhà văn Đào Trung Hiếu cho rằng, cần kết hợp giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác. Bản thân anh đã thử nghiệm với điện ảnh và khá thành công. Minh chứng là sau khi một số bộ phim truyền hình gây tiếng vang, khán giả mới tìm đọc tác phẩm văn học được chuyển thể…

Bên cạnh những ý kiến của các cây bút trẻ tự nhận định, đánh giá về thế hệ của mình và đề xuất phương hướng khắc phục, có những tham luận như của tác giả Nhật Phi thể hiện mối băn khoăn, trăn trở trên con đường sáng tạo. Theo các nhà văn lão thành Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải…, ngoài nỗ lực đổi mới, thế hệ trẻ cần nền tảng tri thức, sự rèn giũa, học hỏi không ngừng để phát triển bền bỉ. Tại Hà Nội, nơi hội tụ giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, yếu tố ấy càng cần thiết. Nhìn lại chặng đường phát triển của văn học trẻ qua các kỳ hội nghị, không khó để kể tên các tác giả có dấu ấn sáng tạo nhưng nếu chọn lựa tác phẩm xuất sắc, mang tầm thời đại, đủ sức ảnh hưởng và lan tỏa đến toàn xã hội thì chưa có. Các lĩnh vực thơ, truyện ngắn hằng năm đều có số lượng lớn tác phẩm phát hành nhưng thiếu nổi bật vì đề tài còn cũ, chủ yếu phản ánh góc nhìn cá nhân, phạm vi nhỏ hẹp. Riêng các lĩnh vực phê bình, văn học dịch đội ngũ người viết còn mỏng, ít tác phẩm được phát hành. Diễn đàn dành cho văn học trẻ như các cuộc thi, trại viết, hội thảo, tọa đàm… còn ít ỏi, chưa tương xứng với số lượng người viết và thiếu sự đổi mới, thiết thực ở khâu tổ chức.

Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba đã góp phần nhận diện khách quan, đầy đủ về tình hình phát triển của văn học trẻ Thủ đô. Các ý kiến tại hội nghị nhấn mạnh, trong tương lai, những cơ quan như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội cần thêm nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hơn nữa nhằm phát hiện, định hướng và động viên kịp thời lực lượng những người viết trẻ để họ có thêm cơ hội, diễn đàn, hoạt động và vững tin sáng tạo. Để bước tiếp chặng đường dài, chính những người viết trẻ cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong quá trình sáng tạo để ngày càng trưởng thành qua tác phẩm, khẳng định được vai trò, vị trí trong nền văn học đương đại của Thủ đô và đất nước.