Sức sống làng ven đô

Vùng đất bãi Văn Ðức ven sông Hồng không chỉ lắng đọng trong đó độ dày phù sa màu mỡ mà cả những trầm tích văn hóa của cư dân Việt qua các thời kỳ lịch sử. Ở nơi ấy, truyền thuyết và hiện thực đan xen, như mạch nước ngầm cuộn chảy, lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ, tạo thành những giá trị bất biến trong sự đổi thay, phát triển của những làng quê ven đô Hà Nội.

Trình diễn múa lễ chữ Thiên hạ thái bình ở đình làng Chử Xá, xã Văn Ðức (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Trình diễn múa lễ chữ Thiên hạ thái bình ở đình làng Chử Xá, xã Văn Ðức (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Lấp lánh huyền tích...

Lâu nay, người dân xã Văn Ðức (huyện Gia Lâm) đã quen với hình ảnh một thanh niên dáng vẻ thư sinh, hằng ngày cặm cụi ghi chép bên những di tích đình, chùa. Có những lúc thấy anh xắn quần lội ruộng hái rau, thu hoạch quả ngoài vườn như một trai làng thực thụ và khi tối đến đã thấy ngồi dự sinh hoạt với Ðoàn Thanh niên tại trụ sở UBND xã. Nếu không được giới thiệu, có lẽ chúng tôi đã nhầm người thanh niên trẻ trung đó là một trong những sinh viên trong đoàn thực tập sinh đang ở Văn Ðức. Càng ngạc nhiên hơn khi được nghe giới thiệu anh là Thạc sĩ Ta-ka-na-ri Phu-gi-ta, nhà nghiên cứu nhân học của Nhật Bản và là người đã có nhiều năm gắn bó với Văn Ðức. Bên cạnh công tác nghiên cứu, anh còn tham gia điều phối dự án “Nông nghiệp sạch- Thành phố xanh” đang triển khai ở vùng đất bãi ven sông này.

Ta-ka-na-ri cho biết, anh đang thực hiện một đề tài về nếp sống cộng đồng dân cư ở nông thôn Việt Nam bởi vậy phải “ba cùng” như cách nói của người Việt, có nghĩa là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với họ. Khả năng diễn đạt tiếng Việt phong phú của Ta-ka-na-ri đã giúp anh và chúng tôi nhanh chóng trở nên gần gũi hơn trong câu chuyện. Nhà nhân học trẻ tuổi người Nhật say mê kể về những hiểu biết anh đã thu thập được về hệ thống di tích cổ kính của làng quê Văn Ðức qua các khảo sát và nhất là những huyền tích cổ gắn với các di tích lưu truyền dân gian từ bao đời nay. Mỗi câu chuyện là một thông điệp mà người xưa muốn truyền lại, nhắn nhủ đến các thế hệ và qua đó giúp Ta-ka-na-ri thêm hiểu hơn về nếp sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Ðiều mà anh cho rằng đáng quý hơn cả là sự trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của người dân Văn Ðức, tiêu biểu cho nông thôn vùng ven sông đồng bằng Bắc Bộ với hệ thống kiến trúc đình, đền, chùa cùng các lễ hội, truyền thuyết đã ăn sâu, trong phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt. Ta-ka-na-ri nhận xét, người dân vùng ven đô bên sông Hồng mang trong mình sự phóng khoáng, năng động của người quen va chạm, tiếp xúc với tứ xứ thương hồ mà vẫn giữ được sự cần cù, chân chất của những nông dân “chân lấm, tay bùn” trên đồng ruộng phù sa vùng đất bãi.

Niềm đam mê và những tình cảm của một người nước ngoài như Ta-ka-na-ri dành cho văn hóa làng quê Việt Nam đã giúp chúng tôi có thêm những góc nhìn và cảm nhận mới về Văn Ðức cho dù đã nhiều lần đi về nơi đây. Là một xã có bề dày lịch sử, nằm ven bờ tả ngạn sông Hồng, cửa ngõ phía đông nam Hà Nội, Văn Ðức hiện có khoảng gần 2.000 hộ gia đình và gần 10.000 người ở năm thôn Trung Quan 1,2,3, Chử Xá, Sơn Hô. Ðây là những làng cổ hình thành từ lâu đời ở vùng đất bãi sông Hồng, lưu giữ gần như nguyên vẹn các di tích với ba đình, hai chùa, một lăng mộ cổ được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và thành phố. Các di tích đã tạo thành một quần thể kiến trúc đặc trưng của vùng đất bãi ven sông Hồng, trong đó nổi bật là làng Chử Xá nơi sinh và phát tích của Ðức Thánh Chử Ðồng Tử, biểu tượng cho truyền thống giao thương, buôn bán của người Việt cổ và là một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống Việt Nam. Hiện tại, ở Chử Xá có đình làng thờ Ðức Thánh Chử Ðồng Tử và Tiên Dung công chúa cùng lăng mộ Chử Cù Vân và vợ (là thân phụ và thân mẫu của Ðức Thánh), tạo thành cụm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô nghìn năm văn hiến đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Ðình Chử Xá có vị trí quan trọng trong số 72 di tích ven sông Hồng thờ Ðức Thánh Chử Ðồng Tử vì đây là quê hương phát tích, gắn với câu chuyện tình sử của chàng trai nghèo Chử Ðồng Tử làm nghề chài lưới và công chúa Tiên Dung con gái Vua Hùng, được trời định se duyên trên bãi cát ven sông Hồng, rồi cùng nhau gây dựng cơ nghiệp, mở bến chợ thông thương buôn bán, mang lại sự sầm uất, sung túc cho nhân dân. Huyền tích ghi dấu qua những di tích, tập tục, lễ hội được lưu giữ trong đời sống khi có đến 80% số dân làng Chử Xá đều mang họ Chử. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, bến sông và đình làng Chử Xá xưa từng nằm trong vùng trung tâm thương nghiệp lớn của khu vực, bên cạnh làng gốm cổ Bát Tràng nổi tiếng.

Ðến Văn Ðức - Chử Xá, bao giờ cũng được người dân nơi đây, từ già đến trẻ tự hào kể cho nghe về điệu múa cổ quê mình với cái tên múa lễ chữ Thiên hạ thái bình gợi lên một thông điệp và tầm nhìn rộng lớn của người xưa. Ðiệu múa cổ của vùng đất ven đô chỉ được trình diễn vào dịp hội làng đầu Xuân hằng năm để tưởng niệm Ðức Thánh Chử Ðồng Tử, giáo dục thế hệ trẻ lòng hiếu thảo, vượt qua gian khó, lao động quên mình để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh các nghi lễ và những hội thi, trò chơi dân gian hấp dẫn khác, màn múa lễ chữ Thiên hạ thái bình là điểm nhấn chính được dân làng và khách dự hội chờ đợi nhất. Theo Trưởng thôn Chử Xá Chử Văn Hà, đã có một thời chiến tranh, rồi những khó khăn kinh tế - xã hội, không có điều kiện duy trì, tổ chức, múa lễ chữ đã bị mai một, đứt quãng và phải đến năm 1991, múa lễ chữ mới chính thức được khôi phục. Là một hình thức diễn xướng mang tính nghi lễ, 22 vũ công là các thiếu niên trong làng ở độ tuổi 12 đến 15 được lựa chọn thực hiện các điệu múa xếp chữ Thiên hạ thái bình theo lối chữ Hán từ chỉ hiệu ra lệnh bằng tiếng trống của người chỉ huy đội múa. Ông Chử Văn Hà cho biết, nghi thức múa lễ chữ thể hiện ước vọng, cầu mong vạn sự được yên bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc của cư dân nông nghiệp. Sở dĩ người xưa chọn bốn chữ “Thiên hạ thái bình” cũng bởi nó gắn với tư tưởng và ước nguyện của Ðức Thánh Chử Ðồng Tử mong muốn lấy sự thái bình, an lành làm trọng để cùng nhau tạo dựng một cuộc sống sung túc, thịnh vượng và hạnh phúc. Múa lễ chữ độc đáo của dân làng Chử Xá đã được nhiều người biết đến bắt đầu từ dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) và hằng năm đều tham gia liên hoan múa cổ Hà Nội đầu Xuân phục vụ nhân dân Thủ đô, khách du lịch tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Chính từ nền tảng của những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ đã tạo nếp sống tốt đẹp của Văn Ðức. Làng quê bên vùng đất bãi ven sông Hồng giờ đang là điểm sáng trong công cuộc xây dựng văn hóa cơ sở và nông thôn mới. Hiện tại các thôn đều có nhà văn hóa, hằng năm, số gia đình đăng ký gia đình văn hóa luôn đạt 95% trở lên. Ðường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa và thường xuyên chỉnh trang sạch đẹp với sự đóng góp tiền và công sức lao động của nhân dân. Phong trào văn nghệ và các hoạt động thể thao có điều kiện phát triển mạnh thu hút đông người tham gia sinh hoạt và tập luyện trong các câu lạc bộ. Giống như nguồn mạch ngầm luôn cuộn chảy, sự tiếp nối, trao truyền qua các thế hệ đã tạo nên những giá trị văn hóa bất biến của vùng ven Văn Ðức. Ðó là ý chí kiên cường, cần cù vượt khó, đùm bọc, yêu thương nhau, là lòng hiếu thảo, thủy chung, cho dù có đi đâu, làm gì cũng luôn hướng về nguồn cội của người dân nơi đây.

Sức sống làng ven đô ảnh 1

Nhóm thiếu niên của đội múa lễ chữ Thiên hạ thái bình.

... đến hiện thực xanh

Phát huy truyền thống của vùng quê phát tích Ðức Thánh Chử Ðồng Tử, lấy tư tưởng thái bình làm trọng, lao động quên mình để hướng tới một cuộc sống ấm no, Văn Ðức hôm nay đã và đang trở thành một điển hình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ði trên những con đường trục liên thôn rợp bóng cây xanh, thông thoáng mới thấy được sức vươn mình mạnh mẽ của vùng đất bãi với các ruộng rau, vườn cây ngút ngát, xanh mướt, trĩu quả. Chủ tịch UBND xã Văn Ðức Trần Xuân Ðiệu cho biết, từ xưa tới nay, nghề chính ở Văn Ðức vẫn là nghề nông với các cây trồng chủ lực là ngô và rau xanh các loại, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ðể nâng cao hiệu quả từ nghề nông, làng đã tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiện tại toàn xã có gần 200 ha trồng rau đều thực hiện theo quy trình an toàn, trong đó có hơn 30 ha thực hiện theo quy trình VietGAP với các cây trồng điển hình như bắp cải, xu hào, củ cải, đậu Hà Lan, súp lơ, cà-rốt, cải tím, cà chua, cải bao, cải ngọt. Với quy trình khoa học trồng rau an toàn về chủng loại, sản lượng tiêu thụ và được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nông dân Văn Ðức có thể yên tâm sản xuất bởi có đầu ra ổn định. Hiện tại, thu nhập bình quân của xã đã đạt hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Ðức Nguyễn Văn Minh, bí quyết thành công từ vùng rau này không có gì khác ngoài bảo đảm các tiêu chí: chất lượng gắn với thương hiệu, sản xuất đúng quy trình, đúng kế hoạch. Nhiều năm qua, chính quyền xã và Hợp tác xã cùng các hội, đoàn thể phối hợp Viện Rau quả Trung ương và Trung tâm Khuyến nông thành phố tổ chức liên tục các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt người, chủ động đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tạo ra các sản phẩm rau đã thành thương hiệu. Các hộ gia đình sản xuất đã ký cam kết thực hiện sản xuất rau an toàn theo quy trình, đồng thời thành lập ban chỉ đạo từ xã đến các thôn, xóm hướng dẫn và giám sát các hộ gia đình thực hiện. Sản lượng rau sạch của Văn Ðức đã tăng nhanh từ gần 10 nghìn tấn/năm (2010), lên 40 nghìn tấn/năm (2018), diện tích cây ăn quả cũng đạt hàng chục héc-ta mang lại nguồn thu hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Văn Ðức đã trở thành một vùng nguyên liệu rau xanh có tiếng của Thủ đô. Trong đó, có khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận và duy trì xuất khẩu từ 300 đến 500 tấn/năm sang thị trường các nước trong khu vực.

Góp phần hỗ trợ Văn Ðức phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, nhiều bộ, ngành và tổ chức đã triển khai và đưa vào thực hiện các dự án mang tính cộng đồng. Mới đây nhất dự án “Nông nghiệp sạch - Thành phố xanh” do Tổ chức Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng (ABC) tiến hành với sự tài trợ của các doanh nghiệp được triển khai tại Văn Ðức nhằm tạo dựng một cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ, đồng lòng bảo vệ những giá trị chung và không gian công cộng. Bước đầu của dự án là nâng cao nhận thức cho cộng đồng thông qua hoạt động trồng cây xanh, tuyên truyền bảo vệ môi trường và trang trí những bức tranh tường nghệ thuật về các ngành nghề truyền thống liên quan nông nghiệp và văn minh lúa nước. Thạc sĩ Tạ Thu Hương, chuyên viên của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) tham gia dự án cho biết: “Ðể thực hiện dự án, chúng tôi đã phải nghiên cứu khá kỹ về tâm lý dân cư, khảo sát và đưa ra những đề xuất để cộng đồng có thể chấp nhận được với mong muốn góp phần tạo ra những không gian sạch đẹp, xanh mát, mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua những bức tranh tường về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về văn hóa nông nghiệp của người Việt và có cách ứng xử, trân trọng với các ngành nghề truyền thống”...

Rời Văn Ðức trong ánh chiều tà, chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở rau quả vào thành phố trong ánh mắt chan chứa niềm vui của người dân. Với một hiện thực xanh như đã thấy, Văn Ðức không chỉ hứa hẹn là điểm đến của sản xuất nông nghiệp mà sẽ còn là một điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái, nơi mang lại những trải nghiệm thú vị về làng quê vùng ven đô Hà Nội.