Những biểu tượng của lòng tự hào dân tộc

NDO -

Ngày 1-9, tại Hà Nội, trong chuỗi những hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”. Triển lãm được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) thực hiện. 

Triển lãm 'Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - biểu tượng của lòng tự hào dân tộc Việt Nam' thu hút sự quan tâm của người xem.
Triển lãm 'Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - biểu tượng của lòng tự hào dân tộc Việt Nam' thu hút sự quan tâm của người xem.

Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ khối tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, một số tài liệu do gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến (Hà Nam) và các cơ quan, các cá nhân cung cấp, để giới thiệu các biểu trưng quan trọng nhất của quốc gia là Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy cùng với những câu chuyện đặc biệt về quá trình ra đời của những biểu trưng đó.

Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng. Đây là biểu tượng thiêng liêng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Những biểu tượng của lòng tự hào dân tộc -0
 Giới thiệu về Quốc ca.

Lá cờ này xuất hiện lần đầu trong khởi nghĩa Nam Kỳ (1940). Hiện tại vẫn chưa rõ ai là tác giả tạo ra Quốc kỳ Việt Nam do quá trình sáng tạo lá cờ diễn ra trong khoảng thời gian các lực lượng cách mạng ở Việt Nam còn đang hoạt động bí mật. Chỉ ba ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập,  tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 5-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quyết định “Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng”. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (ngày 2-3-1946) đã biểu quyết nhất trí chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quốc ca Việt Nam là bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Bài hát mang âm hưởng thiêng liêng, hào hùng, sôi nổi đã cổ vũ tinh thần, lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân Việt Nam. Bài hát được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong mùa đông năm 1944 trên gác căn nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) trong cao trào Kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa. Ngày 2-9-1945, Tiến quân ca vang lên trang trọng trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Bài hát đã đi theo các chặng đường cách mạng của nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Những biểu tượng của lòng tự hào dân tộc -0
 Một số mẫu dự cuộc thi sáng tác Quốc huy.

Quốc huy Việt Nam thể hiện chủ quyền và bản sắc dân tộc, là biểu tượng cho quốc gia độc lập. Sự ra đời của Quốc huy Việt Nam gắn với vai trò và tài năng của cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Trong những năm 1953 - 1955, ông đã phác thảo tới 112 mẫu Quốc huy rồi lựa chọn được 15 mẫu tiêu biểu nhất để trình và được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội góp ý, chỉnh sửa, hoàn chỉnh và tháng 1-1956 đã thông qua bản chính thức.

Trong di bút của mình, họa sĩ Bùi Trang Chước kể lại: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp, dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ. Khi thực hiện sơn mài là sơn son thiếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của ta hay dùng. Các mẫu này sau đó được trình Bác Hồ, Bác chọn góp ý: Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại”.

Những biểu tượng của lòng tự hào dân tộc -0
 Cuốn sách Cách mạng Tháng Tám Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946 (Văn kiện Đảng và Nhà nước) vừa được xuất bản.

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI đã quyết định chọn Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức như ngày nay. Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy Việt Nam thể hiện đầy đủ, súc tích và có tính biểu tượng cao về đất nước và con người Việt Nam, là những biểu trưng về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, về ý chí bất khuất kiên cường và tinh thần độc lập tự do trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuộc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” góp phần tôn vinh những biểu tượng dân tộc cũng đồng thời phát huy giá trị của những tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý giá.

Triển lãm sẽ kéo dài hết năm 2020 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (số 34 Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội).

Cùng với sự kiện khai trương Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”, Nxb CTQG Sự thật phối hợp Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước xuất bản cuốn sách “Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946 (Văn kiện Đảng và Nhà nước)”.

Nội dung các văn kiện được tập hợp giới thiệu trong cuốn sách mang lại góc nhìn đối chiếu với các sự kiện lịch sử, góp phần lý giải thành công của cách mạng, chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh bản in truyền thống, cuốn sách còn được Công ty Giải pháp lưu trữ KAF giới thiệu tại buổi ra mắt giới thiệu sách dưới dạng “sách tương tác” - ứng dụng công nghệ trình chiếu mới, giúp đưa nội dung cuốn sách đến với độc giả một cách sinh động và gần gũi.

75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9