Nỗi niềm rối nước Thành Nam

Phải hẹn đi hẹn lại vài lần, chúng tôi mới gặp được nghệ sĩ rối nước Phan Văn Mẽ, bởi thời điểm này, ông rất bận rộn với những hợp đồng biểu diễn phục vụ thiếu nhi trong dịp hè. “Nghề rối của chúng tôi lúc thì chơi dài, lúc thì bận túi bụi”, đón chúng tôi trong ngôi nhà của mình, ông Mẽ chia sẻ…

Nghệ sĩ Phan Văn Mẽ làm quân rối
Nghệ sĩ Phan Văn Mẽ làm quân rối

Nghệ sĩ rối nước Phan Văn Mẽ sinh ra tại thôn Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình giàu truyền thống. Mảnh đất này là một trong những cái nôi của nghệ thuật rối nước nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ. Gia đình ông đã có bảy đời gắn bó với nghề rối nước. Cha của ông là nghệ nhân dân gian Phan Văn Ngải, tác giả của hình tượng chú Tễu giáo đầu từng được trưng bày tại Bảo tàng Lu-vrơ ( Pháp) và được mời truyền dạy nghề rối nước cho các nghệ sĩ Đoàn múa rối Trung ương (nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam). Có thể nói, cha của ông Mẽ là người đặt nền móng đầu tiên của nghệ thuật rối nước tại nhà hát. Em trai ông, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người đầu tiên đưa mô hình rối nước thu nhỏ, phù hợp với những chuyến lưu diễn và đã rất thành công. Không đi theo em trai, ông Mẽ chọn cho mình con đường nhọc nhằn hơn, đó là ở lại làng Rạch để bảo tồn, duy trì và phát huy nghệ thuật rối nước truyền thống của gia đình, của quê hương.

Bên chén trà sen thơm ngát, nghệ sĩ Phan Văn Mẽ bồi hồi: “Ngay từ trong bụng mẹ, nghệ thuật rối nước đã ngấm vào trong từng mạch máu, từng thớ thịt của tôi”. Lúc còn rất nhỏ, cậu bé Mẽ đã tập làm những con rối đơn giản. Cậu có thể ngồi say sưa hàng giờ xem cha đục đẽo, sáng tạo những quân rối. Từ những khúc gỗ vô tri, người nghệ sĩ đã tạo nên những chú Tễu, bà tiên, đức vua, hay hoàng hậu…, sau đó truyền hồn cốt vào những con rối, khiến nó trở nên sinh động. Khi lớn hơn, cậu theo đoàn rối nước của bố đi biểu diễn khắp nơi. Không ngại việc, cậu bé Mẽ làm từ những việc nhỏ nhất như dựng sân khấu, lo âm thanh, ánh sáng, rồi phụ biểu diễn, thậm chí cậu còn tham gia làm những con rối đơn giản. 14 tuổi, nghệ sĩ Phan Văn Mẽ bắt đầu tiếp nối nghề truyền thống của gia đình mình. Năm 1988, cha ông Mẽ, nghệ nhân dân gian Phan Văn Ngải, tự bỏ tiền thành lập đoàn rối nước Sông Ngọc, đây là đoàn rối nước tư nhân đầu tiên, được mời đi biểu diễn khắp nơi và đã tạo được tiếng vang lớn thời kỳ đó.

Năm 2007, đoàn rối nước Sông Ngọc mở cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh, ông Mẽ vào miền nam và trở thành hạt nhân biểu diễn chính của đoàn. Sau vài năm, ông trở về quê, thời điểm đó, nghề rối nước rất khó khăn, ông Mẽ phải làm rất nhiều việc để duy trì nghề Tổ. “Có thực mới vực được đạo”, ông Mẽ mở xưởng làm quân rối riêng với khoảng 10 lao động, ngoài việc làm con rối phục vụ biểu diễn, xưởng của ông còn sản xuất con rối làm đồ lưu niệm đưa lên Hà Nội bán. “Rất may lúc ấy có ít người làm con rối cho nên hàng của xưởng tôi bán rất chạy, gần như sản phẩm nào làm ra là bán hết ngay, có lúc còn không kịp đơn đặt hàng. Lấy ngắn nuôi dài, nhờ đó mà tôi duy trì được nghề truyền thống của cha ông mình”, ông Mẽ chia sẻ.

Năm 2014, được sự ủng hộ của cả gia đình, ông Mẽ quần tụ những nghệ sĩ rối nước tâm huyết với nghề trong làng và thành lập Đoàn rối nước dân gian Thành Nam. Trong đó, người cao tuổi nhất là nghệ nhân Phan Văn Hữu, lúc ấy đã hơn 70 tuổi, nhưng với lòng yêu nghề, ông vẫn sát cánh cùng các thành viên trong đoàn đi biểu diễn không chỉ tại địa phương mà còn cả các vùng lân cận. Là người đứng đầu, ngoài việc lo nghệ thuật, tìm kiếm khán giả, ông Mẽ còn phải bảo đảm thu nhập cho các thành viên trong đoàn. Ông tìm cách liên hệ với các trường học, cơ quan, đơn vị để ký hợp đồng biểu diễn. Thời điểm tháng giêng âm lịch hằng năm, đoàn của ông thường đến biểu diễn tại các lễ hội. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu Rối nước Thành Nam được khẳng định, nhiều đối tác, bảo tàng đã tìm đến đoàn rối nước của nghệ sĩ Phan Văn Mẽ mời liên kết biểu diễn như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh…, hay chỉ đơn giản là nhờ ông đào tạo lớp nghệ sĩ rối nước kế cận.

Nỗi niềm rối nước Thành Nam ảnh 1

Đoàn rối nước dân gian Thành Nam trong một buổi biểu diễn lưu động

Câu chuyện của chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng. Ông liên tục phải hướng dẫn tốp thợ của mình một số kỹ thuật làm con rối. Thậm chí, có lúc ông còn phải làm mẫu, “đi” một vài nhát đục. Ông cho biết: đặc trưng của phường rối làng Rạch là người nghệ sĩ vừa có thể làm quân rối, đồng thời cũng là người biểu diễn luôn. Vì thế, trong quá trình biểu diễn, chúng tôi có thể rút kinh nghiệm được ngay về hệ thống máy móc bên trong quân rối, để có thể kết hợp nhuần nhuyễn hơn trong lần biểu diễn sau. Làm ra được một quân rối phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của người thợ. Chất liệu làm con rối phải là loại gỗ sung, một loại gỗ dai, nhẹ, dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối có thể dễ dàng biểu diễn. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua tám công đoạn: tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ mầu. Sơn thì phải dùng sơn ta, mỗi bước sơn cách nhau năm ngày. Khâu cuối cùng là gọt giũa, đánh bóng và trang trí để tôn thêm đường nét và tính cách từng nhân vật. Thông thường, quân rối nước gồm hai phần: phần thân nổi trên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới nước giữ cho rối nổi, đồng thời là nơi lắp máy điều khiển. Tuy nhiên, sự thành công hay thất bại của buổi biểu diễn phụ thuộc phần nhiều vào kỹ xảo điều khiển rối của nghệ sĩ. Tay nghề điều khiển con rối sẽ tạo ra những cử động, hành động linh hoạt và nhiều vẻ của con rối. Tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, đồng thời ông cũng là người thợ sáng tạo nên những con rối, lại kiêm luôn phần viết kịch bản những tích trò. Ngoài những tích cổ, nghệ sĩ Phan Văn Mẽ còn sáng tác nhiều kịch bản mới, hấp dẫn như “Cu Tý đánh hổ”, “Thạch Sanh chém đầu trăn tinh…”. Ông cũng đã phục dựng và biên đạo lại phiên bản tích trò “Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên” theo cách hoàn toàn mới về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Khi được hỏi về những trăn trở của mình, trước thực trạng phần lớn lớp trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề rối nữa, ông Mẽ trầm ngâm: “Đó chính là lo lắng lớn nhất của tôi”. Mặc dù người dân làng Rạch luôn có ý thức trong việc bảo tồn nghệ thuật rối nước thông qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Nhưng để cuốn hút những người trẻ thật sự say nghề, yêu nghề, sống chết với nghề như ông Mẽ hay các nghệ nhân trong làng thì lại là điều quá khó khăn. Hiện nay, trong ba người con của ông chỉ có con trai thứ ba theo nghề. Nhiều thanh niên trong làng trước đây cũng đã học và theo nghề rối, nhưng nay một số đã bỏ nghề đi làm việc khác. Bởi lẽ, bên cạnh những thuận lợi là được khán giả, nhất là trẻ em yêu mến, còn có những khó khăn nhất định. Để có được một tiết mục biểu diễn, các nghệ sĩ phải dàn dựng, chuẩn bị con rối, tập luyện rất nhiều ngày. Bên ngoài là sự vui mừng, háo hức của khán giả, là những tràng vỗ tay không ngớt trước một tích trò hay. Nhưng sau bức màn che, các nghệ sĩ trình diễn múa rối nước phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ trong làn nước lạnh ngập đến ngang hông để điều khiển các con rối bằng hệ thống dây được bố trí bên ngoài và dưới nước. Đang thử máy móc để chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới, nghệ sĩ trẻ Phan Văn Hậu chia sẻ, mặc dù đã có các dụng cụ bảo hộ, tuy nhiên, nếu là mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông đứng trong làn nước đó cảm giác được cái lạnh thấu gan ruột. Cùng chung tâm trạng, nghệ sĩ Phan Ngọc Tân chia sẻ, mỗi đoàn rối có một thế mạnh và bí quyết riêng, cho nên trước đây nghề rối nước chỉ truyền cho con cháu trong dòng họ. Thậm chí, trước lúc biểu diễn còn phải cử một đội bảo vệ canh gác ở hai đầu sân khấu, phía trong hậu đài người lạ không được phép vào vì sợ bị học lỏm bí quyết. Nhưng nay đã khác nhiều rồi, nghề đã tìm đến người mà người lại không mặn mà với nghề…

Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống, đã từng biểu diễn ở nhiều nơi, cả trong nước và nước ngoài, đào tạo rất nhiều lớp học trò với phương châm là không giấu nghề, nghệ sĩ rối nước Phan Văn Mẽ đã từ chối nhiều cơ hội phát triển, ông chỉ có một mong muốn là làm thế nào để nghệ thuật rối nước truyền thống của làng, của gia đình không bị mai một. Trong khi hiện nay, trước thực trạng số lượng các nghệ nhân cao tuổi trong làng ngày một ít đi, ông rất mong nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các cơ quan văn hóa, để bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này được bảo tồn, duy trì và phát triển. “Để truyền thụ văn hóa, để bảo tồn lịch sử, để thế hệ sau không làm mai một văn hóa, tôi nguyện là người gánh văn hóa đến với những tâm hồn trẻ”, lúc chia tay, người nghệ sĩ đầy tâm huyết đã thốt lên như vậy…

Làng Rạch có phường rối của ba dòng họ: Mai, Phạm, Phan, chủ yếu mang tính chất cha truyền con nối. Nhiều gia đình có bốn, năm thế hệ cùng làm nghề. Trước đây, các nghệ sĩ trong đoàn chủ yếu là nam giới, do các nghệ nhân chỉ truyền cho con trai để giữ bí quyết của nghề. Hiện tại, đã có nữ giới tham gia biểu diễn. Phường rối nước làng Rạch đến nay đã trải qua bảy, tám thế hệ. Nghệ thuật rối nước của làng đã vượt qua khuôn khổ “ao làng”, được mời đi biểu diễn khắp cả nước và nước ngoài như: Pháp, Thụy Điển, Ca-na-đa và một số nước Tây Âu…