Tác phẩm mới

Thức cùng tưởng tượng

Đây là tập thơ đầu tay của một tác giả nữ sinh năm 1990, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2019. Chị là Nguyễn Thị Kim Nhung, quê Phú Thọ, tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa, Khoa Viết văn - Báo chí, hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Thức cùng tưởng tượng

Xứ Đoài gồm Sơn Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc là một vùng thơ. Và nó chỉ là vùng thơ khi có sự tiếp nối liên tục. Chỉ tính từ thời hiện đại, ta thấy vùng này có những nhà thơ mà tên tuổi được định danh trong lịch sử văn học như Tản Đà, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Vũ Duy Thông, Hoàng Minh Chính (tác giả bài thơ Đi học được phổ nhạc), Đặng Văn Đăng (Bút Tre)…

Một thế hệ trẻ đang tiếp nối và tôi tin trong đó có Nguyễn Thị Kim Nhung.

Cái mới của Nguyễn Thị Kim Nhung, cũng như đặc điểm chung của những cây bút trẻ thời kỳ sau đổi mới là phản ánh hiện thực qua tiềm thức, qua những “giấc mơ”…, nghĩa là một hiện thực đã chín, đã được nhào nặn, tinh luyện như người thợ gốm dày công nhào đất, vẽ hình, nung lửa để cho ra những sản phẩm tinh xảo. Nhưng Kim Nhung không thoát ly hiện thực, không thể hiện cái tôi một cách cực đoan. Trong cuộc đời của tác giả và thơ có cuộc đời của ông bà, cha mẹ; có ngấn bùn châu thổ và những đám mây mang bóng hình của những thiên kỷ xa xôi…

Thơ Kim Nhung hiển hiện một xóm núi, một xóm núi cũ xưa hàng thế kỷ không nhúc nhích nhưng trong tâm tưởng lại như một cánh buồm mơ ước khơi xa:

Đã lâu ta không về hái

cuống tay ké nở rưng rưng

đàn bò kéo chiều xuống núi

mắt người đăm đắm vào đêm

Xóm núi trôi trong đêm trăng

thiếu nữ nghe ai vừa gọi

đồi núi dong buồm cỏ cây nheo vẫy

giấc mơ nào cũng ra khơi…

(Gửi về xóm núi)

Đây không chỉ là nghệ thuật của tĩnh và động, hư và thực mà là hiện thực của tâm hồn, là nghệ thuật của không gian - thời gian biến ảo.

Nghệ thuật ấy khó giải thích bằng lời nhưng rất ám ảnh:

Đừng nhắc nữa đêm nào củi lửa

bây giờ khuya khoắt trong nhau…

La Thành nặng lòng chở gỗ

gỗ nằm mộng thuở làm cây

mình nhìn giấy nghĩ về điều đã mục

(Tháng chạp)

Người đọc cảm tình với một người con gái xóm núi đã ly nông nhưng không ly hương, nghe thầm kín một lời nhắc mình vẫn nên là mình:

Ngày ý nghĩ con quay về xóm núi

nơi cha cuốc đất mỗi ban mai

giấc mơ con chưa ra khỏi vết đêm

tỉnh thức trong tiếng đá va lưỡi cuốc…

Cha bảo con gái trung du

phải biết ăn rau đắng…

con không nghe con đi tìm cỏ mật

mun mút mùa ăn năn

roi cha gác bếp còn lằn ấu thơ.

(Có một ngày)

Có thể rồi Nguyễn Thị Kim Nhung sẽ khác, thơ chị sẽ khác. Nhưng với tập thơ này, tôi nghĩ đã là một dấu hiệu thi sĩ.