Những điều đặc biệt về bức "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ

NDO -

Bức tranh "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ vừa cán mốc giá 3,1 triệu USD, trở thành bức tranh cao nhất có giá công khai của mỹ thuật Việt Nam tại phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's Hong Kong chiều 18-4, gây xôn xao trong giới mỹ thuật.

Bức chân dung trong phiên đấu giá. Ảnh: Sotheby's.
Bức chân dung trong phiên đấu giá. Ảnh: Sotheby's.

Theo Sotheby’s, “Chân dung Madam Phương” là bức tranh hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi, Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Trung Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ".

Bức chân dung sơn dầu khổ lớn vẽ một cô gái trong trang phục áo dài cổ điển, tóc vấn khăn, đi guốc cao, lối vẽ giản dị chân phương. Bức tranh được trưng bày lần đầu tiên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris.

Những điều đặc biệt về bức
 Bức chân dung. Ảnh: Sotheby's.

Theo diễn giải của Sotheby's, bức chân dung là một trong các tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân của nhà Dumonteil - Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (Tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil). Madam Dothi Dumonteil là một phụ nữ Pháp gốc Việt (người Huế) di cư đến Pháp từ khi còn rất nhỏ. Cùng với chồng là ông Pierre Dumonteil - một nhà sưu tầm và nhà đấu giá có kiến thức uyên bác về lịch sử và thị trường nghệ thuật, Madam Dothi Dumonteil đồng sáng lập Galerie Dumonteil, có trụ sở ở Paris và các chi nhánh ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Manhattan (New York). Trong suốt 30 năm, ông bà đã sưu tầm nhiều tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam danh tiếng.

Những điều đặc biệt về bức
 Bức tranh trong cảnh phim "Mùi đu đủ xanh".

Bức họa “Chân dung Madam Phương” từng xuất hiện trong một cảnh phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng năm 1993.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, bức tranh có vẻ đẹp đặc biệt bởi nó mang một phong cách hoàn toàn khác so với các tác phẩm sau này của họa sĩ Mai Trung Thứ. Ở “Chân dung Madam Phương”, cách vẽ của ông mộc mạc, chân phương hơn, tạo hình cũng “hàn lâm” hơn so với cách vẽ biến ảo sau này đã tạo nên tên tuổi ông.

Những điều đặc biệt về bức
 Họa sĩ Mai Trung Thứ. Ảnh: Pinterest.

Họa sĩ Mai Trung Thứ sinh ngày 10-11-1906 tại thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Từ năm 1925 - 1930, ông theo học khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ban đầu, ông theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu với các đề tài cảnh sinh hoạt nông thôn Việt Nam thời đó. Sau này, họa sĩ chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu đã tạo nên tên tuổi ông về sau.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại đây, hàng loạt tác phẩm tranh lụa của ông đã ra đời với đề tài chính là những cô gái Huế và khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương cùng các đền đài, lăng tẩm. Những năm tháng làm việc tại đây đã tạo nên phong cách, tên tuổi và chỗ đứng vững chắc của ông trong nền hội họa hiện đại Việt Nam. 

Trong thập niên 1930, cùng với một số hoạ sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italy (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp.

Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936, Mai Trung Thứ quyết định ở lại sống và hoạt động nghệ thuật tại Paris, nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài...

Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong đó có nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (học trò của ông) theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 10-10-1980, ông qua đời tại Paris.

Họa sĩ Mai Trung Thứ được xếp vào nhóm "Việt Nam tứ kiệt" ở châu Âu cùng ba danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm.