Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể

NDO -

NDĐT - Sáng 23-11, tại Hà Nội, nhân ngày Di sản Văn hoá (DSVH) Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu DSVH phi vật thể do nhà nghiên cứu (NNC) văn hoá dân gian (VHDG) Nguyễn Hải Liên tặng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hải Liên (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hải Liên (Ảnh: TRẦN HẢI)

NNC Nguyễn Hải Liên sinh ra ở vùng đất Quảng Nam, quê hương của nghệ thuật Bài chòi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, là một trong những diễn viên đầu tiên của đoàn ca kịch bài chòi Liên Khu V. Năm 1975, ông vào Nam công tác rồi về Thuận Hải thành lập đoàn dân ca kịch tỉnh Thuận Hải. Chính từ giai đoạn về tỉnh Thuận Hải, là địa bàn có nhiều di tích Chăm, có nền văn hóa Chăm và Raglai phát triển, ông đã có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu.

Với hơn 30 năm nghiên cứu không ngừng nghỉ, ông đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, giấy khen, bằng khen, mà tiêu biểu là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước tặng năm 2017. Ông đã quyết định hiến tặng toàn bộ công trình nghiên cứu hơn 30 năm qua về văn hóa Chăm và Raglai cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam với mong muốn, nguồn tư liệu quý giá trên sẽ được bảo tồn, gìn giữ, sử dụng đúng mục đích.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua hơn 4.000 năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn. Và đây không là việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát huy các di sản VHDG trong thời kỳ hiện đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần dân tộc.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, với sự đa dạng và phong phú về VHDG. Đây là một tài sản vô cùng quý giá, đại diện tâm hồn, cốt cách, bản sắc và biểu trưng của mỗi dân tộc. Vì vậy, hoạt động bảo tồn và làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam phải được bắt đầu từ bảo tồn và làm giàu VHDG của tất cả các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của NNC Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; nêu rõ, trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc. Thủ tướng Chính phủ cam kết, công trình tâm huyết này sẽ tiếp tục được đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng một cách thích đáng trong nhân dân; nêu rõ, sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch (đứng ở góc độ nào đó nó chính là “thương hiệu”, là giá trị và hình ảnh của đất nước chúng ta trong con mắt bạn bè quốc tế mà bấy lâu nay chúng ta còn chưa quan đâm, đầu tư và phát triển đúng cách), mà đây còn là đòn bẩy quan trọng cho đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước. Bạn bè quốc tế đánh giá cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam. Chúng ta có nhiều DSVH được UNESCO công nhận, đặc biệt tâm hồn, bản sắc của người Việt các khía cạnh về đời sống văn hóa. Khi mỗi dân tộc càng đạt tới tầm cao của nền văn minh phổ quát của nhân loại, thì họ càng tự hào dân tộc mình đã đóng góp được gì về mặt văn hóa cho kho tàng văn hóa nhân loại.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một triển khai một số nội dung:

Ngôn ngữ, chữ viết là cội nguồn, là cốt tủy văn hóa của một dân tộc. Vì vậy, muốn giữ được cốt tủy dân tộc, bảo tồn được văn hóa các dân tộc thiểu số, chúng ta phải giữ gìn, bảo tồn chữ viết của đồng bào. Tổng hợp thống kê, báo cáo và đề xuất chi tiết các giá trị VHDG cần được bảo tồn, duy trì và phát triển, đồng thời đề ra những hành động cụ thể. Lựa chọn những giá trị văn hoá nền tảng chung của các dân tộc anh em để phát huy. Tập trung nghiên cứu để chỉ ra, đâu là những yếu tố văn hoá tạo sức mạnh tập thể, đại đoàn kết và tinh thần tự cường, vượt lên chính mình và thách thức để cùng xây dựng một xã hội thịnh vượng, kỷ cương, dân giàu, nước mạnh.

Quan tâm sát sao việc sưu tầm và làm giàu kho tàng VHDG Việt Nam. Kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn DSVH dân tộc, VHDG thông qua các lễ hội truyền thống, hoạt động du lịch cộng đồng. Cần tìm ra và phát huy những giá trị kinh tế, văn hóa trong VHDG; phải biến văn hóa trở thành di sản và tạo sinh kế cho người dân. Đây là vai trò của công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Đồng thời, có chính sách ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với các cá nhân, tổ chức tài trợ, tham gia công tác bảo tồn di sản VHDG nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào văn hóa để khai thác, phát huy những tiềm năng và sức mạnh văn hóa nước ta. Đặc biệt, phải có cách thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp trong việc khôi phục nhiều làng nghề thủ công truyền thống đang dần mai một và có nguy cơ biến mất; hồi sinh những bản làng đặc sắc về văn hóa, kiến trúc và sinh thái, những lễ hội và ẩm thực dân gian, trò chơi dân gian, các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ xưa… Rà soát các khung pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên quan để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có bản sắc, có tính cạnh tranh cao, có khả năng thúc đẩy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc ta.

Thủ tướng nêu rõ, nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, VHDG là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn thì đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc. Yêu cầu làm giàu kho tàng VHDG không chỉ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa mà rất cần những NNC, những cá nhân tâm huyết như NNC Nguyễn Hải Liên chung tay đóng góp, Thủ tướng ủng hộ, khuyến khích và rất vui mừng nếu ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết, cống hiến thầm lặng trong việc giữ gìn, tôn vinh, phát huy các giá trị VHDG phong phú, lâu đời, làm giàu kho tàng VHDG, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, NNC Nguyễn Hải Liên và lãnh đạo Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã ký biên bản thoản thuận hiến tặng.