Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0”

NDO -

NDĐT - Chị là một người phụ nữ mê đọc sách, luôn đau đáu với việc truyền cảm hứng cho mọi người đọc sách để rồi chính họ và cộng đồng sẽ được thụ hưởng các ích lợi “thần kỳ” từ thói quen tưởng như xưa cũ mà lúc nào cũng mới mẻ này. Chị mở hàng chục nhà sách, khu trưng bày tôn vinh sách ở Hà Nội; đem sách vào các siêu thị, Trung tâm thương mại; kiến tạo các “Không gian Sách” lý tưởng rộng tới hai ba nghìn mét vuông giữa các “địa điểm vàng” sầm uất, cùng cộng sự thực hiện dự án cải tạo vài trăm thư viện trường học ở khắp nơi.

Chị Nguyễn Kim Thoa giao lưu ,chia sẻ, truyền cảm hứng đọc sách cho các sinh viên Đại học Thái Nguyên.
Chị Nguyễn Kim Thoa giao lưu ,chia sẻ, truyền cảm hứng đọc sách cho các sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Mới đây, chị đã vinh dự được nhận Giấy khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì các thành tích xuất sắc trong việc “Phát triển văn hóa đọc”. Nhân Dân điện tử xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa chị Nguyễn Kim Thoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về văn hóa đọc trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Sách theo hàng hóa vào siêu thị và trung tâm mua sắm!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Câu chuyện xuất bản sách, đọc sách, cung ứng sách thời “4.0” này có quá nhiều thay đổi. Thay đổi “nhẹ đô” nhất có lẽ là việc các gian hàng sách đã vào siêu thị, vào các Trung tâm mua sắm sầm uất nhất Việt Nam để… tìm độc giả. Có vẻ, chị là người đi tiên phong trong các hoạt động rất tức thời này?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Hoạt động từ năm 2006, đến nay Công ty Tân Việt của chúng tôi đã có hàng chục nhà sách ở Hà Nội, với hơn 200 nhân viên. Tuy nhiên, văn hóa đọc dù có “ấm lên” sau thời gian lạnh lẽo, thì cũng vẫn ở mức độ cần phải truyền lửa hơn nữa. Vì bản thân các giá trị nhân văn của văn hóa đọc, chứ không phải chỉ để các công ty xuất bản, bán buôn, bán lẻ sách. Sau thời gian dài đi xây dựng trường học cho học trò vùng cao, tôi càng hiểu rằng, không chỉ các cháu, mà mọi người lớn nói chung, nếu có không gian thích hợp, có sách hay, thì ai cũng muốn đọc. Và việc đọc làm cho người ta thay đổi rất nhiều, theo hướng tích cực.

Đó là lý do khiến tôi càng quyết tâm hơn trong việc đầu tư hệ thống nhà sách ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Từ các siêu thị của Big C, rồi đến các Trung tâm thương mại Vincom và các hệ thống siêu thị lớn nhỏ khác.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi được biết, giữa đại dịch Covid-19, chị vẫn đang ấp ủ, thiết kế các “Không gian Sách” cùng với các Trung tâm lớn của Vincom như: không gian gần tới 3.000 m2 Royal City, gần 2.000 m2 Vincom Bắc Từ Liêm, rồi gần 2.000 m2 ở Vincom Oceans Park ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Chị có thể chia sẻ về điều này?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Tôi vẫn được tiếng là người liều, dám liều và sẵn sàng chấp nhận thất bại nên bước ra khỏi “ngưỡng an toàn’ là một thách thức thú vị. Tất nhiên là phải an toàn trong khuôn khổ “chấp nhận được”. Vì thế, dù dịch Covid-19 cũng làm chúng tôi thiệt hại nặng nề, tất cả các cửa hàng đều đã đóng, ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ; nhưng đây cũng là lúc có thêm thời gian để tư duy, ấp ủ, chờ thời tung ra một loạt các Dự án mới vào cuối năm 2020 này.

Khác hẳn với những hình ảnh Nhà sách Tân Việt của chúng tôi đã có mặt trên thị trường, các Trung tâm của chúng tôi dự định ra mắt tới đây sẽ hoàn toàn mới lạ, không gian sẽ rất thân thiện, hiện đại và đặc biệt là tiện ích cho cả gia đình. Con cái vào Nhà sách, vào Khu vui chơi, bố mẹ thì vào Café sách. Đặc biệt hơn chúng tôi có một số mô-đun giáo dục, dạy vẽ miễn phí cho các cháu. Một số các chương trình Truyền cảm hứng về đọc sách cho các bạn trẻ sẽ được thường xuyên tổ chức, một số diễn giả lớn cũng sẽ có mặt ở đây để chia sẻ với bạn đọc về nhiều vấn đề của cuộc sống.

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 1

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Quả là một sức hút đáng ngạc nhiên vẫn còn tồn tại giữa thời văn hóa nghe nhìn rồi mạng xã hội đang “nuốt chửng” văn hóa đọc này. Đó cũng là lý do mà các chị muốn “chấn hưng” từ gốc và truyền cảm hứng ở trên diện rộng hơn, lâu dài hơn với dự án cải tạo thư viện cho hàng trăm trường học, ở cả vùng sâu vùng xa, từ Hà Nội, xuống Thái Bình, sang Quảng Ninh, lên Thái Nguyên… Chị có thể cho biết thêm về điều này?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Các dự án thư viện trường học đầu tiên chúng tôi thực hiện là ở tỉnh Quảng Ninh. Ngay năm đầu ấy, triển khai ở cả bốn tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Tôi hay đi trò chuyện , giao lưu, chia sẻ với các bạn trẻ về vấn đề cần phải đọc sách. Chương trình “Đọc để phát triển” của chúng tôi cũng đã ra đời từ đây. Trước khi chương trình bắt đầu, chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ, đề nghị các bạn sinh viên cho biết đã đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm qua, và cụ thể những cuốn sách đã đọc là gì.

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 2

Qua tìm hiểu tôi được biết, ở các nước phát triển và cụ thể như ở Mỹ tôi thấy họ có đủ các thành phần từ Nhà nước đến, tư nhân, các tổ chức hiệp hội nghiên cứu về đọc. Thế nên ai đã từng đi châu Âu hay đi Mỹ về đều có chung nhận xét: “chỗ nào cũng thấy người ta đọc sách”. Người dân người ta đọc mọi lúc, mọi nơi, trên tàu điện hay bến xe, bãi biển, hè phố…

Gần đây, tôi được biết Đại sứ quán Mỹ đã in tặng miễn phí cho người dân Việt Nam hàng trăm nghìn cuốn “Người Mỹ giúp con ham đọc sách”, với hy vọng tăng thêm nhận thức về văn hóa đọc cho người Việt Nam. Chắn chắn họ đã rất thấu hiểu giá trị của việc đọc là như thế nào.

Ở Nhật có chương trình rất nhân văn: Khi một sản phụ sinh con ra. Sau một đến ba tháng thì người mẹ ấy sẽ được gặp ba chuyên gia đầu tiên để để được tư vấn về cách nuôi dạy con: Chuyên gia số 1 là về dinh dưỡng; Chuyên gia số 2 là về y tế, sức khoẻ; Chuyên gia thứ 3 là về Thư viện để hướng dẫn và tư vấn cho người mẹ về cách định hướng cho con trong việc đọc sách.

Tương tự như vậy, ở Phần Lan, khi em bé sinh ra còn được Trung tâm tư vấn (tổ chức của Chính phủ) tặng giỏ quà nhỏ trong đó có một vài cuốn sách. Với người Do Thái, thì họ luôn thiết kế khu đầu giường ngủ của mình thành tủ đựng sách, để cho con từ nhỏ dễ dàng tiếp cận với sách. Họ dạy con rằng nếu không may nhà bị cháy thì sách là thứ vật chất đầu tiên con cần cứu ra khỏi giặc lửa. Bởi họ quan niệm rằng: các cuốn sách hay là tài sản quý giá nhất…

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 3

Giao lưu, chia sẻ, truyền cảm hứng đọc sách cho sinh viên Đại học Bách khoa, Xây dựng.

Bác Hồ của chúng ta đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đọc cũng là học. Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học tổng kết rằng: 95% các hoạt động của con người đều được hình thành từ thói quen. Thói quen không tự nhiên sinh ra mà đòi hỏi chúng ta phải tự rèn luyện, nỗ lực xây dựng để có được. Rất tiếc, thói quen đọc sách ở Việt Nam còn chưa nhiều. Con em của chúng ta chưa có thói quen đọc sách từ nhỏ thì làm sao lớn lên thế hệ ấy đam mê đọc sách và để sách giúp họ hình thành nhân cách tốt nhất được? Đây thật sự là một điều mà nhiều người nhìn thấy, nhưng còn rất ít người thật sự hành động.

Đầu tư cho con người đòi hỏi cần phải có chiều sâu, lâu hơn bất cứ cái gì thuộc về vật chất. Nếu ví von dễ hiểu thì nó không khác gì việc chúng ta xây một ngôi nhà mà việc đọc thì như cái nền móng. Không thể một sớm một chiều mà chúng ta có được một thế hệ biết quan tâm đến sách, biết “nghiện” các “túi khôn của thiên hạ” từ sách ngay được. Nhưng, hãy cứ bắt đầu, cứ bắt tay vào đã. Đừng ngồi đó thở vắn than dài.

Chúng ta đã bước sang thời đại mới, thời đại công nghệ 4.0, nó đòi hỏi con người không chỉ có những kiến thức cơ bản mà còn phải là những kiến thức ở tầm cao hơn. Kiến thức của “giai đoạn trí tuệ nhân tạo”... Như thế thì mới sánh kịp được với các công dân toàn cầu khác. Đọc là chìa khóa quan trọng, giúp ta rút ngắn khoảng cách này.

Người xưa có câu, hãy cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ biết bạn là ai. Quả đúng là sách quan trọng hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

“Thư viện không thể chỉ là cái nhà kho chứa sách”

“Trước khi bắt tay vào công việc nghiên cứu cho Thư viện trường học, tôi đã có điều kiện đi thị sát rất nhiều trường học của chúng ta từ Bắc chí Nam, miền Tây Nam Bộ, miền Trung nắng gió. Tham quan để học hỏi, đánh giá. Quả thật, tôi đã dần thấm thía một vấn đề mà hầu hết các trường đang yếu và thiếu của không ít nhà trường. Đó là các thư viên không khác gì cái “Kho chứa sách”. Giá sắt cứng nhắc, thô vụng. Số lượng đầu sách hay và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi học trò cũng rất hạn chế.

Thư viện thì cửa khóa, then cài, có trường còn “khiêng” thư viện lên góc khuất, cao ngút trên tầng chóp… thì làm sao chúng ta có thể “hô hào” phát triển văn hóa đọc ngay từ trong nhà trường được? Khi tôi hỏi thì một số người có ý kiến rằng: “Không có thời gian cho học sinh đọc sách đâu”. Tôi thiết nghĩ, mọi vấn đề đều có giải pháp, quan trọng là có được tư duy, góc nhìn đích đáng của các nhà quản lý.

UNESCO, Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng: Thư viện là trái tim của nhà trường. Nhưng, qua khảo sát thực tế, tôi thấy quá nhiều nơi “trái tim” ấy còn đang rất thoi thóp thì làm sao “con người” có thể cường tráng được? Khi con cháu của chúng ta không có thói quen đọc sách, không tiếp nhận được các kỹ năng, kiến thức, lòng bao dung, tính kiêm nhường, ý chí cao … thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi ở họ những đức tính như: ứng xử văn minh, bền gan vững chí hướng thiện và hữu ích vì cộng đồng được? Với tôi, đó là một câu hỏi đầy trăn trở.

Tôi rất vui, vì trong bối cảnh chung ấy, vẫn có rất nhiều nhà quản lý đang còn đau đáu với việc phát triển văn hóa đọc, họ quan tâm chăm sóc đến công tác thư viện trong trường học. Họ làm tất cả để ủng hộ cho việc truyền lửa lòng yêu sách trong xã hội.

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 4

Không gian đọc sách tại Thư viện tiểu học ở Thái Bình.

Sau mấy năm triển khai ở Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên và một số tỉnh thành khác, chúng tôi rất vui vì ngày càng đón nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi quý giá từ xã hội cũng như các nhà quản lý ngành giáo dục. Tôi vẫn nhớ như in lời nhận xét của chị Vũ Thị Liên Oanh, khi chị đang là là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh: “Đây là dự án, chương trình được ba chữ nhất: “Hiệu quả nhất, Thiết thực nhất và Đầu tư thấp nhất. Hay như một số lời nhận xét của một cô Hiệu trưởng nhà trường: “Đáng lẽ ra chương trình này các bác phải cho làm từ lâu rồi, vì nó quá hữu ích”. Tôi nhớ lời chị Mai, Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ nói: “Sau khi nâng cấp, cải tạo thư viện cho thiếu nhi, tôi đã thật sự rất ngạc nhiên, vì sau bao năm hiu hắt, giờ trở nên… quá tải. Hôm ấy vào dịp hè, các phụ huynh kháo nhau “Thư viện tỉnh đã được đầu tư cải tạo lại đẹp đẽ sạch sẽ lắm”, thế là phụ huynh kết hợp một công đôi việc. Họ đến, vừa có chỗ cho các con đọc sách vừa có người trông con luôn!”. Đôi khi thành công lại bắt đầu từ một ý tưởng nhỏ xuất hiện tình cờ. Từ đó, tôi cứ quan sát và nghiên cứu để tiếp tục mở đường tôn vinh Văn hóa đọc.

Với hệ thống thư viện nhà trường, tôi vui vì được mọi người ghi nhận, vui vì các cháu có sách để đọc. Bởi, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua sách cho con đọc ở nhà. Không phải bố mẹ nào cũng thích đọc sách. Thế rồi, các con đến trường có không gian sách lý tưởng để đọc. Không gian đẹp để níu kéo các con với con chữ. Đọc để hình thành và phát triển nhân cách, giúp các cháu phát triển sự nghiệp bản thân, đóng góp hữu ích cho cả cộng đồng.

Xin thầy hãy dạy cho cháu biết thế giới diệu kỳ của sách

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Chị vì mê đọc sách mà làm “nghề sách” rồi được mi làm diễn giả nói về văn hóa đọc - “Đọc sách để phát triển” ở nhiều sân khấu lớn nhỏ. Vậy sách có vai trò với chị như thế nào?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Cá nhân tôi, sau khi đọc mỗi cuốn sách hay, tôi học được nhiều điều đáng quý. Với tôi, mỗi cuốn sách như một người bạn, một người thầy bởi ở đó tôi học được rất nhiều điều. Tôi học được những bài học về sự thành công cũng như những nguyên nhân mà họ thất bại. Tôi học được cách suy nghĩ và tư duy của những người thành công và nổi tiếng trên trong nước và thế giới. Tôi khâm phục và ngưỡng mộ họ. Và quan trọng hơn cả là tôi biết cách để áp dụng những bài học về nghị lực, lòng kiên trì và quyết tâm sắt đá kia vào công việc của mình. Sách thật sự là người thầy tiếp cho tôi thêm rất nhiều sức mạnh. Kho tri thức từ sách, giúp tôi biết cách dám làm và sẵn sàng bước qua “vùng an toàn” theo cách hiểu thông thường để phát triển.

Không chỉ vậy, đọc sách còn giúp tôi học thêm được lòng khiêm nhường, đức nhân ái… Nói đến đây tôi liên tưởng đến trường hợp của Tỷ phú Mã Vân (Tỷ phú người Trung Quốc, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Alibaba) khi ông còn là học sinh cấp 3, ông thi Đại học tới hai lần chưa đỗ. Chuẩn bị thi lần thứ ba, thì ông chịu vô vàn những lời can ngăn của gia đình. Rằng, “Tìm kiếm một việc gì đó để làm, kiếm kế sinh nhai rồi lấy vợ như bao chàng trai Trung Quốc khác cho xong”. Hoặc cô giáo thì “khích tướng”: “Em mà thi đỗ đại học thì cô đi bằng đầu”. Theo quy luật tự nhiên, con người luôn bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh và Mã Vân cũng không là ngoại lệ, ít ra là trong cái hoàn cảnh ấy. Nhưng rất may mắn cho ông, đúng vào thời điểm thi trượt dỗi dãi ấy ông đã đọc được cuốn “Đường đời” của Lộ Dao trong đó có nhân vật điển hình của lòng kiên trì và quyết tâm sắt đá để đi đến thành công. Từ đó, Mã Vân quyết tâm thi đại học lần thứ ba. Đỗ đại học và học ngành tiếng Anh - Đại học Công nghệ Hàng Châu.

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 5

Không gian đọc sách Thư viện tiểu học ở Quảng Ninh đang trong quá trình hoàn thiện để bàn giao phục vụ học sinh.

Câu chuyện còn rất dài và còn rất nhiều những tình tiết thú vị khác nữa. Nhưng chúng ta có thể thấy: nếu không có kỳ thi thứ ba “dũng cảm” đó, thì chắc chắn loài người sẽ không có một Tỷ phú Alibaba. Sẽ không có câu chuyện để Mã Vân đi thông dịch sang Seattle (Mỹ) để tiếp cận với internet và nảy sinh ý tưởng thành lập trang mạng điện tử lớn nhất Trung Quốc như ngày nay.

Giá trị của sách lớn lao là vậy, nhưng sách cứ âm thầm, lặng lẽ chỉ khi nào được người thành công nói ra thì sách mới được nhắc đến với “thành quả rực rỡ” kiểu trên. Âm thầm và lặng lẽ; nhưng sách đã làm nên những điều kỳ diệu.

Cách đây gần 200 năm Tổng thống thứ 16 của Mỹ, Abraham Lincoln đã có bức thư nổi tiếng gửi thầy cô giáo của con trai mình rằng: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết thế giới diệu kỳ của sách”. Thông điệp này đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.

Đọc sách còn giúp cho con người vượt qua được nghịch cảnh. Có những người, tưởng chừng như cánh cửa cuộc đời đã đóng sập lại, chỉ còn bóng tối; nhưng nhờ có sách mà số phận họ đã thay đổi tuyệt vời. Trường hợp của dịch giả, diễn giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một minh chứng xác thực về điều này.

Sinh ra trong một vùng quê nghèo Bắc Bộ, Bích Lan chỉ học hết lớp 8. Đang ở tuổi nhảy “chân sáo”, không may em bị căn bệnh loạn dưỡng cơ , xương cứ tự giòn ra,rồi tự vỡ vụn. Em không thể đi lại được bình thường, cơ thể cứ teo tóp lại. Bác sỹ bó tay.

Đến một hôm Bích Lan đã vô tình đọc được cuốn sách “Từ điển tiếng Anh” của em trai. Từ đó cuộc đời Bích Lan ngả sang một con đường mới: nhà văn, nhà giáo, diễn giả, dịch giả . Cuốn sách viết về anh chàng “không chân không tay” Nick Vujicic người Úc đã đến Việt Nam diễn thuyết, gây nên một cơn sốt “truyền cảm hứng” về bài học nghị lực. Bích Lan chuyển ngữ cuốn sách về Nick và gần 30 cuốn sách khác từ tiếng Anh khác sang tiếng Việt, với văn phong vô cùng chuẩn xác, đầy cảm xúc và tinh tế. Bích Lan đã viết nên cuốn tự truyện “Không gục ngã”. Những ai đã đọc tự truyện này, tôi tin rằng đều có chung một nhận xét giống tôi và gần cuối cuốn sách Bích Lan làm riêng một mục để bày tỏ một lời cảm ơn các cuốn sách.

Văn hóa đọc” đã ấm lên, nhưng…

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sách giúp hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, giúp hoàn thiện bản thân và các kĩ năng sống khác… Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Sách giúp hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, giúp hình thành và hoàn thiện bản thân cho chính người đọc. Sách như tấm gương để độc gỉa tự soi, điều chỉnh lại bản thân mình, giúp họ hướng thiện. Khoa học đã chứng minh rằng, người đọc sách càng nhiều thì khả năng ghi nhớ và trí nhớ càng cao. Đây là một nghiên cứu về não bộ đã được kiểm chứng.

Ngoài ra đọc sách còn có nhiều lợi ích và những hiểu biết quan trọng để chúng ta hiểu một cách cặn kẽ hơn, khoa học hơn nhiều vấn đề, tiến tới ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như, nhiều người trong chúng ta có thể đã biết ăn cá là tốt cho cơ thể. Nhưng ít người biết: cá tốt cho chúng ta theo cơ chế nào? Khi đọc sách, tôi có thể biết tường tận rằng 60% não bộ của chúng ta được hình thành, cấu trúc từ một dạng chất béo và chất lỏng đặc biệt. Chất béo và chất lỏng này, cơ thể con người không tự sản sinh ra được mà phải lấy nguồn dinh dưỡng từ cá. Như vậy chúng ta có thể hiểu ngắn gọn, cặn kẽ, vì sao ăn cá lại tốt cho não bộ. Hay tập thể dục hàng ngày sẽ giúp cho chúng ta không chỉ khỏe mạnh mà còn giúp chúng ta giảm cân lý tưởng - nếu chúng ta biết cách tập đúng cách, thở đúng nhịp. Nhưng ít người biết rằng, 84% mỡ thừa trong cơ thể chúng ta khi tập luyện sẽ được đào thải qua đường hơi thở, chỉ có 16% là thải qua đường bài tiết mồ hôi, nước tiểu. Đó là các kiến thức thú vị mà tôi rất tâm đắc khi nhận được từ sách, đôi khi từ các cuốn sách đầy trí tuệ và lãng mạn, các kiến thức kia chỉ “đi kèm” rất dễ thương. Chứ không chỉ là sách dạy… tập thể dục hay dạy cách ăn uống tốt cho sức khỏe.

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 6

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đọc sách thì ai cũng thấy là hữu ích, cả thế giới đều hiểu, các cụ xưa có câu: Không đọc ba vạn cuốn sách, không đi hết các núi sông trong thiên hạ, thì đừng mong viết được điều gì để lại cho đời. Tuy nhiên, rèn luyện thói quen đọc sách cũng không dễ dàng gì. Nhất là trong thời buổi áp đảo của văn hóa nghe nhìn này. Chị nghĩ gì về điều này?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Đúng. Thói quen đọc sách cũng như những thói quen khác không phải dễ dàng gì mà có ngay được. Người chưa có thói quen đọc sách thì nhìn thấy sách cảm thấy ngại, có khi đọc được mấy dòng thì mắt nhíu lại, lăn ra ngủ. Ngược lại, người có thói quen đọc sách thì rất biết sắp xếp thời gian để đọc, nhìn thấy sách là thèm đọc. Thói quen đọc sách cũng là thứ cần phải “TỰ RÈN LUYỆN” rất bài bản mới có được. Đọc hàng ngày, đọc hàng tuần, đọc hàng tháng và đọc hàng năm – tôi đều có “lịch trình” cho mình đủ cả. Dần dà, sách sẽ đến với bạn, tự nhiên như chính hơi thở vậy.

Khoa học đã chứng minh: các thói quen của con người cần được xây dựng càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở giai đoạn từ 0-6 tuổi và tiếp theo là từ 7-12 tuổi. Gia đình và nhà trường nên định hướng, xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ trong “giai đoạn vàng” kia là hiệu quả nhất.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Chị thấy văn hóa đọc trong giới trẻ đã khởi sắc trở lại chưa?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Có ấm lên, đặc biệt mấy năm gần đây nhưng chưa nhiều. Tỷ lệ đọc sách có tăng lên so với mấy năm trước nhưng tỷ lệ giới trẻ đọc sách về kinh tế, sách về kỹ năng, sách phát triển bản thân... thì còn thấp hơn khá nhiều so với các mảng khác như văn học, giải trí. Nhưng dù sao chúng ta chúng ta cũng phải ghi nhận sự quan tâm vào cuộc của Chính phủ, một số Bộ, ban ngành, một số địa phương đối với văn hóa đọc hiện nay.

Những bài học “diệu kỳ” từ trang sách

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Câu chuyện nào về sự “thay đổi số phận” do trang sách mà chị ấn tượng nhất?

Chị Nguyễn Kim Thoa: Rất nhiều, nhưng tôi có thể kể một vài ví dụ về những con người đương đại. Như cựu Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton chẳng hạn.

Một lần trong thư viện nhà trường, khi còn ở tuổi niên thiếu, ông vô tình đọc cuốn sách viết về cuộc đời của Tổng thống Kennedy - khi đó là đương kim Tổng thống Hoa Kỳ. Cậu học trò Bill Cliton đã ấn tượng rất mạnh khi đọc đến đoạn Kennedy thời còn là đô đốc Hải quân không may gặn nạn trên biển, ông đã rất dũng cảm để cứu người đồng đội bị thương của mình bằng cách ông buộc dây vào người bạn, rồi cắn chặt đầu dây vào miệng mình, bơi dài trong đêm tối để cứu bạn lên bờ… Câu chuyện trên đã khiến Bill Clinton rất cảm động. Về nhà, kể lại cho mẹ nghe cảm xúc trên rồi Bill nói: con có ước nguyện sau này lớn lên sẽ đi theo con đường… trở thành Đô đốc hải quân, như ông Kennedy.

Quả nhiên, Bill đã thi đỗ đúng vào trường Hải quân rồi trở thành một học sinh xuất sắc. Được vinh dự được vào Vườn Hồng của Nhà trắng để tham quan, được gặp và bắt tay đương kim Tổng thống Kennedy.

Cái bắt tay hiếm hoi ấy đã đi vào lịch sử. Bởi, gần gần 30 năm sau, Bill Clinton đã trở thành Tổng thống thứ 43 của Nhà Trắng.

Truyền lửa văn hóa đọc “Thời đại 4.0” ảnh 7

Hội thảo phát huy trí tưởng tượng cho trẻ thông qua đọc sách.

Thêm một ví dụ nữa, là chuyện về tác giả của cuốn “Đánh thức con người phi thường trong bạn”, ông Anthony Robison - nhà diễn thuyết, nhà đào tạo nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà còn khắp các châu lục. Ông chia sẻ trong cuốn sách của mình rằng: Ông đã từng đọc 700 cuốn sách trong vòng mấy năm trời. Và, trước khi trở thành tỷ phú, ông đã từng làm bảo vệ cho một tòa nhà với đời sống rất kham khó. Nhưng rồi, tám năm sau, nhờ tích lũy tri thức trong gần nghìn quyển sách quý, chính ông đã bay qua cái tòa nhà ấy bằng chính máy bay riêng của mình và ngơ ngác thấy từng đoàn người dài xếp hàng ở gần đó. Ông hỏi trợ lý: họ làm gì ở đó mà đông thế? Câu trả lời: “Họ xếp hàng để chờ đến lượt được vào nghe ông diễn thuyết đấy”.

Câu chuyện về Tony Robbins thật sự ấn tượng mạnh đối với tôi!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cảm ơn chị Nguyễn Kim Thoa về một cuộc trò chuyện truyền cảm hứng!