Khúc tráng ca về Tổng đốc Hoàng Diệu

Hà thành chính khí là vở diễn mới nhất vừa được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, tái hiện chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu - một người con của mảnh đất Quảng Nam, đã tuẫn tiết hy sinh cùng thành Hà Nội trước thực dân Pháp xâm lược. Đây là công trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát và hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cảnh trong vở Hà thành chính khí.
Cảnh trong vở Hà thành chính khí.

Vở diễn lấy bối cảnh những năm 1880, khi thực dân Pháp đã chiếm được vùng đất Nam Kỳ, đem quân ra bắc với dã tâm đánh chiếm thành Hà Nội. Lúc bấy giờ, trấn giữ vùng Hà Ninh, trong đó có thành Hà Nội là Tổng đốc Hoàng Diệu. Nhận ra âm mưu của giặc Pháp, ông một mặt bắt tay vào thực hiện các công việc chuẩn bị chiến đấu: đào hào, đắp thành, trang bị vũ khí đạn dược, mặt khác hết lòng chăm lo đời sống nhân dân. Khi quân địch kéo đến, bất chấp triều đình Huế khiển trách, Hoàng Diệu cùng các tướng sĩ đã quyết tử để bảo vệ thành Hà Nội. Nhưng do sự phản trắc của Hoàng thân - Án sát Tôn Thất Bá, năm 1882 thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết tại Võ Miếu. Ông mãi là tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự chính trực, một lòng vì dân, vì nước.

Nói về lý do lựa chọn hình tượng Tổng đốc Hoàng Diệu để khai thác trên sân khấu kịch, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát, cũng là đạo diễn của Hà thành chính khí chia sẻ, anh và tập thể các nghệ sĩ của nhà hát muốn gửi lời tri ân đến những bậc tiền nhân đã có nhiều đóng góp, hy sinh để làm nên Hà Nội hôm nay. Hoàng Diệu không chỉ là người học vấn uyên thâm, văn võ song toàn, mà còn là một vị quan thanh liêm chính trực, vị công bộc hết lòng vì dân. Ngày nay, ở Ô Quan Chưởng vẫn còn lưu lại một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ được niêm yết năm 1881 của Tổng đốc Hoàng Diệu và tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng nhằm ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, vòi tiền nhân dân...

Vở diễn mở ra bằng cuộc gặp gỡ vừa hư, vừa thực giữa một cô gái trẻ với một ông lão ở di tích thành Hà Nội. Họ cùng nhau nói về lịch sử Hà thành, để rồi từ đây, những chi tiết liên quan Tổng đốc Hoàng Diệu cứ thế dần hiển hiện, tự nhiên và đầy sống động. Theo dõi vở diễn, có những chi tiết khiến người xem đặc biệt xúc động, như: cảnh người mẹ già của Hoàng Diệu một mình ngồi trước bàn thờ trong ngày giỗ chồng, tự rót rượu thay mặt từng đứa con mời bố rồi lại tự mình uống trong nỗi cô đơn; cảnh Hoàng Diệu rưng rưng khi nhận được món quà của người mẹ phương xa; hay cảnh ông bàng hoàng, đớn đau khi nhìn thấy xác anh em tướng sĩ ngày thành Hà Nội thất thủ... Đan cài trong cảm hứng anh hùng ca còn là những phút giây lắng đọng của tình người, sự hy sinh. Một vở diễn về đề tài lịch sử cách mạng, nhưng không khiến người xem có cảm giác khô khan mà trái lại đầy gần gũi, dễ tiếp nhận. Ấy là bởi tất cả đã được tái hiện, cảm nhận qua lăng kính của những con người hôm nay.

Nhiều người ngạc nhiên khi biết tác giả kịch bản của Hà thành chính khí là nhạc sĩ Tiến Minh, bởi từ trước đến nay, anh chưa từng thử sức ở vai trò này. Càng bất ngờ hơn khi biết “đứa con tinh thần” đầu tay được anh viết chỉ trong bảy ngày. Tiến Minh chia sẻ, để có thể hoàn thành kịch bản này là cả thách thức lớn bởi những tư liệu về Tổng đốc Hoàng Diệu được lưu trong lịch sử không nhiều, ngay cả văn chương do ông sáng tác cũng chỉ còn lại đúng một bài thơ. “Tuy nhiên, khi đọc bài thơ duy nhất này, tôi nhận thấy đây không thể là một con người đơn giản. Ông chắc chắn rất uyên bác về kiến thức, văn học. Sự tuẫn tiết của ông không phải vì thất thế, vì thua trong một trận chiến mà là vì chữ trung với nước, thà chết chứ không thể cúi đầu trước quân địch...”.

Bên cạnh việc tôn trọng những chi tiết lịch sử, vở diễn còn xây dựng thêm nhân vật hư cấu, điển hình là nhân vật ca nương Lê Thị - người bạn tri âm tri kỷ của Hoàng Diệu để góp phần làm nổi bật chân dung một vị tướng tài hoa. Phát huy sở trường của mình, nhạc sĩ Tiến Minh đặc biệt trau chuốt cho phần âm nhạc. Những di sản đặc trưng cho Hà Nội và Quảng Nam là ca trù, bài chòi đã được đưa lên sân khấu kịch, lồng gắn khéo léo với những ca khúc nhạc trẻ tươi mới, khiến vở diễn về đề tài lịch sử trở nên giàu chất thơ và gần gũi hơn với công chúng hôm nay. Dàn diễn viên cũng đã diễn khá tròn vai khi mỗi nhân vật xuất hiện đều để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Đặc biệt, phải nói tới Tiến Lộc, nghệ sĩ trẻ có lối diễn đĩnh đạc, đã thể hiện thành công hình tượng đẹp về Tổng đốc Hoàng Diệu. Nhân vật Tôn Thất Bá do NSND Công Lý thủ vai tạo ấn tượng mạnh khi lột tả sự đê hèn, thủ đoạn của một kẻ phản trắc. NSƯT Quang Thắng cũng mang đến nhiều bất ngờ khi vào vai tên tướng Pháp gian xảo Ăng-ri Ri-vi-e.

Ngoài ra, làm nên sức hút của vở diễn không thể không nói đến sự đóng góp của sân khấu quay vừa được nhà hát đưa vào hoạt động. Hệ thống quay có thể mở ra, đảo chiều, nâng lên, hạ xuống một cách linh hoạt không chỉ mang đến những bối cảnh không gian thay đổi liên tục, gây ấn tượng về mặt thị giác mà còn tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật bất ngờ. Mạch diễn cũng nhờ đó được xâu chuỗi, tăng hiệu quả chuyển tải cảm xúc tới người xem. NSND Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc nhà hát nhận định: Hà thành chính khí là một vở diễn đẹp, bi tráng, được dàn dựng công phu, xứng đáng là công trình kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát. Tuy nhiên, cần chỉn chu hơn về phục trang và hóa trang diễn viên. Một số chuyên gia sân khấu cho rằng với thời lượng khá dài khoảng hai tiếng rưỡi, vở diễn cũng nên có sự điều chỉnh, cắt bớt một số cảnh để gọn gàng hơn, phù hợp thói quen tiếp nhận của công chúng hiện đại. Có thể nói, sự ra mắt của Hà thành chính khí cùng sân khấu quay là dấu mốc mở ra nhiều kỳ vọng về những đổi mới trong dàn dựng tác phẩm của Nhà hát Kịch Hà Nội thời gian tới.