Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia xuống cấp nghiêm trọng

NDO -

Tháng 1-2001, Khu di tích Đình Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 04/2001/QĐ – BVHTT. Nhưng hiện nay, khu di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều nơi trong khu vực Đình Thuận Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều nơi trong khu vực Đình Thuận Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 20-12, phóng viên Nhân Dân điện tử đến thăm Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Thuận Hòa. Ghi nhận ban đầu là nhiều hạng mục của khu di tích nơi đây đã bị xuống cấp rất nhiều.

Tại khu vực Đông môn (cửa Đông) của di tích bị hư hỏng nặng, những mảng tường bị bong tróc, tường thành sập đổ gần như hoàn toàn, vùi mình dưới cỏ.

Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia xuống cấp nghiêm trọng -0
Tại khu vực Đông Môn (cửa Đông) bị bong tróc nham nhở, xuống cấp gần như hoàn toàn. 

Thăm khu vực phía nhà Tây của Đình Thuận Hòa, những cánh cửa đã hỏng nặng, không thể đóng, mở. Mái nhà bị bong tróc nham nhở nhiều chỗ. Tại khu vực nhà Nghĩa Tự cũng xuống cấp nhiều.

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng Ban Quản lý Đình Thuận Hòa cho biết: “Các khu vực nhà Tây, nhà Nghĩa Tự, nhà hậu cần, khu vực Đông môn bị xuống cấp gần như hoàn toàn. Năm 2005, các khu vực như: nhà Chánh Điện, nhà Đông, nhà Tiền Hiền đã được trùng tu, tôn tạo, tuy nhiên đến thời điểm này, mái ngói đều bị hỏng, mỗi khi trời mưa, nước từ mái ngói bị dột xuống rất lầy lội. Những đòn kèo nhà chánh điện đã bị mục, dễ bị sập đổ xuống khi tổ chức cúng tế có đông người tham gia”.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ninh Phước Phan Kim Lương cho biết, đã ghi nhận và đã kiến nghị các cấp, các ngành liên quan xem xét, dự kiến trong năm 2021 sẽ đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa.

Đình Thuận Hòa tọa lạc tại trung tâm làng Thuận Hòa, xây dựng trên một khu đất có diện tích khoảng 3.500 m2, mặt chính hướng về phía nam, ra xa có dòng sông Quao bao bọc, phía đông và phía bắc là khu dân cư, phía tây và phía nam là đường liên thôn. Nhìn trên bình đồ, Đình Thuận Hòa có kiến trúc dạng chữ khẩu (□), bao gồm: Nghi môn, bức Bình phong, tòa Chánh điện, nhà Đông, nhà Tây, nhà Tiền Hiền, miếu Thanh Minh.

Tất cả các công trình này được bao bọc bởi bức tường thành xây bằng gạch, đá, vôi. Từ Nghi môn vào, qua bức Bình phong là đến tòa Chánh điện. Hai bên tòa Chánh điện có hai hành lang dẫn đến nhà Đông và nhà Tây. Nối hai đầu nhà Đông và nhà Tây là nhà Tiền Hiền, tạo nên một công trình khép kín. Miếu Thanh Minh nằm ở phía đông tòa Chánh điện.

Đình Thuận Hòa là nơi thờ thần Thành Hoàng – vị Thần bảo trợ cho làng. Do không có thần phả để lại, cho nên chưa rõ lai lịch của thần. Năm Nhâm Tý (1852) Vua Tự Đức phong Sắc đầu tiên cho thần. Năm 1880, Vua Tự Đức phong Sắc lần thứ hai. Năm 1887, Vua Đồng Khánh phong Sắc lần thứ ba. Năm 1909, Vua Duy Tân phong Sắc lần thứ tư. Năm 1924, Vua Khải Định phong Sắc lần thứ năm. Tất cả các Sắc phong đều được bảo tồn nguyên vẹn cho đến nay. Hằng năm, dân làng tổ chức tế thần nhằm ngày 10-3 âm lịch trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đình Thuận Hòa còn là nơi diễn ra các nghi lễ cổ truyền gắn liền với tín ngưỡng của cư dân trong làng.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết, theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 5-12-2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phân cấp trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh; di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, di tích Đình Thuận Hòa thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND huyện Ninh Phước. Do vậy, nguồn vốn để trùng tu, sửa chữa các di tích được sử dụng từ các nguồn đóng góp của nhân dân trong vùng có di tích, nguồn vận động xã hội hóa và nguồn ngân sách nhà nước (cấp huyện, tỉnh và vốn chương trình mục tiêu quốc gia của T.Ư).

Theo đó, UBND huyện Ninh Phước cần cân đối bố trí vốn thực hiện việc tu sửa hoặc đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét hỗ trợ để khu di tích lịch sử cấp quốc gia được bảo tồn như mong muốn.