Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên

Ngày 27-10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920-2020) với sự tham dự của đại diện gia đình nhà thơ và đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học.

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920, tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ông lớn lên và đi học ở TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh), bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, Chế Lan Viên xuất bản tập thơ đầu tay “Ðiêu tàn” và trở thành một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam. Tháng 8-1945, Chế Lan Viên tham gia cách mạng tại Bình Ðịnh, Thừa Thiên  Huế, viết bài và làm biên tập cho các báo: Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến… Năm 1954, ông tập kết ra bắc, làm biên tập viên báo Văn học và có nhiều năm tham gia lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII. Nhà thơ Chế Lan Viên để lại nhiều tác phẩm giá trị ở cả thể loại thơ, văn, tiểu luận phê bình, trong đó, có những tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả yêu mến như: Người đi tìm hình của nước, Tiếng hát con tàu, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?... Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996. Tại lễ kỷ niệm, các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình đã có tham luận, chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và những kỷ niệm về nhà thơ Chế Lan Viên. Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu quốc học, Nhà xuất bản Văn học ra mắt cuốn sách “Chế Lan Viên tuyển tập” (Văn xuôi nghệ thuật), do nhà văn Vũ Thị Thường tuyển chọn.