Triển lãm thép và vải

NDO -

NDĐT - “Thép và vải” là cuộc triển lãm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục, sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), từ ngày 26 đến hết 31-5.

Tác phẩm "sóng nghiêng" của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền.
Tác phẩm "sóng nghiêng" của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền.

Đây là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sĩ khá nổi tiếng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tên triển lãm cũng là thể loại chất liệu đặc trưng, sở trường của hai nghệ sĩ. Với gần 40 tác phẩm, gồm sáu tác phẩm điêu khắc “Thép” của Lê Thị Hiền và hơn 30 tác phẩm tranh “Vải” của Trần Thanh Thục đã tạo nên một cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng giữa hai chất liệu, hai tâm hồn đa cảm của hai người đàn bà làm nghệ thuật.

Sinh năm 1957, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền được xem là một trong những tác giả nữ thuộc thế hệ thứ nhất của giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới. Chị là cựu giảng viên khoa điêu khắc - Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và cũng là người góp phần đào tạo những thế hệ các nhà điêu khắc trẻ năng động hiện nay. Chất liệu sở trường của Lê Thị Hiền là đá và thép. Trong nhiều năm theo đuổi khuynh hướng điêu khắc tối giản, ưa thích chú trọng đến khối, nét và sự chuyển động. Các tiết diện vuông, tam giác được xem như một biểu tượng đa diện trong các thể hiện điêu khắc của Lê Thị Hiền, ít nhiều liên tưởng đến bản nguyên con người và tính nữ.

Các cuộc triển lãm gần đây, bên cạnh việc tạo hình các điêu khắc theo lối tư duy tối giản, chị thường hướng đến sự tương tác, thay đổi cách thức sắp đặt các tác phẩm trong các vị thế khác nhau. Cùng với đó là sự thay đổi của ánh sáng để tạo nên những hiệu ứng đa chiều cho tác phẩm. Màu hồng sen cũng là màu chị ưa thích thể hiện với những tác phẩm chất liệu thép khoảng 10 năm trở lại đây. Với chị, sắc hồng không chỉ là điểm nhấn, còn là tín hiệu đơn mà đa sắc cho sự biểu cảm đầy nữ tính. Nó làm cho thép trở nên quyến rũ, uyển chuyển mà cũng rất tự nhiên trong những không gian sắp đặt khác nhau.

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền bày tỏ: “Ở các tác phẩm điêu khắc hiện đại tính kỹ thuật và khoa học là rất quan trọng. Thí dụ, hàn hay bẻ một nét gập với thép là vô cùng khó, phải tính toán rất cẩn thận để khi nét gập đó kết thúc nét gấp phải tạo ra sự vững cho khối. Nếu ta tính sai một li, thì tác phẩm sẽ dễ bị vặn hoặc méo. Đấy là điều không được phép với các điêu khắc thép tấm mỏng”.

Sinh năm 1960, Trần Thanh Thục - họa sĩ sớm được ghi nhận là một nữ tác giả độc sáng với chất liệu tranh vải. Trong số ít ỏi các nữ họa sĩ dùng vải làm chất liệu, thì chị là người có một phong cách riêng hoàn toàn. Không chỉ tận dụng màu của vải để tạo hình mà chị còn sử dụng một cách rất khéo léo và tinh tế những chi tiết, họa tiết được in sẵn bằng màu công nghiệp trên những thước vải với những chủng loại khác nhau để sáng tác.

Triển lãm thép và vải ảnh 1

Họa sĩ Thanh Thục và một tác phẩm tranh cắt vải.

Đề tài yêu thích của nữ họa sĩ là phong cảnh và tĩnh vật với một biên độ rộng mở và đa diện. Ta có thể bắt gặp trên tranh những khoảng khắc tươi đẹp của đất nước và con người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, hải đảo đến miền núi, những nơi chị từng đặt chân đến. Nhưng có lẽ, tình yêu lớn nhất của nữ họa sĩ tranh vải này vẫn là dành cho Hà Nội. Những góc phố cũ kỹ rêu phong hiện lên trong tranh chị dường như đầy nồng nàn. Tỉ mỉ trong từng nét cắt, cẩn trọng trong cách bồi dán các mép vải, nhưng vẫn thấy sự ngẫu hứng của cảm xúc hiển hiện như tâm hồn đa cảm của người đàn bà làm nghệ thuật.

Hơn 30 tác phẩm của chị được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này cũng là những sáng tác mới nhất trong hai năm trở lại đây. Họa sĩ Thanh Thục chia sẻ: “Niềm hạnh phúc của tôi là được vẽ về những vẻ đẹp đầy cuốn hút và bí ẩn của Việt Nam. Từ những trường cảnh, với đỉnh núi uy dũng dang rộng che chở bản làng bình yên, đến những dãy phố cổ hun hút dài, chứa đựng trong mình cả một câu chuyện về đời sống nơi phố thị luôn làm cho tôi xúc động. Vậy nên, mọi miền quê, nẻo đường, những ký ức tuổi thơ đều được nâng niu và trao gửi vào trong các tác phẩm tranh vải. Tôi cảm nhận ở đấy sự thân thương gần gũi và đầy ắp những hoài niệm”.