Phố cổ Hà thành

Phố cổ Hà Nội đã đổi thay, không còn nhiều những mái ngói nâu, những rêu phong hay những nền nếp cũ. Nhưng đừng vội nản lòng trước những cửa hàng cửa hiệu sáng choang. Những gì “rất Hà Nội”, của Hà Nội một thời xưa cũ, vẫn ẩn sau những khuất khúc quanh co...

Khu phố cổ Hà Nội luôn hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: MINH HÀ, TIẾN TUẤN
Khu phố cổ Hà Nội luôn hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: MINH HÀ, TIẾN TUẤN

Phố cổ đã nhạt phai thâm nâu của những mái nhà xưa cũ. Người Hà Nội cũ thường thở dài trước những biến thiên. Có người sưu tầm cả ngàn bức ảnh Hà Nội xưa, cả những tấm ảnh về người Hà Nội của thời xa xăm ấy, thi thoảng bỏ ra ngắm, cho vơi đi nỗi nhớ. Có người tự mày mò học vẽ ký họa. Cứ rảnh rỗi là lê la khắp các góc phố. Âu cũng chỉ vì tìm một “góc cũ” nào đấy của Hà Nội mà vẽ lại. Một mái nhà ngói với ô cửa bé xíu. Một cái ban công thời Pháp để lại, mốc thếch những chậu hoa. Một cây bàng nghiêng nghiêng, thi thoảng lại gieo xuống phố một chiếc lá chuyển màu đỏ ối... Có người chụp ảnh, và cũng chỉ tìm những hình ảnh đến từ quá khứ. Tôi từng gặp nhiều gương mặt như thế. Mới đây thôi, một người vẽ ký họa căn nhà của người sửa quạt cổ có tiếng ở phố Hàng Điếu. Và họ vẽ, trong cái phấp phỏng. Liệu mai này ngôi nhà ấy có còn không? Dễ lắm chứ. Bao nhiêu thứ đã mất đi rồi. Hà Nội sẽ trống vắng lắm, nếu góc phố cũ kỹ ấy mọc lên một cửa hiệu sáng choang. Phố cổ đã đổi thay đến độ khó nhận ra với người đi xa lâu ngày. Nhiều người nói vui rằng, phố cổ bây giờ “đỡ đẹp hơn”. Ấy thế mà, ngay khi những cao ốc, khách sạn sáng choang đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cái không gian vỏn vẹn khoảng một trăm héc-ta này, phố cổ vẫn chưa bao giờ mất đi sự cuốn hút đến lạ kỳ...

Phố cổ Hà thành ảnh 1

Giếng nước trong ngõ 86 Hàng Trống. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Ngõ Hà Nội nhỏ. Người lạ thường ngần ngại khi bước vào, khi những con ngõ thường cứ hẹp dần. Mà ngõ, đôi khi lại liên tục có ngã rẽ, như thể những nếp gấp trên khuôn mặt một người đã đi qua tháng năm tính bằng thế kỷ. Rất có thể người ta sẽ chậc lưỡi quay ra với suy nghĩ đó sẽ là một con ngõ cụt. Nhưng nếu cứ mạnh dạn dấn bước, biết đâu đấy, một thế giới khác lại mở ra... như câu chuyện của ngõ Tạm Thương. Tạm Thương, cái tên thôi nghe đã gợi lên cảm giác thân quen, gần gụi. Phía bên ngoài là thế giới của quà vặt. Nhưng đi sâu hơn, bất chợt hiện ra một mái đình Yên Thái uy nghi. Mấy ai ngờ được, bên trong con ngõ hun hút lại có đủ cây đa, sân đình và cả... giếng cổ. Gần nghìn năm trước, nàng Ỷ Lan đã từng ở nơi này trước khi nhập cung rồi được vua Lý Thánh Tông tấn phong làm Nguyên phi. Không gian tịch mịch. Thi thoảng văng vẳng bài hát văn thủ từ cho mở. Nơi công cộng, âm lượng chỉ mở đủ nghe. Thanh tịnh, êm đềm đến lạ. Nhưng ngạc nhiên hơn cả chính là giếng cổ phía sau đình. Nghe kể, khi Hà Nội có nước máy, nhiều người bàn lấp đi để có thêm không gian. Bàn đi tính lại, cái giếng đã được giữ lại. Và nếu muốn hiểu thêm về cuộc sống xưa, không gì khác hơn chính ở chiếc giếng tuổi đời nhiều thế kỷ này.

Tưởng như là cái dễ mất đi nhất khi xã hội bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, thế mà phố cổ có nhiều giếng cổ hơn tất cả những gì người ta vẫn hình dung. Đền Bạch Mã có giếng nước tuổi đời hàng mấy trăm năm, hiện người ta đã cho làm cổ giếng bằng đá hình hoa sen rất đẹp. Đình Đông Thành (số 7 phố Hàng Vải) cũng có một giếng cổ tuổi tính bằng trăm năm. Đi sâu vào ngõ Hàng Chỉ, còn nguyên một cái giếng thơi trong mát. Nước máy đã về đủ đầy từ lâu. Kệ, nhiều người vẫn thích dùng nước giếng. Thậm chí lấy nước đun uống. Lý do? Bởi đấy là mạch nước phố cổ! Lạc hậu hay không lạc hậu? Thật khó lý giải. Tình cảm đôi khi vẫn thắng lý trí là lẽ thường tình. Những cảm xúc lẫn lộn thường xuất hiện khi bắt gặp những chiếc giếng cổ giữa phố thị ồn ào. Những lớp màu thời gian hiện lên bên thành giếng. Quá khứ và hiện tại đan xen. Nhiều người có dịp hồi tưởng về những ngày xưa cũ. Đó là lý do rất nhiều khách du lịch “phượt” chỉ để ngắm những chiếc giếng thơi, thứ mà ở các vùng quê cũng đang mất dần.

Phố cổ Hà thành ảnh 2

Ngõ - phố Hà thành quanh co, khuất khúc. Nó thiếu đi sự gia công bởi những nhà quy hoạch, quản lý tài ba. Nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình kiến trúc Nguyễn Hữu Bảo từng bảo: Nếu các căn nhà của phố cổ mà đồng bộ về kiến trúc, thống nhất về chiều cao, về các mái thò ra, thụt vào thì... không còn là phố cổ, không còn sự hấp dẫn. Nhưng cái khuất khúc ấy luôn ẩn chứa những bất ngờ thú vị. Một chiếc giếng thơi thanh bình có thể hiện ra. Một quán nhỏ phải luồn qua những con ngõ quanh năm không thấy bóng mặt trời. Cái quán đơn sơ ấy đôi khi lại đang tàng chứa một nếp nhà Hà Nội, một phong vị ẩm thực rất đỗi Hà thành... Như ở phố Hàng Bè, một cái ngõ nhỏ đến nỗi ai cũng nghĩ thuộc về tư gia, không hề quán xá. Nhưng đi sâu đến hơn chục mét trong con ngõ một người đi vừa, mới hiện ra một tấm biển nho nhỏ “Ốc nóng”. Cái quán nhỏ kỳ lạ ấy chon von mà lại rất “sang chảnh”. Anh chàng chủ quán gầy gò, chỉ nhận bán cho khách đặt hàng. Tâm lý của người Hà Nội xưa ưa sự “vừa đủ”, thì ở đây cũng thế. Cảm giác anh chàng chủ hàng không muốn phục vụ thêm khách. Nếu tự dưng rẽ qua, nhà chủ sẽ mời bạn quay về bằng một giọng ôn tồn, hòa nhã. Muốn có một chỗ trong đó không dễ. Người ưng các món ốc kiểu Hà thành thường chen chân đặt từ rất sớm. Ngõ nhỏ, nhà chật, tự dưng bước vào không ai bảo ai, người ta đi nhẹ, nói khẽ, một cách rất Hà Nội. Và tôi chưa từng chứng kiến người nào ra về mà không trầm trồ thán phục.

Người mới đến Hà Nội sẽ ngần ngại khi phải qua những “ngõ luồn”, qua những quanh co để đến một quán ăn, hay chỉ để nhâm nhi một cốc trà, một cốc cà-phê. Đôi khi người ta phát hoảng vì phải đi qua cái cầu thang chênh vênh. Nhưng người lâu năm ở Hà Nội không thế. Nhiều thương hiệu ẩm thực nằm sâu trong ngõ. Không chắc đã là những quán tinh tươm ở những mặt tiền. Muốn ăn phở Hà Nội ư? Phở Sướng, cái tên chỉ quen thuộc với những người dân phố cổ nằm khiêm nhường trong ngõ Trung Yên. Không phô trương, quảng bá, chỉ độc một tấm biển nho nhỏ. Nước phở trong, chứ không ngầu lên như bát phở “đời mới”, vị thanh. Người sành thích đến, vì nó đúng chất Hà thành. Phố Hàng Đào, có món gà trộn. Đặt trước vẫn phải đợi mới đến lượt có ghế ngồi. Người chen nhau ninh ních. Thế mà lại thú. Món ăn ngon, gần như “không đụng hàng”, mà lại có những trải nghiệm thú vị. Thế mới hiểu tại sao trên thế giới không hiếm những phong cảnh đẹp, những công trình kỳ vĩ, mà khách du lịch tứ phương cứ dồn về khu phố cổ hẹp vanh vanh như bàn tay xòe này.

Phố cổ, như một thiếu nữ thâm trầm, nhưng tinh nghịch, muốn người ta phải qua thử thách. Khi người ta bắt đầu thất vọng trong cuộc tìm kiếm những nét cũ cảnh xưa, thì bất chợt, lại có một song xưa cửa cũ, mà cảm giác bên trong ấy đang có một thiếu nữ tư lự nhìn xa. Khi mệt mỏi với những lập lòe xanh đỏ, thì phố cổ lại “cứu” người ta bằng những góc “muôn năm cũ”. Một quán nước bị thời gian bỏ quên. Một bà lão chuyên bán món đồ chỉ người xưa mới có...

Hà Nội là như thế. Người ta vẫn đi qua nhiều con “phố Hàng”, và chỉ biết nó “cổ cổ, cũ cũ”. Vẫn những con phố ấy, nếu đi chậm lại, tạm bỏ những cao ốc sang một bên và nhìn bằng một “góc nhìn khác”, sẽ quá dễ để nhận ra: Bên cạnh một căn nhà ống truyền thống Việt Nam, lại có một căn nhà mang phong cách kiến trúc Trung Hoa. Đi vài bước nữa, lại bắt gặp một căn nhà kiến trúc Đông Dương (pha trộn kiến trúc Pháp - Việt), hay kiến trúc art-deco thời thượng của những năm đầu thế kỷ trước. Chúng nằm cạnh nhau, nhưng không “xung đột” nhau. Hay đúng hơn, nó tạo nên một nhịp điệu vận động của kiến trúc, như dòng chảy của cuộc sống. Ra-ma Mác-tin, người đàn ông U-ru-goay nhiều năm công tác tại Hà Nội, không ngại ngần khi gọi Hà Nội là “cô ấy”. Tôi rất ưng cái cách ông bảo “nàng thơ” của ông giống như một bát phở. Người ta có thể kể ra gần hết gia vị, nhưng hiếm người biết đầy đủ công thức. Người ta chỉ có thể cảm nhận những gia vị ấy hòa quyện với nhau thành một bát phở ngon.

Chẳng đâu xa như đình Kim Ngân, bí mật vẫn ẩn chứa ngay trong những gì tưởng như quen thuộc. Nền các di tích thông thường cao hơn không gian chung quanh khá nhiều, để thể hiện sự tôn kính đối với các đối tượng được thờ cúng. Riêng đình Kim Ngân từ phố vào đình, khách tham quan sẽ phải đi xuống một bậc thềm, sân di tích thấp hơn mặt đường phố Hàng Bạc đến non một mét. Rất nhiều người đã băn khoăn không hiểu sao khi tu bổ người ta không tôn nền lên, để việc thoát nước dễ dàng. Nhưng đằng sau đó lại là một bí mật. Khi tu bổ đình Kim Ngân mấy năm trước, các nhà khoa học phát hiện ra cốt nền sân đình đời Lê thấp so với mặt phố cả mét. Thay vì tôn lên, đơn vị thi công đã quyết định giữ nguyên cốt cũ, để mọi người có thể hình dung đình Kim Ngân thuở trước. Một chi tiết rất nhỏ, nhưng đã hàm chứa một câu chuyện dài. Đã bao biến thiên ẩn chứa dưới một mét đất dày ấy...

Vẫn còn nhiều điều phải bàn trong bảo tồn phố cổ. Nhưng đừng vì thấy những hiện đại sáng choang mà đã vội nản lòng. Cái đẹp của Hà Nội xưa cũ luôn ẩn sau những khuất khúc.