Những bóng hồng trên công trường khảo cổ

NDO -

Nắng nôi bụi bặm hoặc sương gió rét mướt, lại toàn ở những khu vực hẻo lánh, thậm chí không có dấu chân người, những công trường khảo cổ học tưởng chừng như không bao giờ phù hợp với phụ nữ. Nhưng vẫn có những bóng hồng ngày đêm cặm cụi trên công trường khảo cổ.

GS Lâm Mỹ Dung ( đứng thứ 3 từ trái sang) và TS Nguyễn ANh Thư (áo đen đứng) tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.
GS Lâm Mỹ Dung ( đứng thứ 3 từ trái sang) và TS Nguyễn ANh Thư (áo đen đứng) tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Công trường khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), mới vào đầu hè nhưng cái nóng đã gay gắt và rát bỏng. Dưới những hố khai quật sâu vài mét, phơi mình dưới cái nắng chang chang là những bóng người bít bùng kín mít, cặm cụi xúc từng xô đất, tìm bới từng mảnh gốm, miếng đá. Hai trong số những người đó là GS Lâm Mỹ Dung, nữ GS duy nhất trong chuyên ngành khảo cổ Việt Nam, và TS khảo cổ Nguyễn Anh Thư. Họ là những nữ chuyên gia khảo cổ hiếm hoi còn sót lại ở môi trường công việc vô cùng khắc nghiệt này. 

Những bóng hồng trên công trường khảo cổ -0
 GS Lâm Mỹ Dung (người mặc áo bò xanh, đứng trên bờ) tại hiện trường di chỉ Vườn Chuối.

Đây chỉ là những ngày làm việc hết sức bình thường của chuyên ngành khảo cổ. TS Nguyễn Anh Thư cho biết, công việc khai quật ngoài hiện trường không dành cho phụ nữ, không phù hợp với giới “chân yếu tay mềm”. “Đặc thù của khảo cổ là luôn ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, thậm chỉ không có dấu chân người đặt đến. Thí dụ như những hang phát hiện dấu tích người tiền sử ở trên núi, trong rừng sâu, chúng tôi phải mở đường vào, rất khó khăn và nguy hiểm. Nếu có khai quật ở trung tâm hoặc các thành phố (khảo cổ học đô thị), lại là những công trường đặc biệt, vì thường làm ở các công trình xây dựng, mức độ khó khăn, nguy hiểm  cũng không kém so với khảo cổ vùng sâu, vùng xa”. Phơi nắng, dầm mưa, lội bùn, lội suối, bị vắt cắn, trèo leo… tất cả những việc này những nhà nữ khảo cổ đều phải chấp nhận làm như những người đàn ông khác để hoàn thành công việc của mình. 

Những bóng hồng trên công trường khảo cổ -0
 TS Nguyễn Anh Thư tại công trường khai quật ở Thanh Hóa.

Trên công trường khảo cổ, chính bởi vì đặc điểm ở xa, di chuyển nhiều, lại cần nhiều thiết bị, dụng cụ, cho nên mỗi chuyên gia đều phải phụ trách rất nhiều việc. Điều đó có nghĩa là không ai làm hộ ai việc gì. Và các nhà khảo cổ nữ cũng phải tự làm toàn bộ phần việc của mình kể cả những việc rất nặng nhọc mà không có bàn tay hỗ trợ của các đồng nghiệp nam. 

Thêm vào đó, chấp nhận bước chân vào công việc khảo cổ cũng có nghĩa là phải chấp nhận những chuyến đi xa dài ngày, di chuyển liên tục, khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc vô cùng cao để đáp ứng được thời hạn giải phóng mặt bằng hoặc cho kịp tiến độ thi công. TS Nguyễn Anh Thư cho biết, phụ nữ làm nghề này phải được sự đồng thuận, ủng hộ và hậu thuẫn rất lớn của gia đình, nếu không sẽ không thể trụ lại được với nghề. Chưa kể, nghề khảo cổ học gắn liền với di vật, di cốt, mộ táng..., những thứ hoàn toàn không hề “dễ chịu” đối với phụ nữ. Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Anh Thư, nghề khảo cổ học là một nghề vô cùng kén người, có tính chọn lọc cao. Hiện nay tính trên cả nước, số nhà khảo cổ học nữ chiếm chưa đầy số ngón tay trên một bàn tay, khoảng hơn một nửa số đó ở Hà Nội. 

Không chỉ vậy, số lượng sinh viên thi vào và theo học ngành khảo cổ cũng rất hiếm hoi. TS Nguyễn Anh Thư cho biết, ở chuyên ban khảo cổ của khoa lịch sử, rất hiếm sinh viên theo học, huống hồ là sinh viên nữ. Năm nào nhiều sinh viên nhất mới được bốn người, và số sinh viên nữ nhiều nhất cũng chỉ là hai người, luôn đứng trước nguy cơ “đóng ngành”. Và không phải ai học bộ môn khảo cổ cũng trở thành những nhà khảo cổ thực thụ, ra hiện trường tìm hiện vật. Có nhiều người lựa chọn công việc nghiên cứu, viết tạp chí, thống kê… cũng liên quan đến khảo cổ nhưng không phải phơi nắng, phơi mưa. 

TS Nguyễn Anh Thư cho biết, một nghịch lý là, trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, số lượng các nhà khảo cổ và các nhà khảo cổ nữ nhiều và đều đặn tăng lên, có những nước có tới vài nghìn nhà khảo cổ học, như Trung Quốc, Nhật Bản, hay Thái Lan…

Vậy những “bóng hồng” trên công trường khảo cổ làm thế nào để vượt qua khó khăn và hoàn thành công việc của mình. Câu trả lời là chăm sóc bản thân, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, trẻ trung. Và điều quan trọng nhất, như TS Nguyễn Anh Thư chia sẻ, đó là được làm công việc mình thích, điều đó đem lại động lực cho các nhà khảo cổ vượt qua tất cả mọi khó khăn. “Khảo cổ là một công việc kích thích trí tưởng tượng và đam mê khám phá, không hề nhàm chán. Mỗi một di chỉ khảo cổ được khai quật lại cho những điều mới mẻ khác nhau, không ở đâu giống ở đâu cả. Chúng tôi luôn tìm thấy cái mới, và đó là niềm vui công việc, là đam mê của chúng tôi”.